Ngoại trưởng Mỹ đến Philippines thúc đẩy đàm phán về biển Đông

Kết thúc chuyến làm việc tại Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Manila (Philippines). Theo Reuters, một trong những tâm điểm của chuyến thăm của ông John Kerry là thảo luận về cách giải quyết các tranh chấp trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA).
Ngoại trưởng Mỹ đến Philippines thúc đẩy đàm phán về biển Đông

Kết thúc chuyến làm việc tại Lào, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Manila (Philippines). Theo Reuters, một trong những tâm điểm của chuyến thăm của ông John Kerry là thảo luận về cách giải quyết các tranh chấp trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA).

Phương thức ngoại giao xây dựng

Ngày 27-7, theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines Ernesto Abella, trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định phán quyết hôm 12-7 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) bác những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Manila với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ song phương. Cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia lần đầu tiên sau khi nhậm chức với sự tham dự của 4 cựu tổng thống gồm: Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo và Benigno Aquino III để bàn về chiến lược của chính phủ trong cuộc đàm phán với Trung Quốc về giải pháp cho những tranh chấp trên biển Đông. Việc mời các cựu nguyên thủ quốc gia tới tham dự các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia là một truyền thống của Philippines, song lần tập hợp này là một động thái hiếm hoi thể hiện sự đoàn kết của các cựu tổng thống từng có những quan điểm chính trị trái ngược nhau.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự họp báo sau khi đến Manila

Trước đó, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ muốn Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán. Theo ông Kerry, phán quyết của PCA là thời khắc quan trọng để chuyển biến cách thức đàm phán, không phải thông qua các thách thức và hành động đơn phương mà thông qua các biện pháp ngoại giao mang tính xây dựng.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết Philippines đánh giá cao tuyên bố chung của ASEAN lên án hành động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông dù bản tuyên bố không đề cập đến phán quyết của PCA. Ông Yasay cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc đã giành thắng lợi ngoại giao tại hội nghị ASEAN sau khi các ngoại trưởng đã nhất trí không đề cập đến phán quyết. Đề cập đến phán quyết vốn không phải là mục tiêu của hội nghị ASEAN, Manila không muốn tìm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ kiện phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông cũng như không muốn nhấn mạnh vào vấn đề này để khiêu khích Trung Quốc.

Tác động an ninh chung của khu vực

Liên quan đến phán quyết PCA, Trung tâm Habibie đã tổ chức Đối thoại ASEAN lần thứ 36 với chủ đề “Hậu phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp trên biển Đông” tại Jakarta, Indonesia. Đây là buổi tọa đàm đầu tiên giữa các học giả đến từ các trung tâm, các viện nghiên cứu lớn của Indonesia nhằm xác định những ảnh hưởng của phán quyết đối với ổn định khu vực, xác định những thách thức và cơ hội hậu phán quyết đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đánh giá những phản ứng, hành động mà Indonesia và các bên quan tâm có thể triển khai nhằm khai thác tối đa phán quyết của tòa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nhìn lại sự kiện PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở biển Đông. Tiến sĩ Siswo Pramono, Tổng Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Phân tích Chính sách và Phát triển (BPPK) thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, nhận định rằng đến nay các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố riêng về kết quả của Tòa Trọng tài, trong đó đều nhấn mạnh sự kiềm chế, không gây thêm căng thẳng và có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, tham chiếu với các chuẩn mực trong các văn bản pháp lý của ASEAN. Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ có những tác động nhất định đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tình hình an ninh chung của khu vực.

Các đại biểu đều đánh giá rằng các bên kể cả Trung Quốc, Mỹ và ASEAN không muốn tình hình quá nhiều biến động, không muốn phán quyết của PCA ảnh hưởng quá lớn đến môi trường ổn định trong khu vực. Tất cả các quốc gia đều mong muốn duy trì tình hình ổn định trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế, phát huy ảnh hưởng của mỗi nước, dù rằng mức độ hài lòng với phán quyết là khác nhau đối với một số quốc gia.


THANH HẰNG (tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục