Người đàn ông liệt toàn thân vì ăn so biển

Sau khi ăn ít giờ, ông D.H. bắt đầu thấy có dấu hiệu khó thở, tê môi, lưỡi, miệng, mặt, chân tay và khó nói, khó thở.

Ngày 5-10, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc nguy hiểm tới tính mạng do ăn con so biển.

Bệnh nhân là ông D.H. (50 tuổi, ở Cát Bà, Hải Phòng) được Bệnh viện Cát Bà chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, liệt toàn thân, suy hô hấp nặng do liệt, phải thở bằng máy, đồng tử 2 bên giãn 6mm.

Theo người nhà bệnh nhân, trước khi được đưa vào Bệnh viện Cát Bà, ông D.H. đã ăn một con so biển to bằng bát ăn cơm, sau đó ít giờ, ông D.H. bắt đầu thấy có những dấu hiệu khó thở, tê môi lưỡi, miệng, mặt, chân tay và khó nói, khó thở. Ngay sau đó, ông D.H. được gia đình đưa tới cấp cứu ở Bệnh viện Cát Bà nhưng tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi nên các bác sĩ tại đây đã phải chuyển nam bệnh nhân này lên tuyến trên.

Sau khi được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân D.H. đã được các bác sĩ cho thở máy và áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân D.H. dần hết liệt, có thể tự thở và khá tỉnh táo. 

Người đàn ông liệt toàn thân vì ăn so biển ảnh 1 Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân D.H.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân D.H. đã bị ngộ độc chất Tetrodotoxin trong con so biển. Đây là một chất độc tố thần kinh rất độc, không bị ảnh hưởng, hay phân hủy qua quá trình đun nấu. Sau khi ăn vài phút đến vài tiếng, bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm thấy rối loạn cảm giác, tê môi, lưỡi, và chân tay. Nếu không được cấp cứu sớm, người bệnh có thể liệt toàn bộ cơ thể, giãn đồng tử, liệt các cơ quan hô hấp, suy hô hấp, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.

Các bác sĩ cũng cho biết, chất độc Tetrodotoxin phổ biến ở cá nóc nhưng cũng có ở nhiều loài sinh vật khác như: so biển, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, một số loài ốc biển… Do đó, để không bị ngộ độc do ăn các loài sinh vật biển lạ gây ra, người dân không nên ăn các loài sinh vật không rõ về thành phần để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trước tình trạng nhiều người bị ngộ độc rất nguy kịch do ăn con so biển vì nhầm lẫn với con sam biển, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cảnh báo:

Con sam (tên khoa học là Tachypleus tridentatus) có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng 20cm, dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Loài sam luôn luôn đi đôi. Người dân sáng sớm đi dọc bờ biển thường bắt được những vợ chồng sam, con đực lúc nào cũng bám chặt cứng vào lưng con cái, không chịu rời. Họ bắt sam để lấy trứng ăn là chính vì đây là thức ăn ngon và bổ dưỡng.

Người đàn ông liệt toàn thân vì ăn so biển ảnh 2 Phân biệt con sam và con so

Con so biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotunicauda) có hình dáng rất giống con sam nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ đi một mình. So biển là một con vật độc, gây chết người vì có chứa chất Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Chất độc này không bị nhiệt phá hủy, chịu được nhiệt độ cao, nên dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô, chất độc vẫn tồn tại.

Tin cùng chuyên mục