Nghệ thuật và du lịch vẫn loay hoay kết nối

Lần đầu tiên Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp cùng Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức một chương trình khảo sát đặc biệt dành cho các công ty lữ hành với mong muốn sẽ biến “thánh đường” nghệ thuật trở thành điểm nhấn du lịch của thủ đô. 
Song làm thế nào để khai thác và phát huy giá trị của công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, lịch sử văn hóa hơn 100 tuổi này lại không phải điều đơn giản.
Nghệ thuật và du lịch vẫn loay hoay kết nối ảnh 1 Khách du lịch tham quan kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội
 Điểm đến lý tưởng
Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình có giá trị lớn về mặt lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật và giá trị sử dụng. Tới Nhà hát Lớn xem biểu diễn nhiều lần, đại diện nhiều hãng lữ hành vẫn khẳng định: Tour tham quan và giới thiệu địa điểm này rất độc đáo và hấp dẫn. “Với thiết kế Pháp, chịu ảnh hưởng từ nhà hát Opéra Garnier ở Paris và lịch sử tồn tại hơn trăm năm, Nhà hát Lớn Hà Nội là điểm đến đặc biệt của Việt Nam và khu vực với du khách”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết. 
Du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử, kiến trúc của Nhà hát Lớn, được xem khu vực trưng bày các hình ảnh liên quan đến Nhà hát Lớn trong suốt quá trình tồn tại, các bản vẽ thiết kế ban đầu Nhà hát Lớn, các hiện vật gắn với nhà hát từ khi khởi công xây dựng đến nay, tư liệu về quá trình trùng tu vào năm 1995, được mua sắm các sản phẩm quà tặng, lưu niệm, băng đĩa gắn với biểu tượng Nhà hát Lớn và gắn với nghệ thuật truyền thống. Và điều đặc biệt hơn cả là được xem chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau biểu diễn ở sân khấu chính và sân khấu nhỏ trong phòng gương được tương tác với hoạt động diễn tập chương trình ở sân khấu chính.
Tuy nhiên, trong buổi tọa đàm lấy ý kiến của các doanh nghiệp du lịch và báo chí vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, giá vé cao: 400.000 đồng/khách (18 USD) có thể làm nhụt chí du khách nội địa và quốc tế. Thời gian đầu, Nhà hát Lớn chỉ nên thu vé 5 - 10 USD để hút khách. Vé cao nhưng chất lượng nghệ thuật lại chưa ổn. Chương trình nghệ thuật không có nội dung chủ đề, thậm chí có ý kiến cho rằng các tiết mục nghệ thuật trong chương trình rời rạc không gắn kết, chưa nhuần nhuyễn, các nghệ sĩ chưa thể hiện kỹ năng biểu diễn tốt. Bà Nghiêm Hà (Công ty lữ hành Threeland Travel) cũng đồng tình rằng giá vé dự tính là quá cao và chương trình biểu diễn chưa đủ sức hấp dẫn. Chưa tính đến kỹ năng biểu diễn mà cả âm thanh, ánh sáng chưa thực sự đủ hấp dẫn du khách. Đến với Nhà hát Lớn Hà Nội, địa danh được coi là thánh đường của nghệ thuật, điều mong mỏi của du khách cũng chính là được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tinh hoa, được đầu tư kỹ lưỡng về tiền bạc, công sức chứ không chỉ là sự cắt ghép một cách dễ dãi. Chương trình diễn ra ở đó không chỉ cần có nội dung tốt, nghệ sĩ biểu diễn giỏi mà phần biểu diễn ấy còn phải là sự tổng hòa của âm thanh, nghệ thuật, ánh sáng.
Chương trình nghệ thuật được xây dựng để phục vụ khách du lịch cần mang dấu ấn tinh hoa và phù hợp  thị hiếu du khách
Sản phẩm phải mang dấu ấn tinh hoa
Không chỉ có Nhà hát Lớn Hà Nội mà nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật truyền thống luôn loay hoay tìm cách để sân khấu đỏ đèn, chật vật đi tìm khán giả, nâng cao thu nhập cho các nghệ sĩ, giúp họ đủ sống để theo nghề và giữ nghề. 
Trên thế giới, việc chương trình nghệ thuật không chỉ là sản phẩm du lịch đã được thực hiện khá lâu và mang lại hiệu quả cao. Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vốn được đánh giá cao bởi sự độc đáo nhưng lại chưa thể vươn mình thành quả ngọt hái ra tiền? Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng có lẽ đó là do sự khác biệt về ngôn ngữ thể hiện. Với nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương thì ngoài ngôn ngữ thể hiện bằng vũ đạo, giá trị còn thể hiện qua lời nói, ca từ mà điều đó khó có thể chuyển tải tới khán giả. Không chỉ vậy, việc chỉ mang những sản phẩm, tiết mục cũ với cơ sở hạ tầng sẵn có không còn hiện đại, tiện nghi, chưa thực sự ấn tượng… thì thật khó có thể hấp dẫn được du khách. 
Từ năm 2014, với mong muốn đa dạng hóa loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch đến Hà Nội, Sở VH-TT-DL Hà Nội (nay là Sở VH-TT) phối hợp với Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức biểu diễn thử nghiệm chương trình nghệ thuật truyền thống mang tên Long Thành diễn xướng hướng tới khách du lịch. Chương trình được đánh giá là có nhiều tác phẩm hay và độc đáo, tạo cho du khách những trải nghiệm văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc và ý nghĩa. Song dù nỗ lực kết hợp các loại hình diễn xướng dân gian như múa, chèo, xẩm… nhưng một phần do chưa có cách chuyển tải tốt để người nước ngoài có thể hiểu được giá trị của chương trình, phần do thiếu kinh nghiệm xây dựng sản phẩm cho du khách nên chương trình cũng chưa thực sự sống khỏe. 
Có lẽ đơn vị nghệ thuật được coi là thành công nhất trong việc phục vụ du khách chỉ là Nhà hát Múa rối Thăng Long với lượng khách đi tour chiếm tới 80%. Với Nhà hát Múa rối Trung ương, các chương trình cũng có dấu hiệu tích cực khi các đoàn khách ra vào nhộn nhịp. Tuy nhiên, câu chuyện đưa nghệ thuật phục vụ du lịch của các môn nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo, ca trù… vẫn chưa thu được tín hiệu tích cực.
Tương tự, ở TPHCM, từ nhiều năm nay, các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách thường xuyên như múa rối nước Rồng Vàng, múa rối nước của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, biểu diễn rối nước và một số loại hình nghệ thuật dân gian tại sân khấu ngoài trời… và một số chương trình nghệ thuật mang tính gia đình, quy mô nhỏ cũng được tổ chức nhằm đưa văn hóa nghệ thuật dân tộc đến với du khách. Nhưng sau một thời gian hoạt động, hiệu quả của những chương trình này vẫn chưa được như mong muốn mà chỉ như một món ăn phụ làm phong phú thêm thực đơn của du khách. Ở hoàn cảnh có cũng được, không cũng không sao, cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người nghệ sĩ cũng rất bấp bênh.

Tin cùng chuyên mục