Ngôi trường đặc biệt

Hơn một năm nay, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Củ Chi thường tìm đến Trường Trung cấp Tây Sài Gòn (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) để khám, chữa bệnh và lấy thuốc miễn phí. 
Tại địa chỉ quen thuộc này, hàng tuần, các học viên của trường - là những thầy thuốc đông y - sắp xếp thời gian để thứ hai và thứ sáu có thể khám, bốc thuốc cho bà con. Ngôi trường ấy không chỉ có những “học sinh” từ 50 - 80 tuổi mà ngay cả những bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ cũng theo học, với tinh thần học tập là suốt đời, học không bao giờ ngừng. 
Ngôi trường của… các bác, các cụ 
Gọi như vậy hoàn toàn không sai, khi mà khoảng 60% trong số gần 1.500 học viên đang theo học ở trường có độ tuổi từ 50 trở lên; trong đó có hơn 300 trường hợp trên 60 tuổi. “Học sinh” Trương Cự (vừa tròn 80 tuổi, đang theo học lớp 17YS0403 ngành Y sĩ y học cổ truyền) đến từ huyện Đức Linh (Bình Thuận), hiện là hội viên Hội Đông y huyện Đức Linh, thường được các giáo viên gọi là bác, là ông, còn các bạn học gọi vui là “cụ học sinh”. “Hậu bối” của ông Trương Cự cũng chỉ nhỏ hơn ít tuổi, như ông Nghiêm Trần Tiến (75 tuổi) hàng tuần vẫn chạy xe máy gần 120km từ Phú Riềng (Bình Phước) xuống Củ Chi để học, ông Nguyễn Thanh Tràng (Việt kiều Mỹ, 73 tuổi) gần 2 năm nay chạy xe máy từ Tây Ninh xuống và chưa vắng một buổi học nào.
Đặc biệt, trường có nhiều học viên là tiến sĩ (4 người), thạc sĩ (19 người), bác sĩ (15 người) và hơn 600 học viên hành nghề đông y trên khắp cả nước. Ngoài ra, trường còn nhiều trường hợp thú vị khác, như gia đình ông Đào Ngọc Tuấn (quận Tân Bình, TPHCM) có 15 người gồm anh em, vợ chồng và các cháu cùng theo học. Hay 4 cha con học chung lớp như gia đình anh Phạm Văn Tiếp, 3 mẹ con của chị Nguyễn Thị Son đến từ tỉnh Tây Ninh, 3 chị em của chị Trương Thị Ngọc Hà và 17 cặp vợ chồng khác cũng là bạn “đồng môn” trong trường… 
Ngôi trường đặc biệt ảnh 1 Ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, tặng bằng khen “Tấm gương học tập suốt đời” cho những học viên cao niên
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, chia sẻ: “Khi quyết định mở ngành học Y sĩ y học cổ truyền, bản thân tôi mong muốn gìn giữ và phát huy “cái nghề” này của dân tộc. Thực tế có nhiều thầy thuốc rất giỏi tay nghề, nhưng họ học theo phương pháp “cha truyền con nối” chứ chưa hiểu biết một cách căn bản về các nguyên lý, cũng như những phương pháp khoa học trong việc khám chữa bệnh. Và thật mừng khi ngành này ra đời đã thu hút và đáp ứng được nhu cầu của xã hội”. 
Việc học không có giới hạn 
Suốt 2 năm qua, cứ thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Tiến sĩ hóa học Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long (Trường Đại học Lạc Hồng) lại chạy xe máy từ Biên Hòa lên Củ Chi để theo học lớp trung cấp Y sĩ y học cổ truyền. Ai cũng nghĩ đã là tiến sĩ rồi thì không cần phải đi học nữa, nhưng với ông Long, việc học là không có giới hạn.
“Tôi mê y học cổ truyền từ lâu mà chưa có dịp học. Theo học chương trình này, những kiến thức y học không chỉ giúp tôi bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mà còn hỗ trợ cho việc nghiên cứu, giảng dạy ngành công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Lạc Hồng. Đặc biệt, kiến thức về dược liệu, thảo dược giúp tôi khá nhiều trong biên soạn giáo trình giảng dạy môn thực phẩm chức năng”, Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long cho biết.
Bốc thuốc đông y là nghề gia truyền 3 đời của gia đình ông Phạm Văn Tiếp (ngụ ấp Trường Giang, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Từ nhỏ, ông đã được cha truyền dạy những bài thuốc và cách đây gần 16 năm, ông Tiếp thành lập nhà thuốc miễn phí cho người nghèo, được vợ và các con đồng lòng phụ giúp. Tuy nhiên, ông Tiếp chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa có bằng cấp, chưa đủ điều kiện pháp lý.  Vì vậy, ông cùng 3 người con đã “hạ quyết tâm” vượt hơn 100km vào những ngày cuối tuần để đi học mở mang kiến thức và nâng cao tay nghề trong khám chữa bệnh cho bà con. 
Nói về quyết định cắp sách đến trường lần nữa của mình, ông Trương Cự phấn khởi: “Khi tôi quyết định đi học, từ vợ con cho đến các cháu đều khuyên là tôi già rồi, đi học làm chi nữa. Mọi người đều nói tôi đã biết bốc thuốc, chữa bệnh, đi học làm chi cho tốn tiền, mất thời gian và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe”. Trải qua một học kỳ, “cụ” học viên năm nhất vui vẻ: “Sau khi đi học mới thấy những kiến thức của tôi về ngành nghề đang làm vẫn còn hạn hẹp, cần phải bổ sung. Những môn học giúp tôi biết được tại sao bài thuốc đó có những thành phần dược lý để chữa được loại bệnh đó”.   
Không chỉ có học, cứ mỗi cuối tuần, bếp ăn của Trường Trung cấp Tây Sài Gòn lại trở nên nhộn nhịp với hàng trăm thầy và “trò”. Những bữa cơm này không chỉ giúp mọi người thêm gắn bó mà còn là dịp để họ chia sẻ, trao đổi kiến thức lẫn chuyên môn từ trường học đến thực tế. Và hơn ai hết, chính những “học sinh” mà các giáo viên gọi là bác, là ông, là tiến sĩ, bác sĩ… đã và đang lan tỏa một tinh thần học tập suốt đời.

Tin cùng chuyên mục