Ngành điện tử vươn lên đi đầu

Những năm gần đây, ngành điện tử Việt Nam đã dần lớn mạn, nhờ hoạt động đầu tư lớn từ các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt ở các mặt hàng camera, smart phone... 
Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử đã chiếm đến 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. So với thế giới, Việt Nam hiện đang thuộc các quốc gia có hàng điện tử xuất khẩu cao.
Ngành điện tử vươn lên đi đầu ảnh 1 Sản xuất máy đọc mã vạch xuất khẩu tại Công ty Datalogic Scanning trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
 Ấn tượng qua từng con số 
Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện gia dụng (điện thoại di động và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác) chiếm 28,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử đạt 61,8 tỷ USD, tăng 14,4 tỷ USD, bằng 130% so với năm trước. Thị trường xuất khẩu cũng là những thị trường “tốp” đầu về yêu cầu chất lượng như Nga, Đức, Áo, Indonesia, Mỹ… Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử cũng chiếm tương ứng 25,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Cụ thể đạt gần 54 tỷ USD, tăng hơn 28% so với năm trước. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan…
Trong khi đó, điện tử là mặt hàng có sự cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường thế giới, đặc biệt với hàng giá rẻ của Trung Quốc. Trong khi camera là linh kiện không thể thiếu, dùng để sản xuất, lắp ráp điện thoại di động và camera quan sát. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu đến 181,5 triệu chiếc camera và đẩy giá trị nhập khẩu 1,17 triệu USD. Trong đó, camera chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (80%), Hàn Quốc (17,5%), Philippines (1,1%)…
Tuy nhiên, Việt Nam đánh giá được sự cạnh tranh khốc liệt đó nên đã có chiến lược đầu tư và cạnh tranh phù hợp. Hiện nay, trên thị trường các dòng camera quan sát chính thì trong đó có cả hàng sản xuất tại Việt Nam (bên cạnh hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Vượt lên ngoạn mục 
Ngành công nghiệp điện tử của nước ta tuy đi sau nhưng đã vượt lên ngoạn mục và đến nay đã đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế. Nguyên nhân, chúng ta có nhiều lợi thế về dân số với gần 60% dân số ở độ tuổi lao động nên đã cung cấp nguồn lao động dồi dào; vị trí địa lý thuận lợi vì nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động… Đó là lý do thời gian qua Việt Nam đã thu hút được các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài như tập đoàn Samsung…
Từ đó, Việt Nam có cơ hội chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực từ các tập đoàn công nghiệp điện tử lớn trên thế giới. Nhờ có hoạt động đầu tư lớn từ nước ngoài nên khối các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc nhóm hàng điện tử. Còn các doanh nghiệp trong nước chỉ lắp ráp, gia công.
Cụ thể, nhiều năm qua Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Trong đó, ngành điện tử dân dụng chiếm đến 80%, còn lại là điện tử chuyên dụng với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khoảng 20% - 30%. Hầu hết sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng linh kiện nhập khẩu. 
Tuy nhiên, đây chưa phải là thành tựu về kinh tế khi mà lợi nhuận mang lại cho nền kinh tế vẫn chưa cao, vì phần lợi nhuận lớn vẫn do các tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư vào hưởng, còn sản phẩm do doanh nghiệp trong nước làm ra vẫn còn nhỏ lẻ và chưa thể cạnh tranh nổi. Nguyên nhân, doanh nghiệp điện tử trong nước hầu như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận thấp và giá trị gia tăng ước tăng cũng thấp, chỉ khoảng 5% - 10%/năm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh - phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nên phải nhập khẩu linh - phụ kiện từ nước ngoài.
Do vậy, việc nhà nước làm cách nào để hỗ trợ nền sản xuất điện tử trong nước, do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao là hết sức quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Bởi nếu chỉ gia công thì không khác việc bán sức lao động. Trong khi, sức lao động chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 10% trong cấu thành sản phẩm. Để sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam làm ra có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi phải đầu tư máy móc, thiết kế, quy trình quản lý, công nghệ sản xuất để tạo ra chất lượng sản phẩm cao, có thương hiệu và đứng vững trên thị trường sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục