Nghiên cứu chống bán phá giá thép, phân bón, thịt gà

* Xử lý nghiêm doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượngChiều 10-4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã họp triển khai công tác năm 2017. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

* Xử lý nghiêm doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng

Chiều 10-4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã họp triển khai công tác năm 2017. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy, năm 2016, 16/28 bộ ngành và 18/63 tỉnh thành chưa có báo cáo về thực hiện cuộc vận động, cho thấy nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến cuộc vận động này. “Năm 2017, xuất khẩu có nhiều khó khăn, chúng ta càng phải tăng cường tiêu dùng trong nước, đòi hỏi phải đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Thép là 1 trong 3 nhóm mặt hàng được Ban chỉ đạo đồng ý phối hợp để nghiên cứu, đề xuất chống bán phá giá đối với mặt hàng trong nước

Các ý kiến của đại biểu đều cho rằng, thị trường nội địa của Việt Nam rộng lớn, sức mua cao, Việt Nam lại có tiềm năng để sản xuất sản phẩm phong phú, chất lượng bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi. Vấn đề còn lại là phải có chiến lược sản xuất và chiến lược bán hàng Việt để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Cần tránh tình trạng khi muốn thu hút người tiêu dùng thì có sản phẩm chất lượng giá tốt, đến khi người tiêu dùng đã quen thì lại giảm chất lượng và tăng giá bán, khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể để các cơ quan, tổ chức, đơn vị ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm, sử dụng sản phẩm nội địa. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Kim Thoa, hiện Chính phủ đang nghiên cứu chống bán phá giá 3 mặt hàng thép, phân bón, thịt gà, vì vậy đề nghị Ban chỉ đạo xem xét để phối hợp thực hiện. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trong việc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng cần chỉ rõ đơn vị nào sai phạm. “Một số cơ quan chức năng được phân công nhiệm vụ làm rõ sai phạm nhưng chưa công bố kết luận. Bộ đã đề nghị Chính phủ có văn bản xử lý nghiêm với các đơn vị làm sai, làm hàng giả, hàng kém chất lượng”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm chất lượng mẫu mã hàng Việt. Bên cạnh đó là các dịch vụ chăm sóc khuyến mãi, có biện pháp ưu tiên quảng cáo cho hàng hóa trong nước, giáo dục lòng tự trọng yêu nước, tôn vinh khuyến khích hàng Việt... Cần rà soát lại chính sách về đầu tư công. Đối với những công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phải ưu tiên hàng Việt và có chế tài trong sử dụng hàng Việt. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Thị Phương Thanh đặt vấn đề, đối với những sản phẩm thế mạnh trong nước như sữa, dệt may, phần mềm cần tiếp tục đẩy mạnh vận động người Việt tiêu dùng, cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để phát triển những sản phẩm này.

Về công tác rà soát đề nghị bổ sung, sửa đổi chính sách đối với hàng Việt, trong năm 2017, Ban chỉ đạo đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tổ chức khảo sát, đánh giá và kiến nghị chính sách từ chuỗi sản xuất, đến tiêu dùng với chuỗi chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa và sữa học đường; nhóm hàng dệt may; thuốc Việt; sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin...

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mục tiêu của cuộc vận động không chỉ là vận động người Việt mua hàng Việt mà phải là vận động người Việt mua hàng Việt tốt mà rẻ. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải làm sao để có nhiều hàng Việt tốt, giá rẻ. Năm 2017 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, muốn thế phải làm ra được thật nhiều hàng Việt chất lượng, giá rẻ để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Ban chỉ đạo đồng ý phối hợp để nghiên cứu, đề xuất chống bán phá giá đối với mặt hàng trong nước, trước mắt là 3 nhóm hàng hóa thép, phân bón, thịt gà mà Chính phủ đang đề xuất. “Nhiều nơi nông dân nuôi gà phải bán lỗ gà tươi trong khi nhiều người tiêu dùng mua gà đông lạnh giá rẻ không có nguồn gốc xuất xứ. Thịt gà là mặt hàng gắn với nông dân, đề nghị chọn đây là sản phẩm để nghiên cứu chống bán phá giá ở Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục