Người giữ bản khế ước viết bằng chữ Lai Pao

Người giữ bản khế ước viết bằng chữ Lai Pao

Ngôi nhà nhỏ khiêm nhường giữa phố núi Hòa Bình, huyện Tương Dương (Nghệ An) chẳng có gì nổi bật so với những ngôi nhà khác, nhưng ít ai ngờ rằng chủ nhân của ngôi nhà đó đang giữ một cổ vật quý giá - bản khế ước được viết bằng chữ Lai Pao, có thể chỉ còn lại duy nhất ở Việt Nam. Và cả vùng này, có lẽ chỉ còn ông là người duy nhất đọc được loại chữ cổ của dân tộc mình. Đó là ông Lô Văn Thoại.

  • Cổ vật để lại

Người giữ bản khế ước viết bằng chữ Lai Pao ảnh 1

Ông Thoại may mắn hơn một số bạn bè cùng lứa sinh ra cùng bản, ông được theo cha về Vinh học tiểu học. Và có lẽ cuộc đời ông sẽ rẽ sang hướng khác nếu như một ngày cha ông, cụ Lô Văn Liệu không được điều về quê nhận nhiệm vụ của cách mạng giao và sau này từng là đại biểu Quốc hội khóa I.

Trở lại bản Lả nơi ông chào đời nằm cheo leo bên dòng Nậm Nơn thuộc xã Lượng Minh, hành trang là kiến thức của một chàng học trò đang học dở lớp đệ nhất của Trường Quốc học Vinh và trở thành ông giáo bản.

Cách mạng Tháng Tám thành công, các lớp bình dân học vụ phát triển khắp nơi, cũng như rất nhiều trí thức thời ấy, ông tích cực tham gia phong trào xóa mù chữ cho bà con các dân tộc vùng cao Tương Dương. Duyên nợ của ông với chữ này bắt nguồn từ người cha, lúc bấy giờ cụ Lô Văn Liệu, là Chủ tịch UB hành chính huyện Tương Dương.

Trong một lần đi công tác, tình cờ gặp một văn bản viết bằng một loại chữ rất lạ, linh cảm đây là chữ Thái cổ, chữ mà thời trước vẫn hay dùng, cụ bấm bụng mua với cái giá gần 20 lạng bạc.

Mua về nhưng bất lực, vì hỏi khắp nơi không ai đọc được thứ chữ ngoằn ngoèo như giun dế. Ngày ấy người Thái ở Tương Dương nghèo lắm, để dạy được chữ quốc ngữ, nói được tiếng Kinh đã khó, nói gì đến chữ Thái. Ông đành cất giữ với tâm nguyện khôi phục lại chữ Thái cổ, ông gửi gắm tất cả vào đứa con trai đầu của mình.

Ông Thoại kể cho chúng tôi nghe chuyện tìm thầy học chữ không hề đơn giản của mình. Nghe mọi người nói rằng cả huyện Tương Dương lúc đó chỉ còn ông Hương Uẩn ở xã Yên Na là còn đọc được chữ Lai Pao. Thế nhưng chưa kịp tìm đến thì ông nghe tin ông Hương Uẩn đã qua đời. Một lần rất tình cờ, nghe nói có một người ở xã Nga My còn biết đọc, ông lội bộ hai ngày đường lên xã Nga My, may mắn gặp được ông May Liêu.

Ông May Liêu hơn ông 2 tuổi nhưng biết đọc chữ cổ, trở thành vị cứu tinh đã giúp ông những bước đầu tiên học chữ này. Theo ông, chữ Lai Pao ít người biết đọc, biết viết nhưng nếu tìm được người dạy thì học nó không khó lắm. Chỉ qua mấy lần nghe May Liêu đọc và ghi chép cẩn thận ông đã có thể đọc được nội dung ghi trong tờ văn bản cổ. Đấy là một bản khế ước có nội dung ghi chép về một vụ buôn bán đất, có từ thời vua Tự Đức.

  • Lai Pao về đâu?

Ông Thoại cẩn thận kéo từ trong ống gỗ những tờ giấy đã bạc màu nhưng còn rất nguyên vẹn đưa cho chúng tôi xem “di vật” hết sức quý của gia đình ông. Ông kể: Bản thân mình lúc tìm thầy học chữ Lai Pao cũng nghĩ đơn giản là học để biết thôi. Nó chỉ trở nên quan trọng khi một người đàn ông mang quốc tịch Pháp cùng một người Việt Nam tìm đến nhà ông ở bản Lả cách đây 10 năm.

Sau này ông mới biết người Việt ấy là giáo sư Trần Trí Dõi, Trưởng khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, còn người ngoại quốc chính là giáo sư Michael Ferlus, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Paris. Sự gặp gỡ này đối với ông Thoại là rất ngẫu nhiên, còn với 2 vị giáo sư là cả một chặng đường dài tìm kiếm vất vả.

Vị giáo sư từ nước Pháp xa xôi lặn lội đến vùng núi Nghệ An với mong muốn nghiên cứu tiếp công trình dang dở về chữ Thái mà vị cha cố Theodore Guignad ghi lại trong cuốn từ điển Lào - Pháp in năm 1912. Kiểu chữ mà vị cha cố biết được trong thời gian đi truyền đạo ở Việt Nam. Giáo sư Trần Trí Dõi cùng ông đã đi khắp các tỉnh miền núi Tây Bắc, các huyện miền núi Thanh Hóa, Nghệ An mà chưa tìm thấy.

Trong lúc tưởng chừng như vô vọng thì những tờ giấy tưởng như vô nghĩa nơi bản làng heo hút bên dòng Nậm Nơn là cả một sự bất ngờ. Tại đây, lần đầu tiên ông gặp kiểu chữ Thái mới lạ, ghi một văn bản cổ, và thú vị nhất là chữ được ghi trên giấy. Chuyến đi ấy đối với 2 người khách xa xôi quả thật rất thành công, sau đó họ còn trở lại một lần nữa. Và bài nghiên cứu về chữ Lai Pao của 2 ông được công bố rất trang trọng trong tạp chí Văn hóa nghệ thuật (số 157, tháng 7-1997).

Ngoài tài liệu trên được công bố, theo một số nhà nghiên cứu khác, chữ Thái ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 10. Do sự giao thoa, phát triển văn hóa khác nhau giữa các vùng, miền nên chữ Thái ở Nghệ An khác với chữ Thái từ Thanh Hóa trở ra. Ở Nghệ An, người Thái vùng phía Tây Nam gọi chữ Thái cổ là “Lai Pao”. Người Thái phía Tây Bắc gọi là “Lai Tay”.

Có người cho rằng Lai không phải là một thể loại văn học dân gian mà có nghĩa là hoa văn bởi chữ Thái viết như những đường nét hoa văn. Hai cách gọi trên tuy có một số yếu tố khác nhau nhưng nhìn chung sai lệch không đáng kể. Cách viết của Lai Pao, Lai Tay giống như cách viết chữ Hán - viết từ trên xuống theo hàng từ phải qua trái. Kiểu chữ quá độ từ kiểu chữ tượng hình của Trung Quốc thành chữ viết theo cách viết chữ Phạn (Ấn Độ), có hệ thống chữ cái rõ ràng.

Trong quá trình phát triển, người Thái đã sáng tạo ra một nền văn hóa chữ viết truyền mãi cho đến ngày nay thể hiện qua các tác phẩm văn học dân gian như: “Lai nộc yểng, Lai khủn chương, Lai lộc mương, Lai khủn bắng…” đều được viết bằng chữ Thái.

Học, nghiên cứu chữ Thái không chỉ đơn thuần để biết văn bản mà còn có ý nghĩa để hiểu biết sâu một nền văn hóa, tính cách, tâm hồn của một dân tộc! Với ông Thoại tưởng như số phận của chữ Lai Pao sẽ thay đổi khi được gặp hai vị giáo sư, nhưng không hiểu sao 10 năm trôi qua tất cả vẫn im lìm. Riêng tờ khế ước cổ của ông cất giữ sau một thời gian được người ta trưng bày tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam nay cũng đã trở về với gia đình.

Ông Thoại luôn trong nỗi trăn trở, liệu một ngày khi ông đi xa thì ai là người còn tiếp tục đọc được chữ Lai Pao. Người con trai cả của ông hiện là Hiệu trưởng Trường PTTHCS Xá Lượng II thấu hiểu hơn ai hết nỗi lòng và những suy nghĩ của cha mình. Ông Thoại buồn rầu tâm sự: Hai cha con cũng có ý định truyền dạy cho nhau, nhưng bao nhiêu công việc phải lo nên ước vọng ấy vẫn chưa thực hiện được.

Ông Thoại giờ mắt không còn tỏ, cái gối đã mỏi nhưng thỉnh thoảng vẫn mày mò đọc lại chữ trong bản khế ước, cẩn thận hơn ông còn ghi lại tất cả chữ và cách phiên âm vào trong một tờ giấy để lỡ quên còn biết mà đọc lại.

Thực tế đáng buồn là “Lai Pao, Lai Tay” ở Nghệ An đang mai một dần. Theo điều tra riêng của chúng tôi, hiện có khoảng 10 cụ già người Thái ở vùng Tây Bắc và còn quá ít người ở vùng Tây Nam của tỉnh này biết đọc chữ Thái cổ.

Sẽ không hiểu trọn vẹn tâm hồn Thái nếu khi viết về họ hoặc khi sống với người Thái mà không biết ít nhiều chữ Thái vì những gì tinh túy nhất, chắt lọc nhất của tính cách tâm hồn người Thái đa số được ghi thành văn bản. Và một dân tộc có chữ viết là một dân tộc văn minh, rất đáng tự hào.

Nhưng điều mà ông Thoại vô cùng sốt ruột là số phận của Lai Pao và cả Lai Tay sẽ theo các cụ thành thiên cổ. Liệu một vài cuốn sách còn lưu giữ trong viện bảo tàng và một vài nhà nghiên cứu có đủ để lại cho mai sau sự hiểu biết và nhu cầu của sự khám phá.

Tin cùng chuyên mục