Người dân được tham gia, chia sẻ thành quả phát triển dọc bờ sông Sài Gòn

Triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, TPHCM đã xây dựng 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 khu vực dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn từ huyện Hóc Môn tới huyện Củ Chi, theo hướng xây dựng nơi đây thành khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn ven sông. 

Từ năm 2017, TPHCM đã tổ chức kêu gọi đầu tư thực hiện 10 đồ án quy hoạch này theo tinh thần người dân được tham gia, chia sẻ thành quả của quá trình phát triển. Đây là tin vui đối với người dân ở đây. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM đang tiến hành điều chỉnh lại Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020… Như vậy, tinh thần thực hiện quy hoạch trên có gì thay đổi? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng kế hoạch huy động vốn, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án trong khu vực 10 đồ án quy hoạch (do UBND TPHCM thành lập), về nội dung này.

Những khu đất trồng rau, quả quy mô lớn tại xã Phạm Văn Cội (gần sông Sài Gòn)
có thể phát triển du lịch trải nghiệm, dã ngoại                              Ảnh: CAO THĂNG
 Nhà nước hỗ trợ người dân


°Phóng viên:
Thưa ông, người dân sống dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn từ huyện Hóc Môn đến huyện Củ Chi, rất muốn biết chủ trương thực hiện 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 có gì thay đổi?

°Ông Nguyễn Thanh Toàn:
Tổ công tác xây dựng kế hoạch huy động vốn, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án trong khu vực 10 đồ án quy hoạch vẫn đang tiến hành nhiệm vụ được giao. Vừa qua, tổ đã có báo cáo gửi UBND TPHCM về kết quả hoạt động. Theo đó, tổ đã khảo sát thực tế cảnh quan 2 bên bờ sông thuộc địa phận TPHCM và tỉnh Bình Dương. Thực tế cho thấy nơi đây còn khá tự nhiên, chưa có sự can thiệp nhiều của quá trình đô thị hóa. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu với mảnh vườn trồng cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, dâu… hoặc cây rau ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản. Thực tế này rất thuận tiện cho việc khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng, phát triển du lịch sinh thái và giữ lại mảng xanh làm lá phổi cho thành phố. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, có thể phải xử lý lại phần diện tích của lục bình lấn chiếm nhưng phải tính toán kỹ để vẫn giữ được mảng xanh, giữ được nguồn nguyên liệu cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp (lục bình là nguồn nguyên liệu chính cho người dân ở đây làm giỏ, đan bình…) bởi tất cả tạo nên không gian hấp dẫn cho mảnh đất này. Đến thời điểm này, UBND TPHCM vẫn chưa có chỉ đạo gì khác. Do vậy, tinh thần thực hiện đồ án quy hoạch theo hướng người dân được tham gia, chia sẻ thành quả vẫn không thay đổi.

° Như vậy, có nghĩa người dân ở đây sẽ không phải di dời, giải tỏa khi nhà nước thực hiện 10 đồ án quy hoạch này?                                                                                                                  
°Người dân sẽ được mời góp sức, góp đất đai… cùng nhà đầu tư thực hiện dự án. Chưa hết, họ còn được nhà nước hỗ trợ vốn, kinh nghiệm để khai thác du lịch. Do vậy, họ sẽ không phải từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa của mình. Tinh thần thực hiện quy hoạch này được làm đúng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đó là người dân tại chỗ phải được hưởng lợi đầu tiên.

Kiến nghị đầu tư mạnh giao thông

° Nhưng như nhiều làng xã nông thôn, nhiều người dân ở dọc 2 bờ sông Sài Gòn thuộc huyện Hóc Môn và Củ Chi sống tản mác, đường làng quanh co… liệu có hấp dẫn nhà đầu tư khi phải làm đường lòng vòng, dẫn đường ống nước đi xa…?

°Không thể xây dựng ở nông thôn theo kiểu “ô bàn cờ” như trong nội đô thành phố. Hơn nữa, với xu thế “du lịch trải nghiệm” hiện nay, du khách rất thích những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những ngôi nhà xa xa… ở khu vực nông thôn. Tất nhiên, sẽ không có hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư nếu phải đầu tư rộng như vậy, nên Tổ công tác đã nghiên cứu và đề xuất nhà đầu tư chỉ làm những tuyến đường chính. Còn đường nhánh sẽ dần hình thành một khi cuộc sống người dân nơi đây đã được nâng lên. Lúc đó, nhà nước và nhân dân sẽ hợp tác để cùng làm.

°Một trong những lý do mà hai huyện Củ Chi và Hóc Môn chưa phát triển như nhiều khu vực khác của thành phố là giao thông không thuận lợi. TPHCM đã có định hướng phát triển du lịch ở khu vực này, gắn với di tích địa đạo Củ Chi và nhiều làng nghề ở đây, nhưng cũng gặp khó vì hạn chế về giao thông. Trong bối cảnh này, làm gì để khu vực dọc bờ sông Sài Gòn phát triển du lịch?

°Tổ công tác đã báo cáo UBND TPHCM về những hạn chế trong kết nối giao thông tại khu vực này. Theo đó, tỉnh lộ 15, trục chính của huyện Củ Chi, hiện hữu không đủ rộng, mặt đường xuống cấp. Các tuyến đường nhánh hẹp, đa phần là đường đất hoặc cấp phối đá, quy mô chỉ 1 - 2 làn xe. Các dự án mở rộng tỉnh lộ 8 và 9 đã được ghi vốn nhưng tiến độ đầu tư còn chậm. Về đường thủy, các tuyến kè dọc sông Sài Gòn, hệ thống cống ngăn triều, cầu tàu du lịch… đang được xây dựng. Hiện đã có một số đơn vị khai thác du lịch đường sông nhưng nhiều cầu đường bộ có tĩnh không thấp nên đã hạn chế đáng kể việc tiếp cận cảnh quan thiên nhiên và nhà vườn nơi đây của du khách. Tổ công tác đã kiến nghị UBND TPHCM sớm có chủ trương tháo điểm nghẽn này.

° Câu hỏi cuối thưa ông, TPHCM đã xúc tiến kêu gọi đầu tư thực hiện 10 đồ án quy hoạch này từ năm 2017, đến nay đã có nhà đầu tư nào tham gia?

° TPHCM đã có nhiều hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư cả trong và ngoài nước cho khu vực dọc sông Sài Gòn. Tinh thần là sẽ có những ưu đãi cho các nhà đầu tư nhưng cụ thể như thế nào đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM xây dựng.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở HUYỆN CỦ CHI
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng có Khu di tích Bến Dược thu hút du khách, do vậy đã đề xuất khu này trở thành một quần thể di tích - tưởng niệm và du lịch. Có thể khai thác thêm cảnh quan của rừng cao su ở đây hấp dẫn du khách thưởng ngoạn. Trên địa bàn xã An Phú có nhiều kênh, rạch và hiện có điểm du lịch khá hấp dẫn do HTX Một thoáng Việt Nam tổ chức. Trong tương lai, nơi này còn có Thảo Cầm viên mới. Vì thế, nơi đây được đề xuất xây dựng thành khu du lịch sông nước kết hợp tham quan, nghiên cứu khám phá nông nghiệp kỹ thuật cao.
Tại xã An Nhơn Tây có doi đất nhô ra sông rất đẹp, có thể xây dựng các công trình mang điểm nhấn cho toàn vùng. Ngoài ra, có thể đào kênh, làm hồ cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái. Còn hai xã Nhuận Đức và Phú Hòa Đông là nơi có đất hẹp nhất toàn vùng, có đoạn chỉ rộng 150m. Nhưng nơi đây có Nông trường Phạm Văn Cội, Khu du lịch Bến Đình và dân cư khá đông đúc nên có thể phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp phát triển các dịch vụ du khảo, dã ngoại tự sinh tồn. Xã Phú Hòa Đông và một phần xã Trung An có địa thế nhô ra sông Sài Gòn và có rạch Lăng The bao bọc cho tầm nhìn đẹp, có thể phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Hiện nơi đây đã có làng nghề hoa cây kiểng của HTX Quang Hà và Khu di tích lịch sử Gò Môn. Xã Hòa Phú có nhiều trung tâm dịch vụ công cộng, nhiều đình chùa với dân cư khá đông đúc nên có thể phát triển khu dân cư nhà vườn kết hợp với các khu dân cư hiện hữu. Xã Bình Mỹ có nhiều cụm dân cư nông thôn, vì thế sẽ tập trung phát triển các khu dân cư này kết hợp với các nhà vườn mới. 

Tin cùng chuyên mục