Nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên: Trừng phạt nhưng không bỏ qua đối thoại

Sáng 12-9 (giờ Việt Nam), toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên. Bên cạnh biện pháp trừng phạt, nghị quyết cũng kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên.

Kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao

Năm ngoái, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng (tính từ ngày 1-10 tới) và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng (tính từ ngày 1-1-2018). Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng/năm. 

Nghị quyết mới được thông qua nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đưa ra hôm 6-9. So với bản dự thảo, nghị quyết được thông qua bỏ yêu cầu chấm dứt hoàn toàn việc thanh toán cho lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài. Thay vào đó, nghị quyết yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên LHQ số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng. Nghị quyết mới cũng loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, nghị quyết cũng áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của ủy ban này. Đây là cơ quan được cho là chỉ đạo các ngành quốc phòng của Triều Tiên. 

Đáng chú ý, nghị quyết mới kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên. Đây là điểm quan trọng được Đại sứ Nga tại LHQ nhấn mạnh sau khi Mỹ lưu hành dự thảo nghị quyết. Trước khi đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại HĐBA, Mỹ đã có 4 ngày đàm phán căng thẳng với Nga và Trung Quốc. 

4 ngân hàng Trung Quốc ngừng giao dịch với Triều Tiên

Ngày 12-9, hãng Reuters đưa tin 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã ngừng các dịch vụ tài chính đối với các khách hàng Triều Tiên. Theo một nhân viên thu ngân thuộc chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), tại tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, CCB đã cấm hoàn toàn mọi giao dịch với phía Triều Tiên. Trong khi đó, nhân viên trả lời đường dây nóng của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho hay ICBC đã ngừng mở tài khoản đối với khách hàng Triều Tiên kể từ ngày 16-7. Một nhân viên Ngân hàng Trung Quốc (BoC) cũng cho biết các biện pháp đã được các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc triển khai hồi cuối năm 2016 và chi nhánh BoC tại thành phố Đan Đông, phía Đông Bắc nước này, cũng đã ngừng việc cho phép khách hàng Triều Tiên mở các tài khoản cá nhân. Ngoài ra, các chủ tài khoản người Triều Tiên hiện tại cũng không thể gửi hoặc rút tiền từ tài khoản của họ. Về phía Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank), nhân viên tại chi nhánh Đan Đông cũng khẳng định các khách hàng Triều Tiên hiện không thể mở tài khoản tại ngân hàng này. Đại diện 4 ngân hàng trên hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông tin trên. 

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kiết Nhất đã kêu gọi Triều Tiên ngừng phát triển chương trình hạt nhân, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tránh leo thang căng thẳng. Theo Đại sứ Trung Quốc, các bên liên quan cần nối lại đàm phán càng sớm càng tốt. Để khởi động các vòng đàm phán, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một thỏa thuận “đóng băng kép”, theo đó, Triều Tiên ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung.

Tin cùng chuyên mục