Người đứng sau những công nghệ hiện đại

Ít ai ngờ rằng, rất nhiều nhà máy sản xuất điện thoại di động trên thế giới hiện nay đang sử dụng thiết bị, dây chuyền có xuất xứ từ Việt Nam, do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và sản xuất. Điều hành công ty là chị Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, sinh năm 1976, trước đó đã có hơn 10 năm làm việc “trái nghề” cho hãng Nike tại Việt Nam. 
Chị Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang bên hệ thống dây chuyền sản xuất các thiết bị đa năng tại Công ty ITO Việt Nam
Chị Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang bên hệ thống dây chuyền sản xuất các thiết bị đa năng tại Công ty ITO Việt Nam

“Nếu không có gì thay đổi, trong năm 2020, chúng tôi sẽ cho ra đời và xuất khẩu trên 40 dây chuyền tự động về smartphone cho đối tác sản xuất điện thoại di động có thương hiệu hàng đầu trên thế giới hiện nay. Dây chuyền này do kỹ sư Việt Nam thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế - mang thương hiệu Việt Nam, có trị giá hàng trăm triệu USD”, chị Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty ITO Việt Nam, mở đầu câu chuyện chinh phục thế giới công nghệ sản xuất smartphone.

Cái giá của việc đặt cược

“Các kỹ sư của chúng tôi làm việc đến 1 hay 2 giờ sáng, không chỉ bằng trách nhiệm, mà cả lòng đam mê. Nhiều khi, họ quên rằng phía sau còn cả một gia đình… Bởi vậy, hàng tháng công ty đều tổ chức sinh nhật và hàng năm tổ chức du lịch cho các gia đình, gặp gỡ với người thân của nhân viên để qua đó hiểu, gắn kết với nhau nhiều hơn”, chị Trang nói.

Ngày bình thường ở ITO Việt Nam có khoảng 40 kỹ sư làm việc, nhưng khi vào “mùa”, con số này tăng lên hàng trăm. Để đảm đương được công việc, đội ngũ kỹ sư của công ty thường xuyên được đào tạo tại Nhật và tham gia các dự án lắp đặt dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại các thị trường trọng điểm trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, các kỹ sư của ITO Việt Nam sử dụng tiếng Anh kỹ thuật thành thạo và luôn học hỏi những công nghệ mới. “ITO Việt Nam rất tự hào khi có một đội ngũ kỹ sư Việt Nam tài năng và cũng là số ít người tại Việt Nam am hiểu về công nghệ ACF”, chị Thùy Trang cho biết. 

Ít ai ngờ rằng, rất nhiều nhà máy sản xuất điện thoại di động trên thế giới hiện nay đang sử dụng thiết bị, dây chuyền có xuất xứ từ Việt Nam, do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và sản xuất. Điều hành công ty là chị Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, sinh năm 1976, trước đó đã có hơn 10 năm làm việc “trái nghề” cho hãng Nike tại Việt Nam. 

Khi không còn làm cho Nike, chị chuyển sang set-up cho những tập đoàn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một trong những tập đoàn đó là NNR (công ty đứng thứ 4 của Nhật có 153 chi nhánh trên thế giới). Chính lãnh đạo cao cấp của NNR đã kết nối chị với lãnh đạo cao cấp của ITO toàn cầu để đưa ITO vào thị trường Việt Nam. “Buổi gặp gỡ này đã chuyển tôi sang một lĩnh vực đầy tính công nghệ, thường chỉ dành cho nam giới”, chị Thùy Trang kể lại. 

Vào năm 2012, ITO Việt Nam được thành lập. Khi ấy, chị Thùy Trang kiến nghị với lãnh đạo ITO toàn cầu: “Nếu mục tiêu chỉ giới thiệu công nghệ… sẽ khó thành công, vì dây chuyền sản xuất trị giá hàng triệu USD, rất khó tìm khách hàng. Tôi đề nghị ITO Việt Nam sẽ thiết kế và sản xuất máy móc công nghệ cao thay thế dần cho máy móc đã và đang sản xuất tại Nhật Bản”. 

Chị Trang đặt cược, nếu không thành công như đề xuất, chị sẽ không nhận lương 1 năm. Câu hỏi của chị: “Người Việt Nam có khả năng làm việc và lãnh đạo không thua kém người Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản; người Việt có thể ngồi cùng một cuộc tọa đàm với các nước, vậy sao các ông không chọn người Việt?”, đã khiến cho lãnh đạo cao cấp của tập đoàn này bị thuyết phục. 

Chọn “Yes” chứ không chọn “No”

Chị Thùy Trang không thể giỏi như các kỹ sư trong lĩnh vực chuyên môn, nhưng lại vượt trội ở khả năng gánh vác. Năm 2014, ITO Việt Nam đứng trước thử thách sống còn. Khi ấy ITO Nhật Bản cần cung cấp cho khách hàng dây chuyền sản xuất di động mới, ngay phía Nhật Bản cũng chưa nhận đơn hàng nhưng ITO Việt Nam quyết định nhận. “Mình nói No thì xem như đóng cửa ITO Việt Nam; còn mình nói Yes thì đây là cơ hội thể hiện trình độ”, chị Trang tâm sự. Sau đó, dự án đã hoàn thành trước thời hạn cả tháng. 

Trước năm 2012, ITO Việt Nam chỉ làm các máy chuyên lắp ráp camera cho điện thoại di động. Điều này đặt ra thách thức: nếu hoạt động mà không được tự chủ, tự quyết thì những kiến thức, kỹ năng của kỹ sư được trau dồi ở các nước có nền công nghệ tiên tiến sẽ lãng phí. “Thế là chúng tôi đề nghị ITO toàn cầu để cho ITO Việt Nam hoạt động độc lập, cạnh tranh sòng phẳng với các công ty ITO ở các quốc gia khác trong các dự án”, chị Trang quyết liệt và chính nhờ vậy ITO Việt Nam đã có bước ngoặt, giành được quyền sản xuất dây chuyền làm điện thoại di động thế hệ mới. 

Hiện các hệ thống sản xuất điện thoại di động của ITO Việt Nam xuất đi khắp thế giới, ít người biết rằng, nó được sản xuất tại Việt Nam. Có những đơn hàng, phía công ty không làm kịp, phải kết hợp với đối tác phía Nhật để cùng sản xuất cho đúng thời hạn. Nhớ lại câu chuyện, trước đây, khi Microsoft mua lại Nokia, trong đó có dây chuyền sản xuất điện thoại di động; dây chuyền này sau đó lại chuyển về Việt Nam để sản xuất. Máy móc đó đã được kỹ sư ITO Việt Nam sản xuất, đi loanh quanh rồi trở về với nơi đã tạo ra nó. Còn hiện nay, phía tập đoàn Vingroup đã có những liên hệ với ITO Việt Nam để đặt các vấn đề liên quan đến một vài công nghệ trong sản xuất xe hơi Vinfast và nhà máy sản xuất smartphone Vsmart. “Đây cũng là minh chứng cho hiệu quả của tự chủ - tự quyết, tôi nghĩ vậy!”, chị Thùy Trang nói đầy tự tin.

Phụ nữ có những đức tính như sự cẩn trọng, nhẹ nhàng và cả sự kết nối. Những đức tính này được thể hiện ở việc, mỗi lô hàng vận chuyển đến cảng hàng không để giao cho khách hàng, đều do những nữ nhân viên đảm nhiệm. Sự cẩn trọng, nhẹ nhàng của giới nữ đã góp thêm những giá trị, tạo nên chất lượng dịch vụ và cũng thể hiện sự nữ tính trong điều hành công việc của chị Trang. Nhà máy của ITO Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện dây chuyền sản xuất điện thoại di động linh động, dây chuyền này có thể thực hiện thêm những công đoạn sản xuất khác ngoài điện thoại di động. Không ồn ào, không căng thẳng, mà chỉ có những lời trao đổi, những thao tác chuẩn xác trên hệ thống khá êm tai. 

Tại phòng trưng bày các thiết bị mini do kỹ sư chế tạo, chị Trang giới thiệu từng chi tiết của hệ thống: “Đây là máy bắn vít tự động, máy sửa màn hình điện thoại di động…”. Trước chiếc máy quét keo tự động, chị Trang nói: “Quét keo là công đoạn độc hại nhất nên nếu có máy làm thay con người thì tốt hơn… Hệ thống máy quét keo tự động này lại không phải của Nike mà của một tập đoàn giày thể thao khác tại Việt Nam đang ứng dụng. Tôi cũng mong sau này Nike cũng đặt ITO Việt Nam làm nhiều thứ khác, tốt hơn cho sức khỏe công nhân”. 

Trong nền kinh tế toàn cầu, chỉ những thương hiệu nổi tiếng mới được quan tâm. Thế nhưng, quyết định của chị Trang cùng những kỹ sư Việt đã tạo nên những cái mới, thỏa mãn đam mê, đưa trình độ công nghệ Việt hòa vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đáp ứng tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin cùng chuyên mục