Nghĩa tình người Sài Gòn

Dù trong cuộc sống còn phải bộn bề lo toan, nhưng nhiều người dân TPHCM vẫn nhiệt thành nhường cơm sẻ áo giúp đỡ những người bất hạnh. Nhiều năm nay Phòng tiếp bạn đọc của Báo SGGP đã tiếp nhận rất nhiều những tấm lòng nhân ái như vậy. 
Bác Mười Út, một độc giả thường đến Báo SGGP gửi tiền đóng góp cho quỹ xã hội từ thiện
Bác Mười Út, một độc giả thường đến Báo SGGP gửi tiền đóng góp cho quỹ xã hội từ thiện
1. Một ngày cuối tháng tư, điện thoại trực từ thiện reng lên, từ đầu bên kia giọng chú thương binh Nguyễn Thành Nam (thường gọi là chú Tám Đô Thành, ngụ tại quận 5, TPHCM) thật ấm áp, từ tốn: “Chú có chút tiền, con chú cho mừng ngày giải phóng miền Nam. Chú tính dùng để mua thuốc chữa bệnh, nhưng nghĩ người khác cần hơn, vì dù sao chú còn có nhà nước lo, vậy nên nhờ Báo SGGP giúp chú chuyển tiền đến địa chỉ bà Mai Thị Mai mà báo SGGP ngày 13-4 phản ánh trong mục “Hoàn cảnh cần giúp”.
Chưa đầy 30 phút sau, có một anh bộ đội đến, đặt một xấp tiền loại 500.000 đồng được gói ngay ngắn lên bàn Phòng tiếp bạn đọc, tổng số tiền là 20 triệu đồng, anh nói: “Chú Tám ở cạnh nhà em, bảo em mang đến Báo SGGP số tiền này để chuyển giúp đến bà Mai. Chú Tám nói đọc bài báo phản ánh hoàn cảnh của bà Mai, thấy tội quá!”. 
Ngày 30-4-1975, thương binh Nguyễn Thành Nam trở về với thân thể không còn nguyên vẹn, trong thời gian bị địch bắt làm tù binh chú đã bị mất cả 2 tay và một chân. Dù vậy, người thương binh ấy vẫn lạc quan, nghĩ rằng mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh không còn được chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, gặp lại người thân.
Chú kể: “Hơn 60 năm sống trên mảnh đất này, nay tóc đã bạc, sức đã cạn dần, nhưng chú vẫn được sống với tình người đầy ắp. Chú vẫn nhủ lòng tri ân những tấm lòng người dân Sài Gòn đã che chở, cưu mang. Nghĩa tình sâu nặng ấy, cả đời chú cũng không trả hết được!”. 
Mỗi lần gọi đến Báo SGGP, chú Tám đều căn dặn: “Nhớ nghe con, làm từ thiện thì cái tâm phải thật thà không tham lam. Cái đầu cũng phải tỉnh táo, để phân biệt người nào đáng được giúp khi họ thực sự cần giúp, và người nào không nên giúp”. Việc tử tế của chú Tám là đáng trân trọng, vậy mà đối với chú lại chẳng có gì đáng nói. Chú chẳng đợi làm việc thiện để được báo đăng, ghi nhận lòng hảo tâm và sự hào hiệp của mình.   
2. Bác Mười Út (ngụ tại quận 5, TPHCM) đã ngoài 90 tuổi và là độc giả thường đến Báo SGGP gửi tiền đóng góp cho quỹ xã hội từ thiện. Đến Phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP, bác vui vẻ móc từ trong túi áo những tờ giấy bạc còn mới tinh, rồi nói: “Người Sài Gòn không phải ai cũng giàu, vả lại không phải trong số những người đóng góp làm từ thiện ai cũng là người giàu. Nhưng khi hay có thiên tai ở đâu là nhà nhà đóng góp, từ phường, trường học, công sở, đến các đơn vị từ thiện… Bác cũng muốn thiết thực đóng góp giúp đỡ, và chỉ mong sao những đồng tiền mình đóng góp nhanh chóng đến được tận tay những người đang rất cần nó”. 

Khi chúng tôi chia sẻ về hoạt động từ thiện xã hội của Báo SGGP, bác Mười căn dặn: “Người Sài Gòn làm từ thiện với quan niệm không chỉ giúp tiền, mà phải có tâm tận tụy. Cháu còn sức khỏe, hãy chịu khó đến tận nơi để hiểu về con người, vùng đất đang bị thiên tai, chuyển giao tận tay những người cần được cứu trợ. Của cho không bằng cách cho, cho dù phần quà cứu trợ không nhiều về giá trị vật chất nhưng chứa đựng tấm lòng chân thành từ đáy lòng mình. Có như vậy món quà mới thực sự ý nghĩa”.

Thuyết phục thế nào bác Mười Út không nói họ tên đầy đủ cho chúng tôi ghi lại. Bác nói đó chỉ là việc nhỏ thôi, không có gì phải kể công. Lời của bác nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng với chúng tôi - những người đang ngày ngày nỗ lực làm cầu nối giữa bạn đọc của báo với những mảnh đời bất hạnh là phải luôn làm hết sức mình, sống vì mọi người, để mỗi ngày qua đi là một ngày thật ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục