Ngành điện vỡ quy hoạch…

Ngành điện đang bị vỡ quy hoạch do lâu nay chỉ khai thác các nguồn truyền thống như than và thủy điện, trong khi nhóm tài nguyên này đã gần như chính thức bị “khai tử”. 
Điện gió, nguồn năng lượng sạch đang được triển khai tại Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Điện gió, nguồn năng lượng sạch đang được triển khai tại Việt Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Xác định lại quy hoạch và nguồn năng lượng sẵn có để đảm bảo nguồn cung, đồng thời hạn chế được “nghịch cảnh” phụ thuộc nhập khẩu là giải pháp cấp bách hiện nay.

Cạn kiệt tài nguyên

Theo dự báo của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện giai đoạn 2016-2020 khoảng 10,6%, giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,5%, giai đoạn 2026-2030 khoảng 7,5%. Trong đó, ngành công nghiệp chiếm 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Tăng trưởng công nghiệp vẫn là một trong những yếu tố chính khiến cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam vẫn còn cao. Và với thực trạng ngổn ngang của ngành điện hiện nay thì mục tiêu nguồn cung đặt ra khó có thể đạt được so với mức tăng trưởng của nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Chưa kể, Quốc hội quyết định dừng phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân, trong khi chúng ta đã khai thác hết công suất các dự án thủy điện lớn. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than để phát điện và sẽ nhập khẩu khí gas hóa lỏng từ năm 2023. Như vậy, Việt Nam sẽ sớm trở thành nước nhập khẩu thuần về năng lượng trong tương lai”, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương), đưa ra cảnh báo.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, trong cơ cấu nguồn cung của cả nước, thủy điện chiếm 41,6%, nhiệt điện than (NĐT) 33%, turbin khí 18,7%, nhập khẩu 3,1% từ Trung Quốc và Lào, còn lại từ các nguồn khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện các nguồn thủy điện dần cạn kiệt nên nguồn NĐT đang được ưu tiên phát triển. Xu hướng đến năm 2020, tỷ trọng nguồn NĐT sẽ tăng lên 49%, đến năm 2025 tăng lên 55% và sau đó sẽ giảm dần.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây Việt Nam từng xuất khẩu than với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm, thì từ năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than/năm. Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ phải nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó. Đồng thời, Việt Nam cũng xem xét tăng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc...

Điều khiến dư luận lo ngại là cả 2 nguồn cung chính Việt Nam đang hướng đến này đều để lại hậu quả về lâu dài như chi phí cao, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là thiếu tính bền vững. Có lẽ nhận thức rõ những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai nên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, kịch bản đề xuất giảm tỷ trọng của NĐT từ 42,6% xuống còn khoảng 24,4%; đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) từ 21% lên khoảng 30% vào năm 2030; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên khoảng 22,8%.

Linh hoạt trong quy hoạch

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), để đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn, khả thi về kinh tế và phù hợp với Thỏa thuận Paris, trước mắt cần cắt giảm 30GW NĐT và tăng tỷ trọng NLTT.

“Việt Nam có tiềm năng cao về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Từ nghiên cứu về dự báo nhu cầu điện tới năm 2030 do GreenID tiến hành năm 2015, chúng tôi ước tính rằng, nếu tiềm năng này được ưu tiên khai thác, Việt Nam có thể giảm nhu cầu sản xuất điện khoảng 17.000MW”, đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra khẳng định.

Phân tích về “lợi - hại” giữa việc lựa chọn NĐT và NLTT, nhóm nghiên cứu cho rằng hiện tại giá NĐT rẻ hơn NLTT vì chưa bao gồm chi phí ngoại biên (chi phí môi trường, xã hội, sức khỏe). Thực tế, đây là chi phí có thực mà người dân và Chính phủ đang và sẽ phải gánh chịu, chứ không phải nhà đầu tư. Nếu xem xét chi phí này thì ngay tại thời điểm nghiên cứu năm 2017, tất cả công nghệ NLTT đều trở nên cạnh tranh hơn về chi phí so với các công nghệ NĐT.

Đồng quan điểm trên, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng (Ngân hàng Thế giới - WB tại Việt Nam) cho rằng, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Do vậy, tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng cao công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao. “Chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện sẽ góp phần tăng năng suất lao động và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn”, ông Franz Gerner phân tích.

Ông Franz Gerner cũng đánh giá, trước đây Việt Nam đã phát triển thành công các nguồn sản xuất điện bằng than, khí và thủy điện với giá thành thấp, nhưng nay do cầu về điện tăng nên các nguồn trong nước không đủ đáp ứng nữa. Ngoài ra, các nguồn mới như than và điện nhập từ Lào, Trung Quốc và các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây. Còn hiện nay, điện gió và điện mặt trời đang phát triển tại Việt Nam với giá thành ngày càng hạ, vì vậy, các công nghệ này cùng với chi phí tích điện ngày càng hạ sẽ cạnh tranh được với các nguồn truyền thống như than và thủy điện và có thể cấp được công suất tải tối thiểu. Ngoài ra, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào than đá thì mới có thể hoàn thành cam kết NDC (đóng góp quốc gia) về thúc đẩy năng lượng thay thế.

Nhóm nghiên cứu GreenID và VSEA kiến nghị Chính phủ và các cơ quan lập quy hoạch điện xem xét phương án phát triển nguồn điện theo kịch bản: Tăng công suất NLTT từ khoảng 27.000MW lên 32.000MW (chiếm khoảng 30% tổng công suất); tăng công suất điện khí từ khoảng 19.000MW lên khoảng 24.000MW (chiếm khoảng 22,8% tổng công suất); giảm công suất điện than năm từ khoảng 55.300MW xuống còn khoảng 25.640MW (chiếm khoảng 24% tổng công suất).

Tin cùng chuyên mục