Ngành nhựa giảm sản lượng

Theo Sở Công thương TPHCM, tăng trưởng của ngành nhựa thành phố đang có xu hướng giảm do tác động từ các phong trào môi trường. 

Cụ thể, một số sản phẩm của ngành tăng trưởng chậm và giảm sản lượng như nhựa bao bì, chai nhựa do phong trào bảo vệ môi trường, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cộng đồng. Đồng thời do vấn đề bảo vệ môi trường và chi phí sản xuất nên các doanh nghiệp chỉ ổn định sản xuất trên địa bàn thành phố. Trường hợp đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng mới thì chuyển về các tỉnh khác nên sản lượng sản xuất tại thành phố không tăng nhiều. 

Trong 8 tháng đầu năm 2019, ghi nhận nhóm ngành hóa dược, cao su - nhựa nói chung tăng hơn 1% so với cùng kỳ. Việc duy trì đà tăng trưởng này là do gia tăng các đơn hàng xuất khẩu. Những biến động kinh tế thế giới đã giúp các doanh nghiệp thành phố có thêm đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nên xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào giảm (nhu cầu nguyên liệu nhựa thế giới giảm), trong khi giá thành sản phẩm nhựa ổn định giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất.

Theo nhiều doanh nghiệp, dự kiến quý 4-2019, một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu khi tỷ giá hối đoái VND/USD ổn định, nhưng các đồng tiền khác lại giảm so với USD như tiền của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan nên sản phẩm Việt Nam mất ưu thế trong cạnh tranh xuất khẩu. 

Ở chiều ngược lại, những ngành trọng điểm khác của thành phố như cơ khí, lương thực, thực phẩm, điện - điện tử, dệt may, da giày… duy trì mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, cần phát triển khu - cụm công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ ngành, tạo điều kiện tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng cấp 1 để tìm cơ hội hợp tác. Tạo điều kiện tăng cường hỗ trợ xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, kết hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để hạn chế hàng giả nguồn gốc xuất xứ, trốn thuế… gây mất công bằng trong cạnh tranh với sản phẩm Việt Nam.

Có thể thấy, TPHCM vẫn giữ vai trò đầu tàu kinh tế, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước phát triển (chiếm hơn 23% quy mô nền kinh tế cả nước tính riêng trong năm 2018). Ngành công nghiệp thành phố đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 22% tổng thu hút FDI của cả nước. Chính vì vậy, việc duy trì đà tăng trưởng, cũng như phát triển công nghiệp thành phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường thế giới. Đồng thời tạo ra giá trị gia tăng để công nghiệp phát triển mạnh hơn.  

Tin cùng chuyên mục