Ngành gỗ chế biến và lâm sản còn nhiều dư địa phát triển

Ngày 8-8, tại TPHCM, phát biểu chỉ đạo Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định mục tiêu xuất khẩu năm 2019 là 10 - 11 tỷ USD, đến năm 2025 là 18 - 20 tỷ USD, cao hơn con số mà Bộ NN-PTNT đưa ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem sản phẩm đồ gỗ sản xuất trong nước trưng bày tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu ngày 8-8. Ảnh: CAO THĂNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem sản phẩm đồ gỗ sản xuất trong nước trưng bày tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu ngày 8-8. Ảnh: CAO THĂNG

Mới sử dụng 30% - 40% nội lực 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ kim ngạch xuất khẩu 2,3 tỷ USD năm 2007 lên 8 tỷ USD năm 2017, xuất siêu trên 70% và giá trị gia tăng trên 40%, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng nông - lâm - thủy sản. Ngành lâm nghiệp dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế-xã hội quan trọng, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu các nước Đông Nam Á; thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm giai đoạn 2010 - 2017. 7 tháng đầu 2018, kim ngạch xuất khẩu 5,3 tỷ USD, đạt 55,8% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp, xuất siêu 3,7 tỷ USD. Dự kiến năm 2018 đạt 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, thì đến nay doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang 120 nước và vùng lãnh thổ.

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhu cầu về nguyên liệu gỗ cũng đã có sự gia tăng liên tục. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ nguồn gỗ khai thác trong nước. Năm 2017, tổng nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ là khoảng 32 triệu m³ gỗ tròn, trong đó lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước là 25 triệu m3 (chiếm 75% nhu cầu). Các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó đã giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển tạo động lực, thu hút đầu tư trồng rừng cung cấp nguyên liệu, góp phần ổn định đời sống người dân trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. 

Lượng lao động làm việc nhà máy khoảng 500.000 lao động, còn thu hút hàng triệu lao động khu vực nông thôn miền núi tham gia trồng rừng. Sự phát triển của ngành này thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ như máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót và giúp các ngành khác như vận tải, logistics, chế tạo vật liệu mới… cùng phát triển. 10 năm qua, từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn máy móc, thiết bị, đến nay, ngành công nghiệp chế tạo đã có sự phát triển và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Từ chỗ phải nhập khẩu, nay xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt sang Bolivia, Myanmar, Campuchia…

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ xuất khẩu TPHCM (HAWA), chỉ số phát triển ngành rất tốt. Mới sử dụng 30% - 40% nội lực trong khi doanh số thị trường nội thất tiêu dùng thế giới 428 tỷ USD/năm và tăng 3% - 5%/năm nên còn nhiều cơ hội để phát triển, cả về xu hướng thị trường cũng như tiềm lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Chuyển giai đoạn 

Bên cạnh những lợi thế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những hạn chế mà ngành gỗ chế biến và lâm sản cần khắc phục. Đó là chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp, năng lực doanh nghiệp hạn chế, xúc tiến thương mại chưa đúng mức, đa số sản phẩm gia công; sự liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và người trồng rừng chưa nhiều; nguồn nhân lực đa số lao động phổ thông. Để giải quyết hạn chế cần xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó phát triển phải gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu; ưu tiên mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao; đầu tư thiết bị. Phát triển theo hướng đầu tư chiều sâu, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng; không khuyến khích xuất nguyên liệu hay sơ chế... Chỉ rõ hạn chế quy hoạch, hạ tầng, vấn đề đất đai, thuế, tín dụng. 

Đại diện Hiệp hội Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, đến lúc cần nhìn lại, chú trọng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục gia công, mở rộng thị trường hay hướng tới nhóm sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Không ai muốn phát triển công nghiệp chế biến gỗ tập trung cho xuất khẩu mà lao động chỉ hưởng 250 USD/tháng/người. Cần có sự tăng trưởng bền vững qua việc tăng năng suất để tăng thu nhập cho người trồng rừng và doanh nghiệp. Vì vậy, cần tái cấu trúc ngành. Bên cạnh sản phẩm gỗ qua chế biến, hiện dăm gỗ xuất khẩu chiếm 1/2 nguyên liệu sử dụng sản xuất toàn ngành. Số dăm gỗ xuất khẩu năm 2010 mới chỉ 4 triệu m³ dăm khô, năm 2017 lên đến 8 triệu m³. Để xuất 8 triệu m³ dăm khô cần 16 triệu m³ gỗ nhưng chỉ thu về 1 tỷ USD, nông dân thì bán giá thấp, doanh nghiệp lãi 1% - 2%... Trong khi đó, năm 2017 mặt hàng ghế ngồi chỉ sử dụng 1/5 nguyên liệu dăm xuất khẩu thu về 1,2 tỷ USD. Nếu không có ngành công nghiệp dăm gỗ sẽ không có 3 triệu ha rừng trồng như hiện nay, nhưng không thể tiếp tục trồng rừng để “bán lúa non” do khai thác sớm, 3 - 6 năm thay vì trên 10 năm để có sinh khối lớn hơn và thu nhập cao hơn. Tái cấu trúc ngành bao gồm cung cấp nguyên liệu gỗ dài hạn. Cần quy hoạch dài hạn 2,9 triệu ha rừng, trong đó 80% là rừng keo tai tượng. Vì vậy không nên mở rộng diện tích mà tăng năng suất bình quân như các nước khu vực thông qua kỹ thuật và thời gian khai thác. Vifores đề nghị, trong 11 triệu ha rừng tự nhiên, quy hoạch 4 triệu ha rừng sản xuất và huy động nguồn vốn của xã hội thông qua việc mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân trồng rừng như cách làm của Indonesia, Malaysia. Bên cạnh đó cần phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng, cũng như tổ chức lại hệ thống nhập khẩu gỗ nguyên liệu hiện lên đến 2.500 đầu mối. Khu vực Đông Nam bộ, cái nôi của ngành chế biến gỗ cả nước, cần được sự ủng hộ của Chính phủ và các tỉnh để xây dựng trung tâm giao thương và quảng cáo đồ gỗ diện tích 5 - 10ha làm nơi tiếp thị, trưng bày và triển lãm. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu không chỉ có ý nghĩa kinh tế - xã hội mà còn bảo vệ môi trường. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương người dân trồng rừng, doanh nhân, người lao động góp phần vào thành tựu lớn lao này. Đồng thời nhấn mạnh, dư địa ngành gỗ Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là cần khắc phục một số tồn tại, bất cập như quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; xuất khẩu dăm gỗ còn cao; mối liên kết chuỗi hạn chế, chưa phát triển; thương hiệu quốc gia còn yếu. Việc thực thi pháp luật lâm sản tự nhiên còn bất cập, còn để xảy ra phá rừng; tranh chấp đất rừng. Cần có chính sách bảo vệ rừng kiên quyết hơn, tăng cường thâm canh, tái canh. Phát triển hệ thống dịch vụ logistics tốt hơn. Thủ tướng xác định mục tiêu xuất khẩu năm 2019 là 10 - 11 tỷ USD, năm 2020 là 13 - 15 tỷ USD và 2025 là 18 - 20 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ năm 2004 đến nay TP tổ chức Hội chợ Đồ gỗ quốc tế Vifa-Expo do Sở Công thương TP và HAWA tổ chức vào tháng 3 hàng năm, trở thành hội chợ hàng đầu ở khu vực. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 1 tỷ USD (trong tổng số 8 tỷ USD) đứng thứ 3 cả nước. TP đặc biệt chú trọng trồng rừng, giúp người trồng rừng ổn định cuộc sống. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp TP hơn 38.000ha. TP tập trung 5 nhóm giải pháp: Tạo sự liên kết giữa hiệp hội - doanh nghiệp - chính quyền, lắng nghe tiếng nói DN. Giải quyết những hạn chế như tính chuyên nghiệp chưa cao, hạn chế tài chính, dịch vụ hậu mãi chưa tốt. Khuyến khích DN chế biến gỗ hợp tác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Góp phần thực thi lâm luật, xem xét vấn đề gỗ hợp pháp. Thực hiện triệt để cải cách hành chánh, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu đồ gỗ.

Tin cùng chuyên mục