Nghệ sĩ Thanh Sơn: Hãy nhìn thoáng hơn về nghệ thuật tuồng cổ

Nghệ sĩ Thanh Sơn, hậu duệ đời thứ 3 của cải lương tuồng cổ Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng, chập chững học lóm nghề của ông bà, cha mẹ khi mới 6, 7 tuổi. Khi có tuổi, nghệ sĩ Thanh Sơn lại đau đáu với công tác truyền nghề cho thế hệ trẻ, đó là lý do ông gắn bó 13 năm với vai trò giảng viên vũ đạo tuồng cổ Khoa Kịch hát dân tộc Trường Sân khấu điện ảnh TPHCM; rồi mở lớp học dành cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật tuồng cổ.

Những trăn trở cho nghệ thuật tuồng cổ Việt cứ quay quắt tâm tư người nghệ sĩ nhiệt huyết này. 

* PHÓNG VIÊN: Theo đuổi nghiệp ca diễn cũng 40 năm, ông cảm nhận niềm hạnh phúc của nghề dành cho mình như thế nào?

* Nghệ sĩ THANH SƠN: Tôi may mắn là con nhà nòi nên việc học tuồng đối với tôi không khó. Tôi học tuồng nhanh, nhớ lâu, nhớ nhiều vai diễn tuồng cổ, sẵn sàng thế vai các diễn viên chính khi có việc đột xuất. Nhớ năm 1976, trước khi anh Công Minh nhập viện cắt amidan, anh đã truyền dạy cho tôi vai Tào Tháo, diễn tại rạp Đại Đồng. Trong 3 ngày, tôi học thuộc vai tuồng và đó là suất diễn đầu tiên tôi diễn trọn vai trên sân khấu.

Tôi khắc nhớ hoài, trước khi mất, NSND Thanh Tòng đã dặn dò các em trong gia đình, phải gắng hết sức giữ nghề, truyền đạt kinh nghiệm của gia tộc cho thế hệ trẻ. Anh tặng tôi hai câu liễn: Thanh sử lưu danh truyền vũ đạo/Sơn đình ghi tạc nghĩa sư đồ, là động lực khích lệ tinh thần cho tôi. Rồi hôm anh Thanh Tòng mất, đạo diễn Hoa Hạ đến viếng và lúc ra về đã nắm tay tôi, dặn dò: “Nay cây cổ thụ mất rồi, em với anh Trường Sơn ráng truyền đạt lại nghề tuồng cổ cho đệ tử, chứ không thôi nghề của mình dễ mai một lắm”. Lời dặn của anh trai và chị Hoa Hạ chính là động lực giúp tôi mạnh dạn mở lớp đào tạo, truyền nghề và duy trì lớp học suốt một năm qua.

Nghệ sĩ Thanh Sơn: Hãy nhìn thoáng hơn về nghệ thuật tuồng cổ ảnh 1 Nghệ sĩ Thanh Sơn vai Nguyễn Địa Lô trong vở tuồng Bức ngôn đồ Đại Việt
* Ông bắt tay thực hiện công việc đào tạo người kế thừa ngành sân khấu tuồng cổ như thế nào?

* Sau hơn một năm mở lớp dạy nghệ thuật tuồng cổ tại cơ sở 2 Trung tâm Văn hóa quận 5, số 131 Triệu Quang Phục, tôi rất vui vì truyền đạt được những gì mình biết cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật tuồng cổ từ 12 tuổi đến hơn 40 tuổi, có cả các em diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng chịu khó theo học vũ đạo. Lớp học mở cửa vào tối thứ hai, thứ tư và trưa chủ nhật hàng tuần. Tôi cũng vui vì lớp học có được một vài gương mặt sáng giá cho sân khấu tuồng cổ, chịu khó theo đuổi con đường nghệ thuật dù khó khăn, như Thanh Long, Thanh An, Quốc Hưng…

Mỗi quý, tôi lại tổ chức biểu diễn báo cáo để các em được thực hành nhiều hơn. Hàng năm, vào mùa hát chầu, tôi cho các em tham gia biểu diễn để nâng cao tay nghề, đúc kết thêm kinh nghiệm. Tôi chỉ mong mỏi, thế hệ sau này sau khi được truyền dạy nghệ thuật tuồng cổ thì phải làm nghề nghiêm túc, chỉn chu, cùng góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật tuồng cổ mà ông cha đi trước đã gầy dựng…

* Được biết, những ngày cuối tháng 3-2019, ông sẽ qua Pháp tham gia vào hoạt động giới thiệu, quảng bá, biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ phục vụ khán giả kiều bào Pháp...

* Đây là lần đầu tiên tôi được mời qua Pháp để giao lưu, thuyết trình về truyền thống hát bội, những niêm, khai, cầu, ký… ứng dụng sân khấu tuồng cổ hát bội và biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ. Cơ may này có được nhờ Giám đốc Trung tâm Mandapa đã xem qua một phóng sự về tôi với nghệ thuật tuồng cổ cha truyền con nối. Bà đã mời tôi qua biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật tuồng cổ cho khán giả Pháp và kiều bào Việt Nam.

Tôi sẽ có một tuần để nói về những biến hóa và tinh hoa mà ông cha đã xây dựng và để lại cho con cháu hôm nay, về nghệ thuật hóa trang trong tuồng cổ, biểu diễn minh họa các trình thức vũ đạo, điệu bộ, lời hát, cách nói lối… trong 6 trích đoạn: Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt, Câu thơ yên ngựa, Ngô Tôn Quyền, Bao Công tra án Quách Hòe, Tống Nhân Tôn. Sau đó, tôi phối hợp với nghệ sĩ Thanh Bạch, nghệ sĩ Bạch Lê biểu diễn 2 trích đoạn tuồng San hậuBức ngôn đồ Đại Việt. Tôi rất mừng và hãnh diện khi mình là hậu duệ của sân khấu tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Tòng được đến Pháp để quảng bá nghệ thuật tuồng cổ nước nhà.

* Trước những thăng trầm của bộ môn nghệ thuật tuồng cổ, chắc hẳn ông rất trăn trở?

* Với tôi, cải lương không mai một vì còn có nhiều bạn trẻ theo học hát đờn ca tài tử, ghi nhớ 20 bài bản tổ; còn nghệ thuật tuồng cổ hiện nay thì những người kỳ cựu chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: nghệ sĩ Trường Sơn, Bạch Long, Thanh Sơn… Chúng tôi đã ở lứa tuổi U.60, U.70, thời gian để truyền dạy thế hệ trẻ không nhiều và thực tế cũng không có quá nhiều bạn trẻ chịu đeo đuổi đến cùng con đường nghệ thuật tuồng cổ. Tôi chỉ lo nghệ thuật tuồng cổ sẽ mai một hơn.

Tôi mong mọi người nên nhìn thoáng hơn đối với nghệ thuật tuồng cổ, vì tuồng cổ Việt Nam qua bao thập kỷ hình thành và tồn tại đến hôm nay vẫn luôn thể hiện được bản sắc văn hóa nghệ thuật rất riêng của người Việt, không hề bị trộn lẫn hay hòa tan với văn hóa nghệ thuật các nước. Nét đặc sắc, độc đáo đó được thể hiện qua âm nhạc, phục trang, vũ đạo, cách nói lối, cách ca, diễn của người nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, việc dựng những tuồng tích hay của các nước theo phong cách Việt, nghệ thuật Việt chính là một cách giao lưu và trình diễn văn hóa đơn thuần. Ví như, Đoàn Ca kịch Thống Nhất Triều - Quảng ở TPHCM từng chọn các kịch bản Câu thơ yên ngựa, Đời cô lựu, Tô Ánh Nguyệt… để dựng thành những vở kinh kịch, biểu diễn phục vụ người Hoa tại TPHCM.

* Với những học trò, nghệ sĩ trẻ hôm nay, ông mong mỏi ở họ điều gì?

* Tôi mong thế hệ diễn viên trẻ đừng mượn sân khấu để kiếm khán giả, kiếm tiền, tạo nụ cười dễ dãi. Các bạn làm nghệ thuật, kế thừa văn hóa nghệ thuật ông cha để lại, phải chung tay giới thiệu đến người xem những kịch bản hay, tác phẩm hay để làm đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần.

Ở độ tuổi này rồi, tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe, đủ điều kiện để truyền đạt lại tất cả ngón nghề cho các em yêu thích nghệ thuật tuồng cổ. Tôi cũng mong có một sân khấu nho nhỏ để có thể sáng đèn mỗi tuần hay mỗi tháng, giới thiệu, biểu diễn những tác phẩm tuồng kinh điển đến khán giả nhiều lứa tuổi. Có biểu diễn mới có khán giả, có người biết đến, xem rồi thích, thích rồi tìm hiểu, cùng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật tuồng trong đời sống hôm nay. Có như vậy mới hy vọng tuồng cổ không mai một.

Tin cùng chuyên mục