Nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL - Nặng cá tôm, nhẹ con người

Phát triển xã hội ở ĐBSCL phải bắt đầu từ nhận thức về con người, đổi mới tư duy về con người chứ không chỉ đổi mới tư duy về kinh tế, trong đó phát triển khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV) sẽ tạo động lực mang tính đột phá cho ĐBSCL.
Nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL - Nặng cá tôm, nhẹ con người

Phát triển xã hội ở ĐBSCL phải bắt đầu từ nhận thức về con người, đổi mới tư duy về con người chứ không chỉ đổi mới tư duy về kinh tế, trong đó phát triển khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV) sẽ tạo động lực mang tính đột phá cho ĐBSCL.

Thu hoạch cá tra ở An Giang. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Thu hoạch cá tra ở An Giang. Ảnh minh họa: Cao Thăng

  • Hiệu quả dài lâu

Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) rõ ràng đã có bước phát triển vượt bậc. Hàng loạt các công trình, dự án, đề tài được đưa vào ứng dụng hiệu quả. Diện mạo, sức sống ĐBSCL hôm nay có công sức rất lớn của các nhà khoa học khu vực, trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhìn lại vẫn còn nhiều điều suy ngẫm. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975, Thốt Nốt là một huyện lớn của tỉnh Hậu Giang, phần lớn diện tích là đất phù sa, nước ngọt quanh năm, nhưng đến năm 1986 sản lượng lúa toàn huyện chỉ đạt 156.982 tấn; cả huyện còn trên 16.000 ha đất vùng lũ, trồng lúa mùa nước nổi bình quân 1 tấn/ha/năm. Đây là thời điểm ĐBSCL đang tìm con đường đổi mới.

Để làm bật dậy kinh tế, huyện Thốt Nốt kết hợp với Viện KHXH tại TPHCM (nay là Viện Khoa học phát triển bền vững) thực hiện đề tài “Quản lý để phát triển huyện Thốt Nốt”, chủ đề trọng tâm là nghiên cứu vai trò của tập đoàn sản xuất (tập thể) và kinh tế nông hộ; mối quan hệ của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Qua khảo sát thực tiễn, nghiên cứu, nhóm thực hiện đi đến kết luận: Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thốt Nốt không phải là tập đoàn sản xuất mà là kinh tế nông hộ. Từ đó huyện đã xây dựng mô hình mới sản xuất lúa. Đến năm 1991, sản lượng lúa trên toàn huyện từ 156.982 tấn tăng lên 513.000 tấn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, xã hội nông thôn ổn định, trở thành mô hình lúc bấy giờ. Thốt Nốt (và ĐBSCL) đã có đóng góp quan trọng vào Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về quản lý nông nghiệp. Nghị quyết 10 xác định: Nông hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó kích thích, làm bật dậy sản xuất nông nghiệp. Mô hình huyện Thốt Nốt cho thấy nghiên cứu KHXH kết quả không thấy liền, nhưng hiệu quả to lớn mà công nghệ, kỹ thuật không thể thay thế được.

  • Quá ít nghiên cứu về con người

“KHXH-NV gắn liền với phát triển bền vững xã hội nhưng điều này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốc độ phát triển của địa phương”, một tiến sĩ chuyên ngành KHXH-NV nhận định. Thế mạnh từ cây lúa, hạt gạo, con cá, con tôm… thể hiện rất rõ ngay trong nghiên cứu khoa học. Các đề tài, dự án nặng về tự nhiên, nhẹ về xã hội tập trung vào nông nghiệp, thủy sản. Trong 2 giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010, Cần Thơ có 101 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN nhưng chỉ có 9 đề tài, dự án nghiên cứu về lĩnh vực KHXH-NV. Các đề tài nghiên cứu KHXH-NV này hầu hết tập trung vào vấn đề quản lý hệ thống chính trị, kinh tế công ít để lại ấn tượng về góp phần phát triển con người, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong hội nghị tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vừa được tổ chức tại huyện Cờ Đỏ, một nông dân lên diễn đàn bức xúc: “Vì sao có chuyện vợ thiêu chồng, con giết cha? Tình làng nghĩa xóm phai nhạt nhiều? Nông dân làm chủ nhưng phải ra đi, nhường đất cho các nhà đầu tư kinh doanh?”. Câu hỏi ấy khiến các nhà khoa học đau đáu mãi. “Xây dựng người Cần Thơ theo tiêu chí “Trí tuệ - năng động - thanh lịch - hào hiệp” là định hướng nhân văn, tác động tích cực đến mọi mặt của thành phố nhưng đến nay đề tài này vẫn “bặt vô âm tín”.

HĐND TP Cần Thơ vừa đồng ý dành gần 2% tổng chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu KH-CN (xấp xỉ với mức quốc gia). Tuy chưa đáp ứng hết được nhưng đây là một cố gắng lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Vấn đề chính vẫn là con người, là nhân lực và cơ chế đi kèm thích hợp. Những người nghiên cứu văn hóa xã hội đầu đàn, uy tín trở thành của hiếm, hầu như chưa có. Trong lớp kế thừa, chưa nói đến năng lực, chỉ cần mang nhiệt huyết cũng đốt đuốc khó tìm dù ĐBSCL đã có trên 10 trường đại học đào tạo KHXH-NV. Rất ít sinh viên giỏi chọn học vì cho rằng ngành này mông lung, cổ lỗ, khó định lượng, khó kiếm tiền, không cần thiết! Và không chỉ lớp trẻ. Bệnh lười nghiên cứu khoa học còn ở ngay các bậc “trưởng lão”. Chỉ riêng ngành văn hóa, thể thao, du lịch Cần Thơ đã có gần 10 tiến sĩ, thạc sĩ nhưng mọi người vẫn mòn mỏi ngóng trông họ “xuống núi”, đăng ký đề tài nghiên cứu.

“Nhiều người thiếu ý tưởng hoặc chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật xây dựng đề cương, phương pháp nghiên cứu, tổng hợp vấn đề. Mở lớp tập huấn, kêu gọi những người tâm huyết tham gia nghiên cứu khoa học là hướng đi sắp tới. Làm khoa học không được tự ái, tự cao, tự đại mà cần tự tin, tự trọng”, Th.S Trần Văn Kiệt, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cho biết. Đề tài khoa học cần chọn lọc, tránh dàn trải, nhiều mà không chất lượng, không khả thi, không ứng dụng được sẽ tốn kém kinh phí, hao tổn công sức. KHXH có giá trị định hướng, điều chỉnh xã hội nên vai trò phản biện hết sức quan trọng. Một chương trình tổng thể, theo từng giai đoạn và liên kết nhân lực chặt chẽ giữa trung ương, vùng, miền là điều cần thiết. Sự thách thức sẽ khơi dậy nhiệt huyết và tính sáng tạo trong bối cảnh hiện nay.

Kết quả thống kê về trình độ chuyên môn ở TP Cần Thơ cho thấy tỷ lệ CBCCVC có trình độ từ đại học trở lên tại các đơn vị cấp TP, cấp quận, huyện và các đơn vị sự nghiệp chiếm hơn 50% tổng số lực lượng CBCCVC. Riêng cấp TP trình độ đại học trở lên chiếm gần 82,89%; trong đó 63,79% CBCC có trình độ đại học, 17,32% có trình độ thạc sĩ, 1.78% có trình độ tiến sĩ).

THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục