Người bạn của nông dân

Người bạn của nông dân

Đó là kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Quán (35 tuổi), Trưởng phòng Sản xuất Thực nghiệm (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM).

6 năm công tác tại đây, anh có 17 công trình nghiên cứu - chuyển giao công nghệ cách trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, giúp người nông dân tăng sản lượng sản phẩm gấp đôi, thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, anh còn là người giúp dưa lưới Việt Nam cạnh tranh được với thị trường quốc tế.

Anh Nguyễn Văn Quán chăm sóc rau muống, được sản xuấttheo công nghệ thủy canh hoàn lưu.

Tốt nghiệp đại học ngành Khoa học cây trồng (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM), chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Quán luôn ôm ấp ý nguyện mình phải nghiên cứu được nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả để giúp người nông dân đạt năng suất cao, thu lợi nhuận nhiều trong trồng trọt. Quán còn có đức tính rất cần cù, đam mê sáng tạo nên năm 2009, khi xin vào làm việc tại Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, ngay từ những ngày đầu anh đã mạnh dạn đề đạt với lãnh đạo, cho phép nghiên cứu cách trồng các loại cây dây leo cho năng suất cao trên giá thể xơ dừa sử dụng tưới nhỏ giọt trong nhà màng. Được lãnh đạo tạo điều kiện, anh lao vào nghiên cứu, đi xuống thực tế tại nhiều địa phương, nghiên cứu khí hậu thích ứng với từng loại cây trồng. Thu thập được nhiều thông tin liên quan đến quá trình tăng trưởng và sinh trưởng của các loại cây, anh Quán kiên trì cho thực nghiệm.

“Dù được sàng lọc rất kỹ nhưng khi vào thực nghiệm giúp cây sống và cho năng suất cao thật không đơn giản. Phải tốn rất nhiều thời gian để điều chỉnh các yếu tố như: nước, đạm, thuốc kháng côn trùng… Dẫu vậy, mình cứ làm, thực nghiệm lần 1 chưa được, mình lại tiếp tục làm lần 2, lần 3. Có loại cây trồng phải thực nghiệm, điều chỉnh hàng chục lần, nhưng tất cả đều thành công”, anh Quán chia sẻ. Từ năm 2009 đến nay, anh lần lượt nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hàng chục mô hình sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả (dưa lưới, dưa leo…) an toàn, năng suất cao, giúp nông dân tăng cao thu nhập. Đặc biệt, mô hình “Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bố trí luống phù hợp để trồng dưa lưới trên giá thể trong điều kiện nhà màng” của anh Quán là một trong những sáng kiến tạo dấu ấn trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ được người nông dân yêu thích vì mang lại hiệu quả kinh tế cao (4 tấn/1.000m2/vụ, cao gần gấp đôi so với thông thường), mà qua mô hình này, dưa lưới Việt Nam đã xuất khẩu và cạnh tranh được với thị trường quốc tế (hiện đã xuất khẩu sang Singapore) vì có ưu điểm: trái to, độ ngọt cao và thanh, màu sắc đẹp và chất lượng an toàn.

Ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, anh Quán không chỉ được biết đến là “cây sáng kiến”, mà còn được đồng nghiệp, bạn bè thương quý vì sống chân thành, sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhiệt tình trong hoạt động phong trào của Công đoàn, đoàn thanh niên cơ quan.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục