Ngôi nhà mơ ước

Sinh ra trong nợ nần từ thời cha ông, anh S. Appu, 27 tuổi đã phải sống 25 năm trong một nhà máy gạo ở miền Nam Ấn Độ. Từng ấy năm chứng kiến đời cha trả nợ không hết, giờ đến lượt anh làm việc không mệt mỏi để tiếp tục trả nợ.
Người dân nghèo sinh sống ở các khu ổ chuột ở Mumbai
Người dân nghèo sinh sống ở các khu ổ chuột ở Mumbai
Năm 2015, khi chính phủ giải phóng các con nợ khỏi nhà máy gạo ở Guduvanchery, bang Tamil Nadu, anh Appu vẫn không có nơi gọi là nhà để trở về; đối với anh Appu, ngôi nhà của anh chính là nhà máy gạo.
Chia sẻ với Thomson Reuters Foundation, anh nói: “Thậm chí lấy vợ rồi chúng tôi cũng ở đó, tất cả ở trong nhà máy đó mà không hề biết có một thế giới khác bên ngoài không gian đó”. 

Nhưng hôm nay, Appu sống trong ngôi nhà của mình, ngôi nhà do sinh viên Trường ĐH Madras Christian xây dựng, một phần của dự án do các tổ chức từ thiện và chính phủ tài trợ. Dự án này nhằm giải cứu những lao động bị lệ thuộc nợ từ nhiều đời tổ tiên, đưa họ trở lại đứng trên đôi chân của mình. Trước khi dọn vào căn nhà bằng gạch này hồi tháng 12-2016, Appu sống không đúng nghĩa sống trong một nơi trú ẩn trên một mảnh đất mà nhà máy gạo dành cho gia đình anh và 8 gia đình khác. Jesserson Joel, một sinh viên 22 tuổi - người đã giúp xây nhà cho Appu nói: “Chúng tôi đã tìm thấy họ đang sống tại những lều trại tạm thời trong suốt mùa lũ năm 2015 khi quét qua khu vực. Thực tế, họ sống ngoài trời, không được che chắn, bảo vệ. Họ cần chỗ ở”. 

Mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã cấm duy trì lao động lệ thuộc nợ từ năm 1976, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại rộng rãi, với hàng triệu người như Appu thuộc tầng lớp Dalit, giai cấp xã hội bị khinh miệt coi thường nhất tại các vùng nông thôn Ấn Độ - các cộng đồng bộ tộc khác. Họ đang bị bóc lột trên các lĩnh vực, từ các lò gạch, các nhà máy gạo hoặc các nhà thổ... để trả nợ. Năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ thông báo các kế hoạch giải cứu hơn 18 triệu lao động lệ thuộc cho đến năm 2030, đồng thời tăng mức đền bù cho các công nhân được giải cứu lên gấp 5 lần, như một phần của các nỗ lực nhằm xóa xổ chế độ nô lệ thời hiện đại.

Khi các tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Hội Công lý quốc tế hỏi Appu muốn sống ở đâu khi được tự do, anh nhún vai trả lời: “Đâu cũng được. Chưa từng có ai hỏi tôi rằng tôi muốn gì”. Những lao động lệ thuộc nhiều thế hệ như Appu, tất cả đều thuộc bộ tộc Irula, thực tế bị lãng quên từ lâu. Các tình nguyện viên là sinh viên phải băng qua một cái hồ mới tìm thấy họ. Bị sốc khi chứng kiến cuộc sống màn trời chiếu đất, các bạn trẻ đã lên kế hoạch tìm kiếm nguồn hỗ trợ xây nhà cho họ. Đến giữa năm 2016, nền móng các căn nhà đầu tiên đã được đặt. Appu vui mừng thổ lộ rằng lần đầu tiên trong đời có một chỗ tắm kín đáo. Đây là ngôi nhà mơ ước. Rất nhiều phụ nữ mừng không thể tả khi họ có được một chỗ tắm an toàn thay cho chỗ tắm trước đây là rừng, vừa tắm vừa sợ rắn và cả kẻ xấu. 

Tuy nhiên, vì không nhà cửa, không đất đai và việc làm, những lao động được giải cứu dễ dàng bị vướng lại vào vòng nợ nần. Tiền thì được cấp phát dễ dàng nhưng với nhà cửa hoặc đất đai thì họ phải điền vào chứng từ và tuân theo các thủ tục. Quy trình này mất nhiều thời gian và nhiều người bỏ cuộc.

Tin cùng chuyên mục