Ngành dược thời công nghệ 4.0

Trong khuôn khổ Triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần 13 diễn ra ở TPHCM mới đây, các các chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ngành y - dược đã nói nhiều về các cơ hội và thách thức của DN ngành dược trước cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0  đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, DN ngành này cần có chiến lược kinh doanh, ứng dụng giải pháp quản trị song hành cùng chiến lược công nghệ. 
Khách hàng tham quan Triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần 13 tại TPHCM
Khách hàng tham quan Triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần 13 tại TPHCM

Số hóa nền sản xuất 

Theo các diễn giả, tất cả các ngành công nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ dựa trên nền tảng công nghệ, tạo ra các xu hướng mới trong ngành, tác động mạnh đến các xu hướng cạnh tranh và phát triển bền vững của từng DN. PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khuyến cáo các DN cần ý thức chuẩn bị cho xu thế Pharma 4.0 (công nghiệp dược trong CMCN 4.0). Pharma 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi trọng tâm từ quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định sang quá trình sản xuất dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số. Ở đó, các thông số được tự động điều chỉnh bằng cơ sở dữ liệu và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình. 

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay có gần 200 nhà máy dược chưa thể hoàn thiện việc số hóa cho quá trình sản xuất. Tình hình phổ biến nhất là đa số DN đầu tư các thiết bị riêng lẻ và lắp ghép từng phần thành dây chuyền sản xuất. Điều này khiến quá trình điện toán hóa/số hóa trở nên khó khăn. Khi xảy ra sự cố thì việc khắc phục rất tốn kém và mất thời gian. “Nhiều nhà máy đã ứng dụng hệ thống thiết bị máy móc tiên tiến nhưng mới chỉ là kết quả của những cố gắng riêng lẻ, còn quãng đường dài để ngành công nghiệp dược có được những nhà máy thông minh để tiến tới nền công nghiệp y tế thông minh”, ông Truyền cho biết thêm.

Cũng theo ông Lê Văn Truyền, cần các yếu tố kinh tế - xã hội làm nền tảng cho nền công nghiệp số hóa thông qua hệ thống pháp luật, quy chế thích ứng với nền kinh tế và công nghiệp số hóa, đi từ hồ sơ điện tử, báo cáo điện tử, chữ ký điện tử… cho đến các thách thức về tự động hóa, an ninh thông tin bảo mật nhằm đảm bảo sự toàn vẹn cho quá trình. Đối với DN dược, để hội nhập với CMCN 4.0, cần môi trường chính sách quản lý rõ ràng, đặc biệt chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất sản phẩm chất lượng cao; cân nhắc chính sách đấu thầu thuốc theo hướng ưu tiên dược phẩm chất lượng có giá thành hợp lý hay ưu tiên thuốc giá rẻ… theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Phác đồ” công nghệ cho DN dược

Có nhiều thách thức đặc thù trong công tác quản trị của các công ty dược ngày càng phải đối mặt. Thách thức bên ngoài đến từ các đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất thuốc, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức y tế. Thách thức bên trong bao gồm các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quản lý sản xuất, chất lượng toàn diện. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành dược: GMP, GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5… 

Kết thúc năm 2017, tổng doanh thu ngành dược ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016. Dự báo doanh thu ngành dược tăng trưởng trung bình 10% trong 5 năm tới. Hiện mạng lưới cung ứng tại Việt Nam gần 2.000 DN dược nội địa và 30 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù áp đảo về lượng nhưng thuốc nội vẫn yếu thế hơn so với thuốc ngoại. Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tiêu thụ thuốc nội địa chiếm 48% trong tổng tiêu thụ.

Ông Nguyễn Công Tẩn, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Citek, khuyến cáo DN cần có chiến lược kinh doanh song hành cùng chiến lược công nghệ. Mỗi DN có năng lực khác nhau nên cần “phác đồ” phù hợp để lựa chọn đầu tư công nghệ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Trong đó, ERP (Enterprise resource planning software) là một giải pháp phần mềm với mục đích hỗ trợ việc quản trị một DN. 

Theo chuyên gia quản trị DN Phạm Quang Chiến, với thực tế hiện nay, ERP không đơn giản là phần mềm mà là phương tiện tạo ra những trải nghiệm thành công trong DN. DN không thể đi tắt đón đầu mà buộc phải có lộ trình ổn định nền tảng lõi trước khi song hành cùng các nền tảng ứng dụng công nghệ cao hơn, phù hợp với xu thế CMCN 4.0 trong tương lai. Trong đó, DN dược Việt cần giải pháp chuyên ngành đã được các tập đoàn lớn sử dụng như là các điển hình để học tập và ứng dụng theo.

Tin cùng chuyên mục