Người chạm đến “linh hồn làng mạc”

Dù lãng mạn hay chân quê, dù mang tính truyền thống hay được xem là tiêu biểu của phong trào Thơ mới thì Nguyễn Bính vẫn luôn là một nhà thơ tiêu biểu của cả thời đại ông sống, sáng tác.
Sáng 21-7, hội thảo khoa học “Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính” đã diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang. Đây được xem là dịp để các học giả, nhà nghiên cứu cùng người yêu thơ Nguyễn Bính tưởng nhớ, thảo luận và khám phá những nét mới về sáng tác và đóng góp của ông đối với nền văn học của đất nước.
Hội thảo do Trường Đại học Văn Lang phối hợp Viện Văn học tổ chức đã thu hút hơn 70 tham luận và 47 trong số đó được lựa chọn để đăng trong cuốn kỷ yếu Trăm năm Nguyễn Bính - Truyền thống và hiện đại do NXB Hội Nhà văn xuất bản.
Người chạm đến “linh hồn làng mạc” ảnh 1 cuốn kỷ yếu Trăm năm Nguyễn Bính - Truyền thống và hiện đại
Đi với thời đại
Các bản tham luận chia làm 3 vấn đề: Những góc độ tiếp cận thơ Nguyễn Bính; thể loại, phong cách và văn hóa trong sáng tác của Nguyễn Bính; việc tiếp nhận thơ Nguyễn Bính trước và sau năm 1954.
Các ý kiến đôi khi trái ngược, tranh cãi trong nhiều vấn đề, như tính lãng mạn trong thơ Nguyễn Bính, chất hiện đại điển hình cho phong trào Thơ mới hay cách ông xây dựng hình ảnh thôn quê trong các tác phẩm…
Tuy nhiên, có một ý kiến nhận được sự thống nhất cao của các nhà nghiên cứu là dù lãng mạn hay chân quê, dù mang tính truyền thống hay được xem là tiêu biểu của phong trào Thơ mới thì Nguyễn Bính vẫn luôn là một nhà thơ tiêu biểu của cả thời đại ông sống, sáng tác.
Th.S Bùi Thị Thu Thủy (Trường Đại học Hùng Vương) nêu lên hình ảnh của nhà thơ trong thời kỳ đầu cũng là hình ảnh tiêu biểu của các văn nghệ sĩ khi đó.
Đó cũng là thời kỳ của những tác phẩm như Hoa với rượu, với các câu thơ: Bỏ lại vườn cam, bỏ mái giang/Tôi đi dan díu với kinh thành; hay như: Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng/Giàu lòng tin tưởng bước tương lai (Lá thư về Bắc).
Thế nhưng, đến đô thị, họ mới chợt nhận ra, đằng sau ánh hào quang, xa hoa tiến bộ là đầy rẫy bon chen, dối trá. Là những người mang nhiều mộng tưởng nên các thi sĩ cũng là người dễ tan vỡ, sụp đổ.
Có người lựa chọn co mình lại, vứt bỏ hiện thực, lại có người chọn con đường chìm đắm trong men say, trong những giấc mộng.
Với Nguyễn Bính, ông chọn thôn quê, chọn hoài niệm hình ảnh về những cánh đồng, mái giang mà ông để lại sau lưng như một chỗ dựa về tinh thần: Thu sang, quán lẻ con đăm đắm/Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen (Bắt gặp mùa thu). 
Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cho biết, cái “quê” của Nguyễn Bình khác với “quê” của các nhà thơ khác. Nguyễn Bình đi thẳng vào tận linh hồn của quê, chạm đến nhưng tâm thức sâu nhất của những người con xa quê bằng những câu thơ tình mộc mạc, giản dị: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn… (Người hàng xóm).
Vỡ mộng công danh, thất chí đường đời, nhưng điều đó không có nghĩa Nguyễn Bính thoát ly hiện tại. PGS-TS Võ Văn Nhơn (Trường Đại học KHXH- NV TPHCM) trong bài Nam bộ trong đời thơ Nguyễn Bính, đã viết: Giai đoạn 1944 đầu 1945, nhà thơ vẫn còn tự xem là giang hồ phiêu bạt vô định: Chị ơi! Trôi nổi là thân tôi/Cánh buồm bạt gió thân hồ hải…” (Bài thơ vần Rẫy).
Thế nhưng, khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, thi nhân phiêu bạt đã bừng thức tỉnh, ông theo nhân dân miền Tây kéo về Sài Gòn ủng hộ cách mạng. Trong lúc nhiều nhà thơ của Thơ mới còn đang lúng túng bởi cái tôi cá nhân, hay đắm chìm trong tình yêu đôi lứa, thì Nguyễn Bính đã nhanh chóng nhập cuộc. 
Cố nhà văn Sơn Nam trong một bài viết về Nguyễn Bính, đã đánh giá: “Nguyễn Bính là thi nhân duy nhất có tên trong Thi nhân Việt Nam đã tham gia kháng chiến tại miền duyên hải vịnh Xiêm La. Anh khởi xướng việc thành lập Đoàn văn hóa Cứu quốc tỉnh Rạch Giá, ra mắt tập thơ yêu nước chỉ vài tháng sau khi vào chiến khu, lãnh trách nhiệm Phó Chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá rồi về Ban Văn nghệ Khu 8…”.
Đây cũng là giai đoạn bài thơ Cửu Long giang của ông ra đời với những câu thơ hào hùng: Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy/Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng/Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi/Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy/Nguyện một lòng gìn giữ non sông
Bài thơ nhanh chóng được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc với tên gọi Tiểu đoàn 307 và trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của kháng chiến Nam bộ.
Câu chuyện tương lai
Tham luận của các chuyên gia đã phân tích thơ Nguyễn Bính dưới nhiều góc độ khác nhau. Người thông qua các nhân vật trong thơ như chị, em, tôi… để phân tích nghệ thuật; có người lại so sánh thơ Nguyễn Bình với các tác giả cùng thời và cả các tác giả hiện nay để tìm ra những nét độc đáo.
Lại có tham luận phê phán thẳng thắn thất bại của Nguyễn Bính trong thời kỳ đầu sáng tác như việc cải biên Tỳ bà truyện.
Thậm chí, có các nhà nghiên cứu về tâm lý còn nghiên cứu tác phẩm, tác giả dưới góc độ phân tâm học, để từ đó tìm ra bản chất tâm lý thật sự của Nguyễn Bính đằng sau những tác phẩm của ông.
Người chạm đến “linh hồn làng mạc” ảnh 2 Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính, phát biểu tại hội thảo
Có thể nói, hội thảo đã cho thấy sự sôi động trong việc nghiên cứu thơ Nguyễn Bính nói riêng cũng như sự quan tâm nghiên cứu về văn học nghệ thuật của dân tộc.
Thế nhưng, theo GS Lê Khắc Hòa, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, những điều này cũng thể hiện một vấn đề trong nghiên cứu hiện nay. Đó là quan tâm thì có, nhưng nghiên cứu một cách đầy đủ và khoa học thì lại còn thiếu rất nhiều.
Như khái niệm “chân quê” được nhiều người nhắc đến khi đề cập về thơ Nguyễn Bính, vốn bắt nguồn từ nhà phê bình Hoài Thanh, người đầu tiên gọi Nguyễn Bính là “nhà thơ chân quê”.
Cách gọi hình tượng nhưng khi nghiên cứu thì phải có lý thuyết cụ thể, thế nào là chân quê, thế nào là lãng mạn, là Thơ mới… Phải có những cái đó, việc nghiên cứu mới thực sự mang tính chuẩn mực, chứ như hiện nay, hầu như mỗi người một phách.
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, lại hướng về một vấn đề khác. Theo ông, việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, giới thiệu với bạn bè năm châu cần có một yếu tố quan trọng là tính lịch sử.
Như trường hợp của Nguyễn Bính, được nhà phê bình Chu Văn Sơn liệt vào một trong 3 đỉnh cao của Thơ mới - cùng Xuân Diệu và Hàn Mạc Tử.
Theo nhà phê bình Chu Văn Sơn, Xuân Diệu “mới nhất”, Nguyễn Bính “quen nhất”, trong khi Hàn Mặc Tử lại “lạ nhất”.
Dĩ nhiên, bàn về chuyện này còn rất nhiều điều để nói, nhưng rõ ràng, đây là một yếu tố quan trọng để quảng bá tác phẩm của các nhà thơ đến bốn phương.
Cũng như hiện nay, khi đưa tác phẩm của các tác giả nước ngoài vào Việt Nam, trừ tác giả đã quá nổi tiếng, còn nếu không, các nhà xuất bản đều chú trọng vào các yếu tố độc đáo riêng của mỗi tác giả, trong đó có cả vai trò, ảnh hưởng đến với sự phát triển văn học ở quốc gia của họ.
Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh 1918, mất năm 1966, nhưng như bà Nguyễn Bính Hồng Cầu cho biết, năm sinh đó để cho tiện, chứ đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Ông sinh ra trong gia đình một nhà Nho ở xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, Nam Định. Hơn 10 tuổi ông theo anh trai Nguyễn Mạnh Phác, còn có tên hiệu là Trúc Đường (người sau này là cây đại thụ về sáng tác kịch bản sân khấu) ra Hà Đông sinh sống.
Nguyễn Bính được xem là thần đồng khi 13 tuổi đoạt giải thưởng thơ. Ông cũng được xem là một trong những nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam, nhất là với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Do đặc thù có thời gian dài lang bạt nên thơ ông rất khó sưu tầm đầy đủ.
Năm 1987 Tuyển tập thơ Nguyễn Bính đầu tiên được xuất bản (vẫn bị cho là còn thiếu nhiều), được đưa vào chương trình môn Văn ở cấp phổ thông và đại học. Đến năm 2008, bộ Nguyễn Bính toàn tập ra mắt, có bổ sung nhiều tác phẩm mới phát hiện và đến năm 2017, sách được tái bản với những bổ sung khác. 

Tin cùng chuyên mục