Nghĩ về chính sách thu hút nhân tài

Nhân đọc bài “Loay hoay tìm người tài” , xin có một vài suy nghĩ xung quanh việc thu hút, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ người tài.

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương đã đề ra các chính sách thu hút nhân tài. Có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo các cấp chính quyền đối với giá trị đích thực của con người, của một công chức. Nhưng vấn đề không dừng lại ở chỗ nhận thức đúng hay không mà ở chỗ chủ trương và tổ chức thực hiện như thế nào. Có một địa phương, có thể xem là nơi mạnh dạn đi đầu trong việc đề ra chính sách thu hút nhân tài, “trải thảm đỏ” nhưng sau một vài năm, chỉ thu hút được số lượng nhân tài ít ỏi. Cũng có thể là do số lượng người được coi là “có tài thực sự” không nhiều như mong đợi.

Thử nghĩ, nhiều địa phương cùng rộ lên phong trào “thu hút”, chẳng khác gì cơn sốt tranh mua mía cho các nhà máy đường khi thực thi một chính sách sai lầm là xây nhà máy mà không tính đến đầu tư cho vùng nguyên liệu, thì hậu quả sẽ như thế nào?

Chúng ta cần quan tâm nhiều đối với việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Có đơn vị qua nhiều năm hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng đi xuống. Tìm hiểu nguyên nhân, chung quy lại vẫn là xung quanh việc thu nhận và sử dụng người. Giám đốc, thủ trưởng cơ quan chọn cấp phó thấp hơn mình một cái đầu để dễ bề sai khiến. Đến lúc giám đốc nghỉ hưu, cấp phó lên thay lại thực hiện theo đúng “quy trình” như vậy

Đã qua rồi cái thời tuyển người hay bố trí công việc chỉ quan tâm đến một số tiêu chuẩn nào đấy không hề liên quan trực tiếp gì đến công việc họ sẽ làm và vị trí họ đảm trách. Giờ đây trước đòi hỏi của cuộc sống, những cách sử dụng người như vậy không thể tồn tại. Nhưng vấn đề không dừng lại ở chỗ nhận thức đúng mà ở chỗ biện pháp và tổ chức thực hiện.

Xã hội không hiếm người hiền tài. Vấn đề là phải chịu khó tìm, có biện pháp và tổ chức thực hiện cương quyết, bài bản. Dẫu biết rằng người tài không dễ sử dụng, phải biết cách sử dụng, đặc biệt là phải có tấm lòng. Vai trò người đứng đầu ở đây đóng vai trò quyết định. Người xưa có câu “Núi không chê đất cát, đá tảng thì mới gọi là núi cao. Biển không chê những khe rạch nhỏ thì mới gọi là biển sâu... Lãnh đạo là dùng người, vậy dùng người phải có khí độ. Chỉ có lòng dạ rộng rãi mới có thể dung chứa và dung chứa kể cả những con người mà thiên hạ khó dung chứa thì mới có thể hoàn thành nghiệp lớn”.

Từ thực trạng trên cần phải suy nghĩ một chính sách căn cơ hơn. Nhiều tỉnh sau một thời gian đã “giác ngộ” ra là thay vì hướng ngoại, tìm người tài bên ngoài đã thay đổi hướng phát huy nội lực. Nghĩa là kiểm kê lại đội ngũ sẵn có ở địa phương, có chính sách tạo điều kiện để những người này được tu nghiệp nâng cao kiến thức, năng lực; có chế độ cho con em của tỉnh đang theo học đại học yên tâm trở về địa phương phục vụ sau khi tốt nghiệp… Sự chuyển hướng đầu tư như vậy tỏ ra khả thi hơn, bền vững lâu dài hơn, nó khắc phục được nhược điểm “ăn xổi ở thì”.

Trồng người là một sự nghiệp lâu dài, có quy luật riêng của nó. Có thể mua một nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến, nhưng không thể mua kiến thức kỹ năng quản lý nhà máy đó. Muốn có kiến thức kỹ năng quản lý, chỉ có một con đường duy nhất là phải thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho chính mình.

DIỆP VĂN SƠN

Thông tin liên quan:

>> Loay hoay tìm người tài

Tin cùng chuyên mục