Nghệ sĩ robot

Khoác lên mình chiếc áo trắng, mái tóc sẫm màu buông xõa cùng với bút chì và giấy, Ai-Da trông chẳng khác gì những người nghệ sĩ bình thường khác. Thế nhưng, cô lại là nghệ sĩ robot sở hữu trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới. 
Nghệ sĩ robot Ai-Da và “cha đẻ” Aidan Meller
Nghệ sĩ robot Ai-Da và “cha đẻ” Aidan Meller

Dự kiến, Ai-Da có buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Phòng trưng bày Barn ở Oxford (Anh) vào ngày 12-6 (giờ địa phương). Cô sẽ giới thiệu đến công chúng 8 họa tiết, 20 bức tranh, 4 tác phẩm điêu khắc và 2 video, và được kỳ vọng mang đến làng nghệ thuật thế giới một “tiếng nói mới”.

Ai-Da được đặt tên theo nhà tiên phong trong lĩnh vực toán học và máy tính người Anh Ada Lovelace. Cô nghệ sĩ robot này có thể nhìn để vẽ nhờ vào các camera được đặt trong nhãn cầu và các thuật toán AI - do các nhà khoa học của Đại học Oxford thiết kế - biến những hình ảnh đó thành các tác phẩm nghệ thuật.

Ai-Da có thể dùng bút chì hoặc bút thường để vẽ phác thảo, nhưng kế hoạch của những người chế tạo ra Ai-Da là để cô có thể vẽ và tạo ra tác phẩm bằng chất liệu gốm. Tranh của Ai-Da hiện được in trên vải.

Aidan Meller, “cha đẻ” của Ai-Da, kể không ai biết bức tranh nhờ vào các camera và thuật toán sẽ ra sao cho đến khi Ai-Da hoàn thành. “Một quá trình vô cùng thú vị chưa từng được thực hiện từ trước đến nay”, ông Meller hào hứng chia sẻ.

Cũng theo ông Meller, cuộc triển lãm của Ai-Da có tên Unsecured Future (tạm dịch Tương lai bất định) truyền đi một thông điệp mà các nhà khoa học muốn gửi đến công chúng: sử dụng và lạm dụng AI hiện nay. “Thập kỷ tới đang đến rất nhanh và chúng tôi lo ngại về điều đó. Chúng tôi muốn có sự cân nhắc về khía cạnh đạo đức trong việc ứng dụng AI”, ông Meller nói.

Tin cùng chuyên mục