Người “giữ lửa” nhiều bếp ăn từ thiện

Vượt qua nỗi đau nhiễm chất độc da cam, nữ bác sĩ Phan Thị Kim Túy không chỉ làm tốt công việc của một lương y mà cô còn góp công sức xây dựng nhiều bếp ăn từ thiện tại các cơ sở y tế ở tỉnh Khánh Hòa, để đem đến bữa ăn miễn phí cho hàng triệu lượt bệnh nhân nghèo suốt gần 15 năm qua.
Người “giữ lửa” nhiều bếp ăn từ thiện

Vượt qua nỗi đau nhiễm chất độc da cam, nữ bác sĩ Phan Thị Kim Túy không chỉ làm tốt công việc của một lương y mà cô còn góp công sức xây dựng nhiều bếp ăn từ thiện tại các cơ sở y tế ở tỉnh Khánh Hòa, để đem đến bữa ăn miễn phí cho hàng triệu lượt bệnh nhân nghèo suốt gần 15 năm qua.

Nghị lực phi thường

Cứ vào 9 giờ sáng hàng ngày, những bệnh nhân nghèo điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lại cầm trên tay chiếc phiếu để lấy phần cơm miễn phí từ “bếp ăn từ thiện”. Bàn tay nhanh nhẹn chuyển những phần cơm nóng hổi, dẻo thơm và đầy tình thương đến tay người bệnh nghèo, cô Túy nở nụ cười hiền và luôn động viên từng bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh. Thi thoảng, chuông điện thoại bếp ăn reo lên. Nghe xong, cô Túy hồ hởi khoe có nhà tài trợ đem gạo tới cho. Vậy là bếp ăn lại được tiếp lửa!

Những người từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chắc hẳn ai cũng biết đến bác sĩ Phan Thị Kim Túy, năm nay đã 67 tuổi, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo y tế tỉnh Khánh Hòa. Cô Túy sinh ra tại vùng quê anh hùng Quảng Nam. Từ thuở nhỏ, cô đã nhiều lần theo cha đến các hộ dân trong vùng để gom gạo, gửi ra chiến trường cho bộ đội. Năm 1964, khi chưa đầy 16 tuổi, cô phải “khai man lý lịch” để đủ tuổi tham gia Thanh niên xung phong và được phân công nấu ăn tại Trường Y sĩ Quảng Ngãi. Tại đây, thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là lương thực thực phẩm. Có lần cô Túy phải lội rừng lên tận Kon Tum để xin gạo, mì của dân đem về Quảng Ngãi. Cũng chính ở đây, cô có dịp tiếp xúc với công tác khám chữa bệnh và rất thích thú học nghề. Sau nhiều năm học “ké” không biết mệt mỏi tại Trường Y sĩ Quảng Ngãi nên khi rời nơi đây, cô đã thành thạo công việc của một y tá.

Phút sum vầy bên con cháu khá hiếm hoi của cô Túy.

Năm 1970, cô được điều động vào Ban Dân y tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, cô được phân công chăm lo sức khỏe cho bộ đội địa phương. Tay nghề được trau dồi, cô có thêm điều kiện để học tập, trở thành y sĩ chính thức không lâu sau đó. Sau ngày thống nhất đất nước, cô Túy về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho đến lúc về hưu. Tại một bệnh viện lớn với nhiều chuyên khoa nên những kiến thức học “ké” từ thời chiến, khiến cô khá bỡ ngỡ trong công việc. Để đáp ứng được yêu cầu công tác, không còn cách nào khác là phải học thêm. Thế nhưng, thời chiến tranh, con chữ đánh mất theo thời gian, giờ học lại những kiến thức để thi đỗ vào các trường học thật không đơn giản. Sau những đêm dài thức trắng, cùng với nghị lực của một cô gái thanh niên xung phong được tôi luyện qua chiến trường đã giúp cô chiến thắng những trang sách. Niềm vui như vỡ òa khi lần đầu tiên thi vào Trường Đại học Y Dược TPHCM, cô đậu ngay! Năm 1992, cô tốt nghiệp và trở thành bác sĩ. “Ngày đó nếu không có sự cảm thông của chồng con, chắc giấc mơ trở thành bác sĩ của cô sẽ không thành hiện thực. Vừa làm vợ, làm mẹ nhưng vì sự nghiệp y đức, cô chưa làm tròn bổn phận đó. Nhiều đêm nhớ con, thương chồng, muốn dứt bỏ việc học nhưng nhờ được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp động viên nên mới vượt qua nhiều năm tháng ngồi trong giảng đường và nhận bằng tốt nghiệp”, cô Túy kể. 
 
Nối dài ước mơ…

Trở về đơn vị công tác, cô Túy không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một bác sĩ, mà trong hoạt động cơ quan, cô luôn dành nhiều tâm huyết cho việc chung. Vậy nên, cô được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của bệnh viện. Trong quãng thời gian dài công tác, cô chứng kiến vô số hoàn cảnh đáng thương ngay chính tại bệnh viện. Có những bệnh nhân nghèo, nằm viện hàng tháng trời, tốn kém đủ bề, thậm chí nhịn đói vì không có tiền mua cơm, rau để ăn. Những hình ảnh đó cứ đọng lại mãi trong tâm trí cô. Năm 2000, trong chuyến tham quan mô hình một bệnh viện tại tỉnh An Giang, thấy bệnh viện này có bếp ăn từ thiện nên cô ấp ủ ước mơ muốn ở Khánh Hòa cũng có những bếp ăn như vậy. Sau đó, cô Túy đưa ý tưởng thành lập bếp ăn từ thiện tại bệnh viện và được Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ủng hộ. Cuối năm 2002, mô hình bếp ăn từ thiện ra đời với số tiền khiêm tốn từ khoản đóng góp của công đoàn bệnh viện. Bếp ăn được xây dựng tạm bợ bằng những vật liệu phế phẩm tưởng như bỏ đi, đem về chế tác lại.

Bếp ăn từ thiện đã có, nhưng để “giữ lửa” thường xuyên không phải chuyện đơn giản. Những đóng góp ít ỏi của tổ chức công đoàn bệnh viện chẳng khác gì muối bỏ biển, không đủ để bếp ăn hoạt động thường xuyên. Sau hai năm thành lập, bếp ăn từ thiện nhiều lần đứng trước nguy cơ… “tắt lửa”. Năm 2004, bác sĩ Túy về hưu, lúc này cô có nhiều thời gian hơn dành cho bếp ăn. Không ngại gian nan,  cô Túy tìm đến làm quen với nhiều tổ chức, cá nhân để kêu gọi sự đóng góp. Hình ảnh người đàn bà gầy gò, nước da ngăm đen với túi xách đeo trên vai đi vận động tài trợ cho bếp ăn từ thiện đã quá đỗi quen thuộc với người dân TP Nha Trang. Có lần, nghe ở TPHCM có người muốn góp tiền cho bếp ăn, cô liền đón xe đò vào tìm nhưng lại chưa rõ họ ở đâu. Sau hai ngày tìm kiếm, chờ đợi, cô Túy mới gặp được “đối tác” và vui mừng khi vị hảo tâm này hứa hỗ trợ thường xuyên cho bếp ăn của bệnh viện.

Với mong muốn tất cả các bệnh nhân nghèo đều có bữa ăn, đỡ đần khoản chi phí trong việc khám chữa bệnh, năm 2008, cô Túy cùng cộng sự thành lập Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo y tế tỉnh Khánh Hòa nhằm vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, quyên góp để nhân rộng mô hình bếp ăn từ thiện. Đến nay, ngoài bếp ăn đầu tư tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, 6 bếp ăn từ thiện khác tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lần lượt ra đời. Mỗi năm, những bếp ăn này đem đến bữa ăn miễn phí cho khoảng 1 triệu lượt bệnh nhân. Cô Túy cho biết, sắp tới sẽ có thêm hai bếp ăn từ thiện nữa được thành lập. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, cho biết: “Bác sĩ Túy là người tận tâm với nghề. Hơn thế, để các bếp ăn từ thiện trên địa bàn tỉnh hoạt động tốt như bây giờ, có công rất lớn của bác sĩ Túy. Chúng tôi rất trân trọng những việc làm đó nên luôn sát cánh cùng các bếp ăn mỗi khi khó khăn”.

Nói về những việc làm của mình, cô Túy chỉ cười đôn hậu bảo, chẳng có gì to tát. Có dịp đến nhà cô, chúng tôi mới biết thêm, đằng sau tấm lòng nhiệt huyết của cô lo cho bệnh nhân nghèo, cô Túy cũng có nỗi đau riêng thầm kín. Sau hòa bình, điều hạnh phúc nhất của cô là lập gia đình và hai đứa con lần lượt chào đời. Thế nhưng niềm vui ấy không được trọn vẹn khi hai người con càng lớn càng có dấu hiệu không bình thường. Với kinh nghiệm của một bác sĩ, cô biết mình bị nhiễm chất độc da cam trước khi sinh con. Nuốt nỗi đau và vượt lên nỗi buồn từ đáy lòng, cô Túy dành trọn tâm huyết cho các bếp ăn từ thiện là điều thật phi thường.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục