Nghèo vì cưới sớm, đông con

Ngày nay, nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn còn hủ tục tảo hôn. Cưới sớm, đông con nên khó thoát khỏi cảnh nghèo, nhiều trẻ sống nheo nhóc, không được đến trường.

Có chồng từ tuổi 15

Sau khi vượt qua nhiều đoạn đường đất đỏ sình lầy, cùng vài ngọn đồi cao, chúng tôi đến cụm 9, xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) để tìm hiểu về đời sống của bà con nơi đây. Xã Đắk R’măng có nhiều đồng bào người Mông ở phía Bắc đến định cư và mưu sinh dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ.

Ghé vào nhà chị Thào Thị Sơ, chúng tôi thấy một nhóm phụ nữ bồng bế trẻ em đang chuyện trò, tuyệt nhiên không có bóng dáng đàn ông. Hỏi ra mới biết các ông chồng lên rẫy đến tối mới về, còn phụ nữ hầu như không đi làm, chỉ ở nhà chăm con nhỏ. 

Nghèo vì cưới sớm, đông con ảnh 1 Phụ nữ Bana ở xã Ayun (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thường có nhiều con
Năm nay mới 29 tuổi mà nhìn chị Sơ như đã ngoài 40. Ngoài bé gái 8 tháng tuổi đang khóc trên tay, chị còn có thêm 4 bé gái nữa. Nhiều năm qua, cả gia đình 7 người chỉ trông chờ vào sức lao động nương rẫy của người chồng, nhưng thiên tai mất mùa liên tục.

Hỏi có còn sinh nữa không, chị Sơ thật thà trả lời: “Chồng mình nói phải gắng đẻ thêm 2 đứa con trai để sau này vợ chồng lớn tuổi, sức yếu, có người làm rẫy giúp. Mình cũng không biết tính sao, thôi thì phải chiều chồng”.

Một phụ nữ đang ngồi trong nhà chị Sơ tiếp lời: “Người Mông thì hộ nào cũng vậy, đều phải đẻ nhiều để có thêm sức lao động trong nhà. Nhưng cuộc sống như thế này rất buồn vì các con không được đi học đầy đủ”.

Đến các buôn làng phía Bắc Tây Nguyên cũng dễ bắt gặp nhiều bà mẹ trẻ tay bồng tay bế và đám trẻ tóc vàng cháy chơi đùa dưới nắng trưa. Có những cặp vợ chồng vừa qua tuổi 30 đã lên chức ông bà. Gia đình Rơ Mah Lan và Siu H’Nhí (dân tộc Jarai) ở xã Ia Krái (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng cưới sớm, đông con.

Siu H’Nhí “bắt chồng” từ tuổi 15 khi vừa học hết lớp 6. Rơ Mah Lan về nhà vợ ở rể khi mới tuổi 16. Hơn 5 năm lấy chồng, Siu H’Nhí sinh được 3 đứa con, đứa đầu năm nay lên 4, còn đứa nhỏ nhất hơn 6 tháng tuổi.

Do con nhỏ nên Siu H’Nhí phải ở nhà chăm sóc, còn chồng thì canh tác gần 1ha cà phê. Mấy năm rồi giá cà phê tụt dốc không phanh nên cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn.

Cũng ở xã Ia Krái, chị Rơ Chăm Hít “bắt chồng” khi mới 14 tuổi. Đến nay, ở tuổi 36 chị đã sinh 10 đứa con và hiện có… 15 đứa cháu ngoại. Chị Rơ Chăm Hít tâm sự: “Mình lấy chồng và sinh con sớm, lại đông con nên sức khỏe giảm sút nhiều. Vườn cà phê đang thời kỳ khai thác, nhưng mình không làm nổi nữa.

Trong 10 đứa con, có 6 đứa con gái đã cưới chồng từ hồi 15, 16 tuổi như mình thôi. Tụi nó thương nhau thì về ở chung, chuyện này mình không cản được. Vì nếu cản thì tụi nhỏ dọa rủ nhau tự tử”.

Đấu tranh với hủ tục

Ở các gia đình người Mông tại cụm 9, xã Đắk R’măng, rất hiếm cháu nhỏ được sinh ra tại cơ sở y tế, mà thường các bà mẹ tự đỡ đẻ cho con gái mình. Ở đây, nhiều phụ nữ không biết và cũng không quan tâm các biện pháp tránh thai. Do đẻ nhiều, đẻ không kiểm soát, không nuôi con nổi, nên cả cụm 9 hiện có gần 100 trẻ em chưa được đến trường, nhiều trẻ lớn rồi cũng không biết chữ.

Ở tỉnh Gia Lai có khoảng 44% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tục tảo hôn vẫn đang diễn biến phức tạp. Dù chính quyền các cấp trong tỉnh gắng sức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tuân thủ Luật Hôn nhân gia đình, không tảo hôn nhưng vẫn có nhiều trường hợp tảo hôn.

Riêng tại xã Ia Le (huyện Chư Pứh), nơi có 10/15 làng đồng bào Jarai, mỗi năm khoảng 10 cặp vợ chồng tảo hôn. Thực trạng tảo hôn và sinh đông con đã khiến dân số ở khu vực này tăng mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng tăng.

Theo thống kê, trong năm nay, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.000 cặp tảo hôn, trong đó các điểm nóng là các huyện: Chư Pứh, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Ia Grai, Đức Cơ, Phú Thiện... Theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, nạn tảo hôn vẫn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng người DTTS trên địa bàn tỉnh là do những tập tục và nhận thức lạc hậu của đồng bào DTTS.

Mặc khác, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các gia đình người Jarai, Bana muốn con gái mình lấy chồng sớm để có thêm lao động trong nhà. Điều kiện học tập, tham gia hoạt động văn hóa - xã hội của các cô gái cũng thiếu thốn, hạn chế, nên nhiều cô chỉ muốn bỏ học, lấy chồng, làm rẫy và sinh con.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và đẻ nhiều trong vùng đồng bào DTTS, các cấp chính quyền ở Tây Nguyên cần kiên trì tuyên truyền, vận động người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chấm dứt các hủ tục và kiến thức sinh đẻ có kế hoạch. Ngoài ra, cần giáo dục, xử lý những trường hợp tảo hôn, đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS,

Tin cùng chuyên mục