Người Chứt ở Rào Tre

Người Chứt ở Rào Tre

Năm 1992, các nhà dân tộc học Việt Nam đã xác định nhóm người bí ẩn ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là tộc người Chứt. Đây là một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Tộc người Chứt vốn sinh sống trong những cánh rừng sâu giữa đại ngàn, ở các hang đá của dãy Trường Sơn. Năm 2001, được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là Đồn biên phòng (ĐBP) 575, tộc người Chứt tưởng chừng sắp biến mất này đã được đưa ra khỏi rừng và thành lập bản Rào Tre…

Hành trình gian nan

Bản Rào Tre nằm lọt thỏm trong dãy thung lũng bao bọc bởi ngọn núi Ka Đay và thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu thơ mộng, bản cách đường mòn Hồ Chí Minh về phía Tây – Nam khoảng 30 cây số, cách trung tâm xã Hương Liên gần 5 cây số. Nơi đây vốn là trạm giao liên chuyển quân, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào chiến trường miền Nam qua vùng miền núi Hà Tĩnh – Quảng Bình.

Một ngày tháng 6-2011, vượt chặng đường hơn 150 cây số rừng núi hiểm trở, chúng tôi tìm về ĐBP 575, đơn vị có hai nhiệm vụ song song: bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, đồng thời hồi sinh, bảo tồn và phát triển tộc người Chứt ở bản Rào Tre.

Trung tá Võ Hồng Hải, Đồn trưởng ĐBP 575 và trung tá Phạm Trọng Nhân, Đồn phó, đã dành quãng thời gian rảnh cuối tuần hiếm hoi của mình tiếp chúng tôi. Câu chuyện đưa chúng tôi đi về những ngày đầu BĐBP tiếp cận bà con người Chứt, khoảng tháng 6-2001.

Một thiếu nữ dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vui cười dưới làn nước mát.

Một thiếu nữ dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vui cười dưới làn nước mát.

Sau khi dựng nhà cửa tạm ổn định, BĐBP Hà Tĩnh xắn tay vào dạy bà con học cái chữ, dạy cách định canh định cư, dạy cách tắm, giặt giũ, ăn uống, ngủ nghỉ, dạy cách ra đồng đi cày bừa, làm phân bón, trồng cây, chăn nuôi, làm kinh tế… 5 anh cán bộ chia 24 hộ ra, mỗi người chịu trách nhiệm quản lý 5 hộ. Ngày mưa thì dạy chữ. Tối, đi tuần đề phòng trường hợp người lạ mang rượu vào mua chuộc dân. Tới 10 giờ đêm, bộ đội lại đánh kẻng gọi dân đi ngủ và thay phiên nhau thức canh giấc ngủ cho dân bản.

Đó là một hành trình vô cùng gian nan, bởi người Chứt thuở bấy giờ rất lạc hậu, lại nghiện rượu và thuốc lá cuốn. Dân bản mang lúa đi xay, trên đường về thường tạt vào quán xá đem đổi lấy rượu uống hết, rồi say nằm vạ vật bên vệ đường, khi tỉnh về đến nhà chỉ còn một ít gạo cũng đem trút hết vào nồi, nấu xong gọi cả làng tới ăn một bữa hết sạch. Tính cộng đồng cao nhưng người dân không biết tích lũy, tính toán. Thóc giống, lạc giống thì bị người xấu bên ngoài vào bản lừa đổi rượu, coi như xong hạt giống cả một mùa gieo. Thậm chí có khi gạo cứu trợ đem vào, dân nhận xong bốc ăn sống. Ngày phụ nữ đến tháng cử, phải ngồi trong nhà, đốt một đống lửa ngồi bên cạnh, rồi trải lá tro ngồi lên trên cho tới khi hết ngày mới được ra ngoài. Không tắm rửa, không giặt giũ, vì dân bản quan niệm những ngày đó nếu ra khỏi nhà, con ma sẽ bắt mất hồn phụ nữ đó.

Người chết, bó lá đem chôn rải rác trên núi rồi làm con lợn mời cả bản. Trẻ con 13-15 tuổi có thể tới ngủ với nhau, có thai thì coi là vợ chồng, làm 2 con lợn mời cả bản chứng kiến. Hôn nhân chủ yếu cận huyết thống, người trong bản lấy nhau hoặc kết hôn với người Chứt ở vùng Quạt, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ăn uống đồ sống hoặc đồ nướng. Uống nước lã. Ngày ngủ đêm thức uống rượu. Cuộc sống tự sinh tự diệt…

Sau khi được BĐBP dạy một số tiếng Kinh cơ bản, người Chứt bắt đầu học các bài hát thiếu nhi. Ngày 19-5-1960, bộ đội tổ chức cho bà con lễ sinh nhật Bác Hồ, kể cho bà con những câu chuyện về Bác. Một cán bộ đề nghị đặt họ cho người Chứt. Khi được hỏi muốn đặt họ gì, một phụ nữ trong bản lên tiếng: “Ta là con cháu Bác Hồ, nên ta sẽ lấy họ “Hồ”. Mọi người cùng nhất trí. Vậy là kể từ ngày đó họ “Hồ” trở thành họ chung cho bà con người Chứt.

Hồi sinh

Rào Tre thời điểm năm 2001 chỉ mới có 102 người, 24 hộ, trong đó có 20 hộ đói, 3 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Người dân tộc Chứt gầy guộc, nhỏ thó. Tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 45-55 tuổi, 45% trẻ em suy dinh dưỡng. Lương thực chủ yếu là khoai, sắn hoặc dựa vào trợ cấp lương thực 5kg gạo/người/tháng… Nhưng nay, chỉ sau 10 năm, với sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ ĐBP 575 và tổ công tác Rào Tre của ĐBP 575 cắm chốt tại bản Rào Tre, tộc người Chứt hôm nay đã thực sự hồi sinh. Đại úy Trần Tử Phượng, Tổ phó Tổ công tác Rào Tre của ĐBP 575, cắm chốt tại bản Rào Tre suốt gần 7 năm qua, cho biết đến nay tổng diện tích đất sản xuất của bản là 4ha, đất ở 3ha, toàn bản có 31 hộ dân, trên 150 nhân khẩu. 100% hộ đã có ti vi, đầu đĩa, con em trong độ tuổi đều được đến trường, đặc biệt Hồ Kham và Hồ Thị Xuân đang là sinh viên Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Rào Tre đã xóa xong nạn mù chữ.

Bộ mặt bản Rào Tre giờ thay đổi diệu kỳ. Con đường đất đỏ bùn nhão nhoét độc đạo năm xưa giờ đây đã được trải thảm nhựa, bê tông hóa kiên cố thẳng vào đến tận cuối bản; hệ thống điện, đường, trường, nước sạch, trạm y tế quân dân y kết hợp, nhà sàn ngói hóa đã được xây dựng, ruộng đồng đã được cải tạo chuyển đổi sang sản xuất 2 vụ lúa.

Về bản Rào Tre những ngày này, phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn những ruộng lúa vàng ươm, trĩu hạt sắp vào vụ thu hoạch, chúng tôi thực sự cảm nhận được sức sống mới nơi đây. Bà con cảm ơn bộ đội đã làm cho dân bản sáng được cái bụng, sáng được cái mắt, cái đầu rồi…

Trung tá Võ Hồng Hải, Đồn trưởng ĐBP 575, cho biết từ năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ thêm cho bà con dân tộc Chứt, bản Rào Tre số tiền 100.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Ngoài ra, trong năm 2011 này, ĐBP 575 cũng đã vận động, kêu gọi các tổ chức hỗ trợ cho dân tộc Chứt 174 triệu đồng cùng nhiều lương thực, vật dụng gia đình. Tuy nhiên, hiện nay do số hộ dân và nhân khẩu của dân tộc Chứt tại bản Rào Tre đang tăng lên, trong khi đó diện tích đất sản xuất và đất ở rất hạn hẹp, đa phần là núi rừng. Vì vậy, ĐBP 575 đang kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép được mở rộng diện tích để giãn dân và hỗ trợ kinh phí để xây dựng bờ rào giúp bà con tự trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc ngay trong vườn của mình...

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục