Người dân lúng túng phân loại rác tại nguồn

Ngày 24-11, ngày đầu tiên Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND TPHCM ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM chính thức có hiệu lực. Nhiều địa phương đã gấp rút đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai quy định để người dân thực hiện. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. 

Mọi loại rác vẫn dồn chung một mối

Rảo một vòng trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh vào sáng ngày 24-11, PV ghi nhận công tác phân loại rác, thu gom rác chưa có sự chuyển biến so với những ngày trước.

Ngay góc đường Nguyễn Thiện Thuật (giao lộ Nguyễn Thiện Thuật - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) là 4 chiếc cần xé chứa rác. Bên trong cần xé nào bịch ni lông, trái cây hư, lưới xốp bọc trái cây và chai nhựa. Chừng vài phút, nhân viên cửa hàng trái cây tươi gần đó lại thảy ra một mớ rác gồm đủ loại như vậy vào cần xé.

Còn ngay phía trước cửa số nhà 610 đường Điện Biên Phủ, phường 11, quận 3, chúng tôi cũng thấy nhiều bịch rác có màu vàng, đỏ, đen, trắng, xanh được chất trên vỉa hè.

Quan sát trong bịch, chúng tôi thấy phía trong mỗi bịch rác đều có đủ loại đồ phế thải, từ khăn vải, túi ni lông, gốc rau, chai nhựa, bịch xốp, mảnh chén vỡ… được trộn chung một bao.

Người dân lúng túng phân loại rác tại nguồn ảnh 1 Thu gom rác thải phân loại tại nguồn ở quận 1. Ảnh: CAO THĂNG
Trong khi đó, lực lượng thu gom rác dân lập vẫn sử dụng chiếc thùng kéo cũ kỹ, được gia cố lại với các tấm gỗ chắn xung quanh nhằm chứa thêm được nhiều rác. Xe cũng không có dòng chữ về loại rác thu gom.

Khi đưa rác lên xe, người công nhân nhanh tay xé bao ra để rác lấp đều các khe. Tuyệt nhiên không có sự phân loại rác ngay từ hộ gia đình đến đơn vị thu gom. 

Hỏi về quy định phân loại rác tại nguồn, bà Phạm Thị Lý (ngụ quận 3) băn khoăn: “Tôi đọc báo thấy quy định người dân phải phân loại rác, nếu không sẽ bị phạt đến mấy chục triệu. Nhưng sáng giờ đi tập thể dục qua mấy tuyến đường, tôi thấy người dân đem rác ra bỏ ngoài vỉa hè có phân loại gì đâu. Ngay cả mấy người thu gom cũng vẫn bỏ chung một xe. 

Hầu hết rác tại các con hẻm đều do lực lượng thu gom rác dân lập phụ trách. Khảo sát của nhóm PV tại các hộ dân khu vực phường 4, phường 8 (quận 4) đến ngày 24-11, hầu hết người dân vẫn chưa biết đến quy định phân loại rác tại nguồn cũng như quy chế xử phạt.

Bà Tố Nga, ngụ hẻm 243 đường Hoàng Diệu, cho biết chưa nghe chính quyền phổ biến về quy định này. Lâu nay, gia đình bà vẫn dùng các túi ni lông gói rau khi đi chợ về để đựng rác.

“Các loại rác tôi vẫn để chung 1 túi. Giờ nếu bắt phân loại thì phải có hướng dẫn thế nào, chứ nếu áp liền bắt thực hiện rồi xử phạt thì tôi biết phải làm sao”, bà Nga bày tỏ. Ngoài ra, bà Nga cũng cho rằng, những người thu gom rác trong khu vực là hệ thống rác dân lập, bà thường thấy họ lấy rác xong thì xé bao ra để trộn lẫn các loại rác.

Tại khu phố 8, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, chúng tôi quan sát có nhà xách ra ngoài 2 bịch rác khác màu nhưng cũng có nhà rác thải sinh hoạt được gom chung một bịch. Chị Nguyễn Kiều Trang (ngụ đường Tên Lửa) phân vân: “Bữa trước cán bộ phường xuống tận nhà tôi hướng dẫn phân loại rác thành 2 nhóm, phát cả túi đựng để phân biệt, nhưng bữa nhớ thì bỏ riêng, bữa quên thì lại gom chung”.

Cần tăng cường tập huấn

 Đánh giá về ngày đầu Quyết định 44 có hiệu lực, ông Quách Kiều Long, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quận 3, cho biết, ngay từ khi nhận được quyết định, Phòng TN-MT quận đã triển khai xuống các phường nhưng tình hình chưa chuyển biến nhiều.

“Ngay ngày đầu tiên, các phường cũng ra quân kiểm tra, giám sát công tác phân loại rác ở các khu dân cư và công tác thu gom rác ở các đơn vị thu gom nhưng đúng là hiệu quả chưa được như mong muốn. Nhiều hộ vẫn chưa thực hiện phân loại rác nhưng trước mắt lực lượng các phường chỉ nhắc nhở người dân chứ chưa xử phạt ngay. Nếu cố tình vi phạm thì sẽ áp dụng chế tài theo quy định. Với quyết định này, địa phương và người dân cần có thêm thời gian mới thực hiện đồng bộ được” - ông Long cho biết.

Theo ông Nguyễn Công Chiến, Trưởng phòng TN-MT quận Phú Nhuận, từ năm 2017, quận đã thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường 11. Đến năm 2018 thì thêm phường 2, 8 và 12 thực hiện. Vận động có, kêu gọi có, tuyên truyền có nhưng đến hôm nay, kết quả phân loại rác vẫn chưa cao.

Người dân lúng túng phân loại rác tại nguồn ảnh 2 Rác thải được phân loại tại nguồn ở quận Tân Phú. Ảnh: CAO THĂNG
“Cái khó nhất vẫn là làm sao để người dân hiểu ý nghĩa của việc phân loại rác và nâng cao ý thức thực hiện. Do đó, vai trò của các tuyên truyền viên tại các tổ dân phố rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác theo mẫu quy định. Như hiện nay, phương tiện thu gom của lực lượng rác dân lập vẫn còn rất thô sơ, tôi cho rằng cần đẩy nhanh giải quyết các vấn đề từ gốc”, ông Chiến đánh giá. 

Về kết quả phân loại rác, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) đã có tín hiệu vui khi 3 khu phố trên địa bàn thực hiện phân loại rác tại nguồn thì có 1 khu phố đạt 70% - 80%, 2 khu phố còn lại đạt trên 50%.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B cho biết, Quyết định 44 có hiệu lực thì phường vẫn chưa trở tay kịp bởi trong quá trình triển khai, được sự thống nhất của Sở TN-MT và quận Bình Tân, phường Bình Trị Đông B tuyên truyền và hướng dẫn người dân phân loại rác theo 2 nhóm (rác hữu cơ và rác vô cơ).

Nhưng theo Quyết định 44 thì thành phố yêu cầu phân 3 nhóm (nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy; nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải còn lại), như vậy hướng dẫn trước đây của phường và của thành phố chưa khớp nhau.

Để thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, phường chưa áp dụng Quyết định 44 vội mà đang chờ được tập huấn thêm, đồng thời để phường có thời gian xây dựng lại kế hoạch tuyên truyền cho phù hợp.

Quyết định 44/2018 của UBND TPHCM có hiệu lực từ 24-11. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM có hoạt động phát sinh chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo điều khoản chuyển tiếp thì UBND quận, huyện triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo lộ trình quy định tại Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1832/QĐ-UBND. Như vậy, hiện tại, Quyết định 44 có hiệu lực đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị thu gom rác ở những địa điểm mà các quận đã triển khai thực hiện phân loại rác. Lộ trình đến năm 2020, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai trên toàn địa bàn TP.

Tin cùng chuyên mục