Người đi bộ khó đi đúng luật

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), người đi bộ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù đến 15 năm. Tuy nhiên, thực tế đang có tình trạng bất cập: Hệ thống cầu đường nhiều nơi không đảm bảo cho người đi bộ có thể đi đúng Luật Giao thông đường bộ.
Phần lề đường dành cho người đi bộ trên cầu Nguyễn Tri Phương đang bị phá bỏ để mở rộng lòng đường, người đi bộ không còn lối đi qua cầu
Phần lề đường dành cho người đi bộ trên cầu Nguyễn Tri Phương đang bị phá bỏ để mở rộng lòng đường, người đi bộ không còn lối đi qua cầu
Nỗi khổ của người đi bộ
Vòng quanh một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM sẽ thấy người đi bộ thật khó đi đúng luật. Anh Nguyễn Hữu Nam đang đứng chờ đèn xanh ở giao điểm Phan Văn Trị - Nơ Trang Long - Chu Văn An (quận Bình Thạnh) than: “Đường Phan Văn Trị luôn quá tải vì xe cộ đông đúc. Trong khi đó, nhiều vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị chiếm dụng để buôn bán, đậu xe, nên nhiều khi người đi bộ phải bất đắc dĩ đi dưới lòng đường”. Anh Nam chỉ cho chúng tôi căn nhà không xa giao lộ xây dựng lấn ra chiếm toàn bộ vỉa hè. Những người đi bộ đến đây không còn chỗ đi, phải liều mạng bước ra lòng đường. Qua đường Chu Văn An việc đi bộ càng gian nan hơn. Mấy năm trước, con đường này đã được nâng cấp mở rộng, nhưng vẫn còn chừng 500m bị treo, tạo thành nút cổ chai chật hẹp, hoàn toàn không có vỉa hè. Người đi bộ phải chen chúc cùng xe máy, ô tô, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Ở khu vực trung tâm thành phố, hệ thống đường sá được chăm chút đầu tư hơn, nhưng nguy cơ mất an toàn đối với người đi bộ vẫn treo lơ lửng. Chị Nguyễn Thị Hòa, bán hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), cho hay: “Ở khu vực trung tâm, vỉa hè dành cho người đi bộ vốn đã hẹp lại bị chiếm dụng cho nhiều mục đích. Nhiều vỉa hè được kẻ vạch, chia đôi để phân định chỗ dựng xe, chừa lại lối đi cho người đi bộ, nhưng không ít hàng quán vẫn chiếm dụng cả vỉa hè làm bãi xe cho riêng mình. Sau khi hạ ngầm các cáp  điện, viễn thông, trên vỉa hè lại xuất hiện rất nhiều tủ điện, tủ cáp cản trở lối đi, có niêm yết những dòng chữ cảnh báo rợn người: “Không được đến gần”, “Nguy hiểm chết người”, do vậy cách lựa chọn duy nhất của người đi bộ là bước xuống lòng đường. 
Những rủi ro đối với người đi bộ có khi lại xuất phát từ chính cách làm chưa hợp lý của ngành giao thông vận tải. Nhiều cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không có lề cho người đi bộ. Cầu Nguyễn Văn Cừ nối các quận 1, 4, 5, 8, xây dựng quy mô lớn nhưng cũng không có lề cho người đi bộ và còn có biển cấm đi bộ qua cầu. Nhưng nếu không qua cầu thì người đi bộ không có đường đi. Cầu Nguyễn Tri Phương nối quận 5 với quận 8 đang được thi công phá bỏ phần lề đường 2 bên để mở rộng lòng cầu, không còn chỗ cho người đi bộ qua cầu…
Trách nhiệm không riêng người đi bộ 
Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung tâm Tư vấn pháp luật), với tình trạng tai nạn giao thông gây chết người như hiện nay, việc xử phạt tù nặng đối tượng gây tai nạn giao thông, trong đó có cả người đi bộ là hợp lý. Trong mỗi vụ tai nạn giao thông, cụ thể cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân. Đối với những vụ tai nạn do người đi bộ gây ra nhưng có nguyên nhân từ yếu tố khách quan, như vỉa hè bị bóp nhỏ, lối đi bị tủ điện, lô cốt chắn ngang, hay do không có biển báo, biển báo mờ… sẽ được làm rõ. Trong những trường hợp như vậy, không chỉ người đi bộ chịu trách nhiệm hình sự, mà các cơ quan đơn vị có liên quan cũng phải liên đới và không tránh khỏi trách nhiệm hình sự. Như vậy, không chỉ người đi bộ mà các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý và sử dụng hệ thống hạ tầng giao thông cũng phải chịu sự điều chỉnh của điều luật này.
Để người đi bộ không bị xử lý hình sự vì không biết, hay rơi vào bẫy trên đường, ngoài việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, các cơ quan có liên quan như ngành giao thông vận tải, cấp nước, điện... phải thấy được trách nhiệm của mình và có biện pháp đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông…

Tin cùng chuyên mục