Ngành thép Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà

Sức tiêu thụ sản phẩm thép trong những tháng gần đây đã khởi sắc trở lại, song ngành thép trong nước vẫn như đang ngồi trên lửa do sức ép của hàng nhập khẩu ngày càng lấn át ngay trên sân nhà.
Ngành thép Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà

Sức tiêu thụ sản phẩm thép trong những tháng gần đây đã khởi sắc trở lại, song ngành thép trong nước vẫn như đang ngồi trên lửa do sức ép của hàng nhập khẩu ngày càng lấn át ngay trên sân nhà.

Sức ép về giá

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản phẩm thép xây dựng 5 tháng 2015 tiêu thụ đạt khoảng 2.466.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tháng 5, thép xây dựng tiêu thụ đạt khoảng 550.000 tấn. Đây được xem là mức tiêu thụ khá tốt do nhu cầu thép từ các công trình xây dựng đang được triển khai mạnh, nhờ đó, sản phẩm thép xây dựng cũng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù mức tiêu thụ thép tăng lên nhưng ngoài những tên tuổi lớn như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Kyoei, thép Việt có đầu ra tốt, hầu hết doanh nghiệp còn lại vẫn trong thời kỳ “khủng hoảng”. Bất chấp các nhà sản xuất thép trong nước vẫn liên tục có các chính sách điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng, chiết khấu phù hợp nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ. Nguyên nhân là do thời gian gần đây thép ngoại từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàng Quốc… dồn dập tràn về thị trường nội địa. Trong số này, thép Trung Quốc thâm nhập thị trường với giá bán rẻ hơn nhiều so với thép trong nước khiến doanh nghiệp trong nước chật vật cạnh tranh.

“Từ đầu năm đến nay, sắt thép ngoại tràn vào Việt Nam nhiều, đặc biệt thép giá rẻ Trung Quốc đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất thép nội địa. Tuy thép Trung Quốc chất lượng kém so với sắt thép sản xuất trong nước, nhưng vì giá rẻ hơn 1 - 2 triệu đồng/tấn nên vẫn được thị trường tiêu thụ nhiều”, một cán bộ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết. Nhiều cửa hàng kinh doanh thép trên địa bàn TPHCM cũng thừa nhận, lượng thép cuộn phi 6 - 8 có xuất xứ từ Trung Quốc ngày đang được các nhà thầu xây dựng đặt hàng. “Những nhà thầu xây dựng đặt mua thép xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu sử dụng ở các công trình nhà ở dạng “chìa khóa trao tay” hoặc pha trộn tại những công trình lớn với tỷ lệ nhất định để không bị phát hiện. Ưu điểm thép Trung Quốc là giá rẻ, nhưng nhược điểm là giòn, dễ gãy…”, anh Trần Công Bình, chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên QL 1A, quận Bình Tân, tiết lộ. Không chỉ thép cuộn, mặt hàng ống thép xuất xứ Trung Quốc cũng đã và đang tìm nhiều cách để xâm nhập thị trường Việt Nam, ngay sau khi thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm từ mức 5% hiện tại xuống mức 0% từ ngày 1-1-2015.

Ngoài sức ép từ các quốc gia trên, ngành thép trong nước còn lo ngại trước ngành thép Nga đang sẵn sàng tràn vào Việt Nam, sau khi đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUTFA) được ký kết. Do đó, trong văn bản “cầu cứu” đến các bộ, ngành liên quan, VSA cảnh báo: “Ngành công nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng sẽ phải chịu một sự cạnh tranh cực kỳ khủng khiếp với người khổng lồ trong ngành công nghiệp thép thế giới là nước Nga, thậm chí sự cạnh tranh còn lớn hơn rất nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản khi các mặt hàng sắt thép của Nga được hưởng thuế suất 0% hàng loạt khi hiệp định này được ký kết”.

Thép ngoại đang gây nhiều khó khăn trên thị trường cho thép sản xuất trong nước. Ảnh: CAO THĂNG

Nâng cao tính cạnh tranh

Cũng trong văn bản kiến nghị, VSA nêu rõ sự lo ngại trước Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA), tạo nên “thảm họa” trực tiếp cho ngành thép trong nước. Sự lo ngại của ngành thép là có cơ sở. Bởi lẽ, chưa tính đến Nga, Hàn Quốc hay Nhật Bản, chỉ riêng Trung Quốc, trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước chiếm gần một nửa sản lượng thép trên thế giới và cũng chính là nước xuất khẩu mặt hàng thép sang các nước nhiều nhất. Trong khi đó, cuối quý 1, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan với thuế suất từ 24,3% tới 25,2% với Trung Quốc và từ 10,9% tới 12% với Đài Loan. Điều này đang khiến thép giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. “Thép Trung Quốc khi bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường châu Âu sẽ làm tăng lượng dư thừa thép của nước này. Do đó, áp lực thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Thị trường thép trong nước vốn đã thu hẹp và khó khăn sẽ tiếp tục gặp khó hơn”, Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa phân tích.

Trước những khó khăn trên, VSA đã kiến nghị các cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính. Đồng thời, VSA đề nghị xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ ngành để quản lý sát hoạt động của thép Trung Quốc. Về phía hiệp hội, sẽ tiếp tục bám sát thông tin từ phía doanh nghiệp, kiểm soát giá cả các mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc để so sánh và xác minh việc bán phá giá các sản phẩm này. Riêng đối với doanh nghiệp thép, để có thể cạnh tranh và hoạt động hiệu quả cần phải nâng cao hiểu biết về thông lệ quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh về sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đầu tư mở rộng kênh bán hàng cũng như quản lý chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 14,7% về lượng, giảm 2,5% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã bỏ ra 2,2 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép các loại.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục