Ngư dân tiên phong đóng tàu vỏ thép vươn khơi

Không chỉ là ngư dân có kinh nghiệm đi biển xa bờ khai thác các loại hải sản có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao mà ngư dân Nguyễn Lưu Truyền (42 tuổi, ở xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là người tiên phong ở tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu đánh cá lưới rê vỏ thép theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ. 
Ngư dân Nguyễn Lưu Truyền trên chiếc tàu cá lưới rê vỏ thép ở Hà Tĩnh được đóng mới theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ
Ngư dân Nguyễn Lưu Truyền trên chiếc tàu cá lưới rê vỏ thép ở Hà Tĩnh được đóng mới theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ
Làm giàu từ biển 

Tiếp chúng tôi trên tàu lưới rê vỏ thép đóng mới theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ vừa trở về sau chuyến đi biển thử nghiệm đầu tiên, ngư dân Nguyễn Lưu Truyền phấn khởi: “Lần đầu tiên trong đời tôi may mắn được sở hữu một chiếc tàu cá vỏ thép hiện đại, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải, liên lạc, đánh bắt, hầm chứa hải sản… như mơ thế này. Tôi sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển và chung tay cùng ngư dân góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của chúng ta”.

Vốn sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ đều gắn liền với nghề đi biển, 18 tuổi, Truyền được bố truyền lại nghề và giao trực tiếp quản lý một chiếc tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, sau đó thuê thêm một số ngư dân ở địa phương cùng ra khơi khai thác hải sản ở vùng lộng gần bờ. Thời điểm này nguồn hải sản biển gần bờ nhiều, đánh bắt thuận lợi nên sau mỗi chuyến đi biển từ 1-3 ngày đều cho thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2001-2002, với chiếc tàu công suất nhỏ, sản lượng khai thác gần bờ sụt giảm, trong khi đó chi phí đắt đỏ. Truyền quyết định đưa tàu lên bờ, tạm ngừng đi biển để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan xin làm thuê trên các tàu đánh cá lớn được hơn 2 năm thì trở về nước. Đầu năm 2006, anh vay vốn tiếp tục đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và cũng xin làm thuê trên các tàu đánh cá. Đến năm 2010, anh quyết định trở về nước. Lúc này, nhận thấy ở vùng biển Xuân Hội, ngoài nghề đi biển thì không biết làm nghề gì khác để sinh sống, vì vậy, anh quyết định dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp được sau những năm lặn lội làm thuê ở Đài Loan, Hàn Quốc để đầu tư đóng mới 2 chiếc tàu cá vỏ gỗ (công suất 444CV/tàu). Sau khi hoàn thành, anh thuê hơn chục ngư dân địa phương bắt đầu đánh bắt hải sản vùng lộng và vùng khơi ở vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… 

Bình quân mỗi năm, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, Truyền thu về lãi ròng trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền, đánh bắt xa bờ có hiệu quả, Truyền đã xây được ngôi nhà khang trang ở xóm Hội Thủy, chăm lo chu đáo cho 3 người con ăn học, mua sắm các tiện nghi hiện đại trong gia đình. Ngoài ra, anh còn tích cực hỗ trợ vốn, kinh nghiệm… cho nhiều ngư dân khác để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để cùng vươn khơi bám biển.

Khát vọng vươn khơi xa bám biển dài ngày

Mặc dù 2 tàu cá vỏ gỗ đánh bắt ở vùng lộng và vùng khơi vẫn khai thác có hiệu quả, nhưng theo anh Truyền, những năm gần đây hải sản đánh bắt sụt giảm, trong khi đó tàu thuyền công suất lớn của ngư dân đóng mới ngày càng nhiều, nếu cứ bám mãi vào tàu công suất nhỏ và đánh bắt như cũ thì sản lượng, lợi nhuận thu về càng giảm, trong khi đó chi phí xăng dầu, ăn uống, tiền lương, ngư lưới cụ… thì càng lớn. Xuất phát từ suy nghĩ đó và đặc biệt là từ khi có chương trình Nghị định 67 của Chính phủ ra đời để hỗ trợ ngư dân, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và được sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, các cấp ngành ở Hà Tĩnh, anh Truyền quyết định đầu tư đóng mới tàu đánh cá lưới rê vỏ thép công suất 829CV. Đây cũng là tàu cá vỏ thép đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh được đóng mới theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ.

Anh Truyền chia sẻ: Sau khi tiếp nhận tàu vỏ thép và tháng 7-2016, chúng tôi ra khơi đánh bắt xa bờ thử nghiệm chuyến đầu tiên. Sau 6 ngày đánh bắt ở vùng biển Nghệ An - Thanh Hóa, cách đất liền khoảng 70 hải lý, tàu đánh bắt được 1 tấn hải sản, bán khoảng 200 triệu đồng. Mặc dù đây là chuyến thử nghiệm đầu tiên, sản lượng khiêm tốn, nhưng ai cũng phấn khởi vì tàu vỏ thép vận hành trơn tru, thuận lợi. 

Ngư dân Nguyễn Văn Tuyên (54 tuổi, ở xã Xuân Hội, thuyền viên trên tàu vỏ thép của anh Truyền) nói: “Gần 40 năm đi biển, đây là lần đầu tiên tôi được đi hành nghề trên một chiếc tàu vỏ thép công suất lớn và hiện đại toàn diện như vậy. Tàu vỏ thép đã rút ngắn còn một nửa thời gian đi biển và có cảm giác yên tâm lúc sóng to gió lớn, đặc biệt là có thể đánh bắt dài ngày ở các vùng biển vịnh Bắc bộ và thu hoạch được sản lượng hải sản có giá trị nhiều hơn, cuộc sống của gia đình theo đó sẽ thay đổi từng ngày...” 

Tin cùng chuyên mục