Ngư dân cần được “chống lưng”

Tuần trước, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra thông điệp: “Biển đảo thuộc chủ quyền của chúng ta thì bà con cứ yên tâm đánh bắt cá. Nhà nước luôn theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân Việt Nam”. Chủ tịch nước cũng đã biểu dương tinh thần vượt khó bám biển của ngư dân và động viên ngư dân đoàn kết tương trợ, phát huy tinh thần cộng đồng mới bảo vệ được chính mình và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Thực tế việc bảo đảm an toàn cho ngư dân hành nghề hợp pháp trên vùng lãnh hải nước ta không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, mà còn là một yêu cầu xuyên suốt trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Thế kỷ 21 được nhìn nhận là “thế kỷ của đại dương”. Vì vậy, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW (ngày 9-2-2007) về chiến lược biển Việt Nam, đã xác định mục tiêu: Đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020 kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Mặc dầu chưa được đầu tư tương xứng, phát huy tiềm năng to lớn của quốc gia có biển chạy suốt chiều dài đất nước, nhưng những năm gần đây ngành đánh bắt hải sản đã phát triển mạnh. Hiện nay cả nước có trên 4 triệu lao động nghề cá, làm việc trên khoảng 130 ngàn tàu đánh bắt các loại. Đây không chỉ là lực lượng lao động sản xuất đông đảo mà còn là nguồn lực khẳng định quyền chủ quyền quốc gia của ta vùng biển đảo. Nghề đánh bắt xa bờ đã khẳng định hiệu quả kinh tế lớn, cung ứng nguồn hàng xuất khẩu ổn định, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Nhưng ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân đang ngày đêm đối mặt nhiều khó khăn. Mỗi năm họ phải “sống chung” từ 7 - 10 cơn bão, gánh chịu thách thức nghiệt ngã do phương tiện đi biển dài ngày chưa đảm bảo, mất an toàn về quyền hành nghề do bị tàu lớn các nước chèn ép, bắn phá...

Đằng sau mỗi ngư dân đi biển xa là hàng chục miệng ăn trên bờ và người thân của họ trông ngóng từng chuyến biển cá đầy khoang, tàu an toàn cập bến. Vì vậy, tâm nguyện của ngư dân không gì hơn là Nhà nước hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn để phát triển nghề cá khơi xa; bảo vệ hiệu quả ngư dân đánh bắt xa bờ; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển. Trong 4 năm qua, Chính phủ đã ban hành 2 quyết định thúc đẩy phát triển nghề cá: Quyết định số 289/2008/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với ngư dân hộ chính sách, hộ cận nghèo; Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg khuyến khích ngư dân đẩy mạnh đánh bắt xa bờ và các thông tư liên tịch quy định cụ thể việc hỗ trợ đầu tư sắm mới phương tiện, ngư lưới cụ. Các tỉnh thành ven biển tùy theo nguồn lực của mình cũng có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân hoán cải tàu thuyền, đóng mới phương tiện bám biển dài ngày...

Tuy nhiên, trên thực tế ngư dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay, luôn thiếu vốn sản xuất và đầu tư mới, chưa đảm bảo phương tiện hiện đại hành nghề an toàn và dài ngày vùng biển xa.

Để phát huy đúng mức tiềm năng kinh tế biển, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như nghị quyết của Đảng đề ra cần cấp bách tổ chức lại nghề cá một cách bài bản. Ngoài đội tàu và phương tiện đánh bắt hiện đại, cần đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá theo hướng cung ứng các dịch vụ kịp thời, linh hoạt để ngư dân bám biển dài ngày; đầu tư trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiệu quả để nhanh chóng ứng cứu ngư dân khi có sự cố xảy ra.

Thực tế cho thấy trong bối cảnh hiện nay, và để nghề cá nước ta không tụt hậu xa so với các nước khu vực, cần định hướng xây dựng chính sách rõ hơn nhằm “chống lưng” cho ngư dân cả về vật chất lẫn tinh thần, theo hướng tập trung nguồn lực ưu đãi, hỗ trợ hoán cải tàu thuyền, bảo đảm điều kiện ngư dân hành nghề an toàn, giảm nhẹ áp lực của thiên tai, và cả nhân tai do bị tàu nước ngoài áp chế. Có làm được điều này mới nâng cao hiệu quả kinh tế biển, bảo đảm an sinh ngư dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Lê Tiền Tuyến

Tin cùng chuyên mục