Ngành giáo dục lo lắng về đội ngũ, quy hoạch trường lớp

Bộ GD-ĐT đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém, trong đó, chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ, tuyển dụng, ký hợp đồng lao động; Việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đội ngũ nhà giáo còn cảm tính...

Ngày 21-8, Bộ GD-ĐT tổ chức tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo về tình hình thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành giáo dục trong năm học 2016-2017.

Bộ GD-ĐT cho rằng, năm học qua ngành giáo dục có nhiều thành tích nổi bật như tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực; cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; thành tích thi quốc tế của học sinh Việt Nam cao nhất từ trước đến nay; các bậc học đều có những nỗ lực nâng cao chất lượng... Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu vẫn còn nhiều hạn chế.

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu

Theo đó, về rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, Bộ cho biết tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh thành có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư vẫn chưa được khắc phục.

Quy mô trường, lớp ở một số vùng nông thôn, miền núi còn manh mún, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thừa, thiếu cục bộ. Sĩ số học sinh mầm non, phổ thông/lớp ở một số địa phương còn cao so với quy định. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phát triển dàn trải, chưa có sự phân loại theo chất lượng để có chính sách ưu tiên đối với các lĩnh vực cần được đầu tư phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập tập trung chủ yếu tại các thành phố..

Ngành giáo dục lo lắng về đội ngũ, quy hoạch trường lớp ảnh 1 Hội nghị tổng kết ngành giáo dục 

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương (thừa giáo viên trung học cơ sở, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa...).

Việc chuyển giáo viên phổ thông dôi dư dạy mầm non chưa qua đào tạo ở một số địa phương... đã gây bức xúc trong ngành và xã hội (Thanh Hóa). Công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng quy định; tình trạng ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá giáo viên chưa đúng quy định...gây nhiều bức xúc cho các thầy giáo, cô giáo và xã hội.

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn; dân chủ trong trường học còn nhiều bất cập.

Số lượng giảng viên đại học tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống còn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm khoảng 3,4%).

Dạy và học tiếng Anh chưa hiệu quả

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm học vừa qua đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo Chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn. Chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương khác nhau dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả các địa phương trở nên khó khăn.

Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và thậm chí sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ. Mục tiêu bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đạt chuẩn của công chức, viên chức chưa được các địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức, thiếu chế độ và chế tài cần thiết để đảm bảo nâng cao năng lực ngoại ngữ hiệu quả và bền vững trong môi trường làm việc và phát triển nghề nghiệp.

Đối với đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, Bộ GD-ĐT cho biết đã có nhiều nỗ lực, đối với cấp học mầm non và phổ thông, tỷ lệ lớp/phòng học bình quân chung cả nước là 1,11 lớp/phòng học, từng bước đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học kiên cố/lớp khá thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 0,68. Do đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong thời gian tới cần ưu tiên đầu tư xây dựng thêm phòng học.

Đáng chú ý, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính bị phân tán; cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm còn thiếu và lạc hậu...

Việc dự báo nhu cầu đào tạo các ngành nghề còn nhiều hạn chế dẫn đến xảy ra một số ngành đào tạo thừa, trong khi một số ngành đào tạo xã hội có nhu cầu chưa được quan tâm để phát triển. Đó là những nguyên nhân khiến cho chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng và chưa phù hợp với cơ cấu ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc triển khai đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ở các trường đại học do địa phương quản lý còn chậm được triển khai. Mặc dù đã có văn bản quy định từ năm 2014, song đến nay chưa có trường nào trong số 28 trường đại học trực thuộc UBND tỉnh triển khai.

Số trường mở chương trình liên kết đào tạo quốc tế còn ít (7 chương trình liên kết đào tạo quốc tế của 4 trường đại học).

Như vậy, đến nay hầu hết các trường đại học trực thuộc các địa phương chưa đào tạo chương trình chất lượng cao; chưa bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. 

Quy hoạch lại mạng lưới, nâng chất đội ngũ

Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên. Trong đó, chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ, tuyển dụng, ký hợp đồng lao động. Việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đội ngũ nhà giáo còn cảm tính, thiếu cơ sở. Một bộ phận giáo viên chưa chuyên tâm với nghề, không tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngại đổi mới. Chương trình đào tạo của một số cơ sở đào tạo còn thiếu tính thực tiễn; chưa gắn kết giữa cơ sở đào tạo giáo viên với các cơ sở giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng.  Việc đầu tư cho dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chưa tương xứng. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn…

Ngành giáo dục lo lắng về đội ngũ, quy hoạch trường lớp ảnh 2 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh năm học mới sẽ tập trung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, nhất là đào tạo giáo viên
Từ thực tế giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới ngành giáo dục sẽ chú trọng 3 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.

Hai là chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Tin cùng chuyên mục