Người càng giàu, môi trường càng nghèo

Theo báo cáo mới công bố của Liên hiệp quốc (LHQ), rác thải điện tử - loại chất thải cực độc gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra môi trường - tại châu Á đã tăng đến 63% chỉ trong vòng 5 năm qua (2010-2015), đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Theo báo cáo mới công bố của Liên hiệp quốc (LHQ), rác thải điện tử - loại chất thải cực độc gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra môi trường - tại châu Á đã tăng đến 63% chỉ trong vòng 5 năm qua (2010-2015), đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Báo cáo cho thấy, trong những năm gần đây, châu Á đã nổi lên thành bãi đáp của các thiết bị điện tử phế thải từ các nước phát triển, phần lớn là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Phân tích của LHQ tại 12 quốc gia ở phía Đông và Đông Nam Á cho thấy 16 triệu tấn rác điện tử kỷ lục chứa cả nguyên liệu độc hại và nguyên liệu có giá trị được tạo ra chỉ trong một năm. Châu Á nhận tái chế rác thải tại các nhà máy nội bộ với mức giá thường ở mức siêu rẻ trong bối cảnh vẫn đang thiếu những cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý rác thải điện tử một cách an toàn.

Bên cạnh hoạt động nhập khẩu rác thải điện tử bất hợp pháp để tái chế, núi rác thải hay điện tử độc hại của châu Á đang phát triển nhanh chóng là do thu nhập càng tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm lỗi thời nhanh chóng do công nghệ cải tiến và mẫu mã không ngừng thay đổi, nạn buôn bán rác thải điện tử bất hợp pháp... Đặc biệt ở Trung Quốc, chỉ trong 5 năm từ 2010 đến 2015, lượng rác thải điện tử đã tăng hơn gấp đôi, lên 6,7 triệu tấn trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu tính bình quân đầu người, nền kinh tế thải ra nhiều rác thải điện tử nhất trong khu vực là Hồng Công (Trung Quốc), với mỗi người tạo ra trung bình 21,7kg rác thải điện tử vào năm 2015. Singapore và lãnh thổ Đài Loan cũng là những bãi rác thải điện tử lớn, với trung bình mỗi người tạo ra hơn 19kg trong năm 2015.

Người ta đã tìm ra được một điều hết sức nghịch lý, khi mức thu nhập gia tăng, thì chất lượng môi trường ngày càng giảm. Các phát hiện mới đây cho thấy trẻ em trong thị trấn Guiyu ở Trung Quốc, nơi xây dựng nền kinh tế dựa trên việc tái chế rác thải từ nước ngoài, có nồng độ chì trong máu cao. Vì thế, báo cáo thúc giục các chính phủ ban hành quy định, luật lệ cụ thể về quản lý chất thải điện tử hoặc thực thi nghiêm ngặt những luật hiện có.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng rác điện tử trên thế giới, các tổ chức quốc tế và từng quốc gia đã đề ra những quy định bắt buộc về quản lý và xử lý rác thải độc hại. Trong đó, gắn trách nhiệm với nhà sản xuất, buộc các nhà sản xuất sẽ đưa chi phí quản lý rác thải vào giá thành sản phẩm. Ngoài ra, áp dụng biện pháp ràng buộc họ vào việc tái chế các loại rác thải rất cần thiết trong bối cảnh khan hiếm nguồn nguyên liệu và dùng nhiều năng lượng hiện nay. Hiện tỷ lệ rác thải điện tử được tái chế trên thế giới còn rất thấp. Theo tổ chức Greenpeace, chỉ có khoảng 10% lượng máy tính cũ hỏng được tái chế; tỷ lệ điện thoại di động cũ hỏng được tái chế còn thấp hơn, chỉ khoảng từ 2%-3%. Nói cách khác, tỷ lệ rác thải điện tử không được tái chế lên tới 91%. Các công ty sản xuất cũng chưa tích cực tái chế các sản phẩm điện tử cũ hỏng do hãng mình sản xuất ra. Chẳng hạn, Nokia chỉ tái chế không nhiều hơn 2% số điện thoại di động đã bán ra thị trường. Hoặc là thông qua mô hình kinh doanh cho thuê, nơi mọi người có thể thuê thay vì mua lại phần lớn thiết bị điện tử và sử dụng các nâng cấp để có được những tính năng mới nhất.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục