Nghiêm trị cán bộ thuế tư vấn trốn thuế

“Thậm chí chính cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế. Thoả thuận kiểu này doanh nghiệp (DN) có lợi, đa số DN không kêu, không phản ánh, chỉ Nhà nước và người dân bị thiệt”, ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phân tích.  
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ sáng nay 12-11
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ sáng nay 12-11

Trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay 12-11, bàn về Luật Quản lý thuế, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) bày tỏ lo ngại về tình trạng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng, làm ảnh hưởng đến ngân sách.

“Thậm chí chính cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế. Thoả thuận kiểu này doanh nghiệp (DN) có lợi, đa số DN không kêu, không phản ánh, chỉ Nhà nước và người dân bị thiệt”, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Theo ĐB, cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ vào luật theo hướng nghiêm cấm cán bộ thuế hướng dẫn, thoả thuận với đối tượng nộp thuế để trốn thuế; cán bộ thuế có trách nhiệm hướng dẫn DN thực hiện nộp thuế đầy đủ, nhanh chóng, tiện lợi.

Lưu ý rằng chỉ riêng hệ thống pháp luật về thuế có đến hàng chục đạo luật, chưa kể còn liên quan đến các luật về ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán… ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng việc sửa Luật Quản lý thuế lần này tuy đã tương đối minh bạch, công khai, bình đẳng, phù hợp với pháp luật quốc tế, nhưng vẫn phải có sự đối chiếu, nghiên cứu để thiết kế các điều khoản đảm bảo được sự phối hợp, không có độ “vênh” với môi trường pháp lý chung, đồng thời nâng cao hiệu quả chống thất thu, gian lận thuế.  

ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) thì đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động chính sách, những yếu tố nền tảng để thực thi luật sửa đổi. Theo ĐB, về vấn đề nhân lực, hiện nay biên chế trong ngành thuế đang có xu hướng giảm mạnh, đề nghi đánh giá nguồn lực để thực hiện dự án luật.

Đến 31-10-2018, ngành thuế có 41.741 cán bộ công chức, trực tiếp làm công tác quản lý thuế có 30.726 người công chức thuế đang thực hiện công tác chuyên môn, trực tiếp làm công tác quản lý thuế. Như vậy trong tương lai số lượng cán bộ công chức sẽ tiếp tục giảm.

Trong khi cả nước có khoảng 70.000 doanh nghiệp, 5.1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chưa kể đến số lượng mã số thuế cá nhân của dân. Và dự kiến số lượng doanh nghiệp cũng có xu hướng gia tăng khi Việt Nam gia nhập và theo mục tiêu trước mắt đến 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp.

Trong khi đó, với Luật sửa đổi, khối lượng công việc cũng gia tăng đáng kể. “Do vậy song song với đánh giá tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét đánh giá nguồn lực để thực hiện, không tạo ra áp lực cho người nộp thuế cũng như cán bộ công chức thuế”, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.

Tin cùng chuyên mục