Ngành giao thông giải ngân không đạt kế hoạch

Thông tin từ Hội nghị Tổng kế 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ GTVT ngày 10-1 cho biết, đến hết tháng 12-2016, toàn ngành mới giải ngân được 33.387 tỷ đồng, gồm cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, đạt 75,2% kế hoạch.
Ngành giao thông giải ngân không đạt kế hoạch

(SGGPO).- Thông tin từ Hội nghị Tổng kế 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ GTVT ngày 10-1 cho biết, đến hết tháng 12-2016, toàn ngành mới giải ngân được 33.387 tỷ đồng, gồm cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, đạt 75,2% kế hoạch.

Ngành giao thông giải ngân không đạt kế hoạch ảnh 1

Quang cảnh hội nghị

Theo đánh giá của Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân kế hoạch vốn TPCP năm 2016 đạt thấp. Một trong những nguyên nhân lớn nhất đó là các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư của các dự án, dẫn tới việc lập kế hoạch giải ngân không sát với thực tế, đồng thời lúng túng, thiếu chủ động trong việc việc xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án.

Tại các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, sau nhiều lần rà soát vẫn tiếp tục báo cáo có dư vốn khiến cho việc điều hành kế hoạch của bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến công tác giải ngân chậm là việc xử lý các thủ tục phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án, ví dụ xử lý đền bù lún nứt nhà dân trong quá trình thi công, chủ trương đầu tư các công trình hoàn trả... điển hình là là tại các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, dự án Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu, dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả...

Bên cạnh đó, công tác phê duyệt kết quả thanh toán cuối cùng, quyết toán các dự án cũng còn chậm chễ. Tới nay, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 cũng chưa phê duyệt được quyết toán để làm cơ sở xác định chính xác chi phí vốn đầu tư thực hiện, xác định kinh phí còn dư hoặc còn thiếu so với mức vốn giai đoạn được bố trí.

Bộ GTVT vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phân bổ vốn nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017 - 2020 theo phương án, bố trí 40.551 tỷ đồng làm vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt cấp bách để cải tạo, sửa chữa các cầu, hầm yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam nhằm đảm bảo điều kiện an toàn giao thông, nâng cao tốc độ chạy tàu và 22.449 tỷ đồng để triển khai các dự án đã phải dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, các dự án quan trọng cấp bách.

Bộ GTVT cũng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan khắc phục, xử lý dứt điểm các tồn tại trong công tác giải ngân từ những ngày đầu, tháng đầu ngay sau khi được giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2017.


         BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục