Ngành đồ uống Việt Nam loay hoay tồn tại

50% thị phần đồ uống nội địa nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy doanh nghiệp nội đứng ở đâu trong phân khúc này? Hơn nữa, ngay tại một nước nhiệt đới, có nông sản thực phẩm, hoa quả, trái cây phong phú như Việt Nam, lại không có nhiều doanh nghiệp chế biến đồ uống từ trái cây thiên nhiên mà ưu thế trên thị trường lại là sản phẩm đồ uống có gas.
Ngành đồ uống Việt Nam loay hoay tồn tại

50% thị phần đồ uống nội địa nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy doanh nghiệp nội đứng ở đâu trong phân khúc này? Hơn nữa, ngay tại một nước nhiệt đới, có nông sản thực phẩm, hoa quả, trái cây phong phú như Việt Nam, lại không có nhiều doanh nghiệp chế biến đồ uống từ trái cây thiên nhiên mà ưu thế trên thị trường lại là sản phẩm đồ uống có gas.

Sản xuất nước ép trái cây tại một doanh nghiệp trong nước. Ảnh: CAO THĂNG

Yếu cả nội lực lẫn thương hiệu

Ghi nhận tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho thấy, ngoại trừ bia, rượu là sản phẩm đồ uống có doanh nghiệp nội thống lĩnh thị trường, chủ yếu là sản phẩm của Công ty Sabeco và Habeco, còn lại là những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nước uống trái cây hoặc thức uống có gas do các doanh nghiệp ngoại thống lĩnh. Thống kê cụ thể cho thấy, thị phần nước giải khát có gas rơi vào tay hai ông khổng lồ, có tính chất dẫn dắt thị trường là Coca Cola và Pepsi. Riêng đối với thị trường đồ uống nóng thì thuộc về Nestle và Vinacafe. Không dừng lại đó, các doanh nghiệp nhỏ còn được dự báo sẽ dần biến mất trên thị trường hoặc chuyển giao thương hiệu cho các doanh nghiệp ngoại, do không đủ sức cạnh tranh thị phần tiêu thụ. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều công ty có vốn nước ngoài đã thực hiện thâu tóm rất nhiều công ty sản xuất đồ uống nội. Đơn cử như Công ty Uni - President đã mua lại và nắm quyền điều hành Công ty cổ phần nước giải khát Tribeco. Trước đó, lần lượt những thương hiệu sản xuất đồ uống có tên tuổi và bề dày trên thị trường nội địa như Ngọc Hồi, Chương Dương, Non Nước đã lần lượt bị Công ty Coca Cola mua lại… Điều này khiến cho sự chênh lệch trong khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại ngày càng cao mà phần áp đảo thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Lý giải thực tế này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, cho rằng, đó là do các doanh nghiệp nội đang hoạt động trong môi trường quá khắc nghiệt. Bản thân doanh nghiệp luôn phải chịu những tổn thương do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Sự biến động trên thị trường tài chính hoặc thiên tai dù nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty. Mặt khác, các doanh nghiệp nội còn không có khả năng phát triển thương hiệu và đưa sản phẩm của mình tiếp cận với thị trường. Thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp, lợi nhuận của công ty không đủ khả năng tiếp thị sản phẩm miễn phí trên thị trường - một giải pháp tiếp thị mà các công ty ngoại thường xuyên sử dụng khi chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường. Từ khó khăn về quy mô hoạt động, vốn đầu tư, kéo theo khả năng phát triển thương hiệu cho sản phẩm của các công ty ngày càng kém. Do vậy mà thị phần tiêu thụ vốn đã hẹp lại ngày càng hẹp hơn. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp ngoại tràn sân.

Thắt chặt rào cản kỹ thuật

Theo các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng ngành đồ uống Việt Nam là khá khả quan. Mức tăng trưởng trong ngắn hạn của mặt hàng bia, rượu đang tăng mức trên 2 con số rồi sẽ chậm lại từ sau năm 2016 và chuyển sang sản phẩm đồ uống cao cấp hơn. Điều này xuất phát từ dự báo mức thu nhập người dân cao hơn trong thời gian tới và họ có nhu cầu quan tâm đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe hơn. Do đó, đối với sản phẩm đồ uống cao cấp trong ngắn hạn, đến năm 2016 chỉ tăng mức 7,5%, nhưng về lâu dài sẽ tăng lên khoảng 10,5%. Thế nhưng ưu thế chiếm thị phần trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo bà Lý Kim Chi, để khắc phục những điểm yếu trên của doanh nghiệp nội, nhất thiết phải xây dựng những rào cản kỹ thuật chặt chẽ để vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước, vừa kích thích phát triển sản xuất của doanh nghiệp nội. Mặt khác, Chính phủ phải đẩy mạnh phát triển ngành nguyên phụ liệu, hương liệu - vốn đang bị bỏ trống trên thị trường để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nội, tránh những rủi ro do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Julian Lawson Hill, chuyên gia xây dựng thương hiệu châu Âu, cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến khâu tạo thương hiệu cho sản phẩm của mình. Việc tạo thương hiệu không nhất thiết phải đầu tư vốn lớn quá sức mình để chạy theo các hoạt động truyền thông, tiếp thị mà có thể bắt đầu ngay bằng việc quan tâm đến cải tiến mẫu mã sản xuất. Doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh với những ông khổng lồ nhưng không phải là không thể tồn tại. Nếu biết phát huy lợi thế, chắt lọc tính độc đáo trong sản phẩm của mình và đặc biệt là thực hiện tốt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thì vẫn có những chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ. Quan trọng là họ chọn một hướng đi riêng cho mình phù hợp với một phân khúc thị trường nhất định. Mặt khác, để tăng khả năng cạnh tranh với những ông lớn, giữa các doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua vai trò hội, liên đoàn doanh nghiệp. Do vậy, với đặc điểm khá tương đồng với doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy tính liên kết giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò giao thương, kết nối của tổ chức hội ngành nghề. Có như thế, doanh nghiệp mới có khả năng trụ vững trên thị trường sân nhà trong bối cảnh hội nhập diễn ra mạnh mẽ thời gian tới.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục