Người lính luôn thử sức mình

Thời kỳ ấy, nước ta đang bước vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp bạn ở Campuchia; nền kinh tế đất nước đang kiệt quệ. Từ trợ lý thư ký tòa soạn, Trần Hoàng được điều về tổ phóng viên ban đại diện phía Nam, Báo Quân đội Nhân dân. Nhà báo Phạm Đình Trọng, Phó ban Đại diện, trực tiếp phụ trách tổ PVTT giao cho Trần Hoàng một số mảng, trong đó có mảng chống tiêu cực.
Nhà báo Trần Hoàng
Nhà báo Trần Hoàng

Trần Hoàng vào cuộc say mê. Anh chịu khó đọc tài liệu về pháp luật và lần theo dấu vết các vụ tiêu cực như một điều tra viên thành thục. Trần Hoàng đeo bám các vụ: oan sai của 5 cựu chiến binh ở Phú Khánh; trắc trở nhà cửa của đại tá Trương Dự; nhà ở cho người phụ nữ có 2 đời chồng là liệt sĩ tại TPHCM... Ngoài ra, Trần Hoàng còn đi sâu tìm hiểu và viết bài về hoàn cảnh éo le của những người lính, thương binh như trường hợp của thương binh nặng Đặng Hồng Nết ở Củ Chi; những hoàn cảnh khác nhau của các chiến sĩ tình nguyện Sư đoàn 5 ở Campuchia và các chiến sĩ hải quân đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa...

Do bám sát thực tế, nắm chắc bản chất của sự việc và cách diễn đạt khúc chiết, các bài viết của Trần Hoàng (đăng trên Báo Quân đội nhân dân) có tính thuyết phục; được bạn đọc quan tâm và các cấp chính quyền vào cuộc giải quyết rốt ráo. Trần Hoàng là nhà báo xông xáo, dấn thân, luôn có “ý thức” thử sức mình trên nhiều lĩnh vực. Anh không chỉ viết báo mà còn đứng ra đảm nhận tổ chức nội dung và phát hành ấn phẩm chuyên đề. 

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 1984), Trần Hoàng xung phong tổ chức nội dung và phát hành đặc san mang tên 55 ngày đêm đọ sức của Báo Quân đội nhân dân. Anh đặt bài Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các nhân chứng lịch sử và mời gọi các nhà văn, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội... có uy tín của cả nước tham gia. Anh “kéo” cả bạn bè, đồng nghiệp ở Quân khu 7 như Hồ Sơn Đài, Phạm Văn Mấy, Phan Thanh Viếng, Mai Xuân Thọ... vào cuộc. Có thể kết quả (về tuyên truyền và kinh tế) chưa được như mong muốn, nhưng điều còn lại là rút ra những kinh nghiệm về tổ chức nội dung và phát hành các ấn phẩm phụ của Báo Quân đội nhân dân thời kỳ tiền đổi mới. Sống thẳng thắn (đến mất lòng người khác), “vào cuộc” thì quyết liệt, Trần Hoàng luôn luôn bỏ qua những lời nhắc nhở, thậm chí “bơ” luôn những lời thị phi, quyết tâm thử sức mình. 

Năm 1990, nhận sổ hưu non, Trần Hoàng chuyển sang làm kinh tế như một bước trải nghiệm. Anh nhận thầu nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đó cũng là thời gian trải nghiệm để Trần Hoàng cho ra đời tiểu thuyết Trái tim đĩ. Đọc cuốn sách này, người đọc dễ nhận ra “thu hoạch” của anh về kinh tế thị trường giai đoạn đầu mở cửa, hội nhập mà anh là người trong cuộc. Khi sức khỏe của Trần Hoàng có vấn đề, anh càng “cháy” hết mình. Cứ như thể bất cứ điều gì trên đời này đối với anh đều có thể - không có gì là không thể. Anh nhảy sang viết sách, truyện ngắn, làm thơ và viết cả trường ca; thậm chí dám chọn hình thức thể hiện khó như “lục bát”, “lục bát gián thất”... Các cuốn sách: Gió heo may (thơ - 2012); Trường Sa đỏ (trường ca - 2014); Khúc quân hành trên biển (thơ - 2016); Đồng vọng (trường ca - 2017)... là dòng cảm xúc không ngừng chảy của Trần Hoàng về đất nước và đồng đội.

Trần Hoàng như người say, không biết bến bờ. Có khi nửa đêm, Trần Hoàng ngẫu hứng gọi điện cho tôi cả tiếng đồng hồ. Anh chia sẻ về các dự án, các cuốn sách đang phôi thai, ấp ủ. Không chỉ có tôi bị “hành” như thế, nhà thơ Văn Lê, nhà báo Phạm Đình Trọng, nhà văn Phạm Quang Đẩu, nhà báo Phạm Huy Khảo... cũng bị Hoàng “hỏi thăm” không kể ngày đêm. Tôi nhớ một lần, dù bệnh tật chưa thuyên giảm, Trần Hoàng mời chúng tôi tới nhà riêng ở quận 2 để ra mắt tập trường ca về Quảng Trị và các bức tranh theo thể trừu tượng anh vừa hoàn thành. Đọc trường ca và xem tranh của Trần Hoàng, chúng tôi đều tròn mắt... Chưa bàn về nội dung, chỉ sự say mê và sức lao động đến điên cuồng của một cựu quân nhân mất sức trên 70% như anh cũng làm người ta bất ngờ, sửng sốt. “Em sẽ viết nhạc. Cuộc sống này thật đáng yêu, bác ạ. Không thể cầm lòng được”, Trần Hoàng bộc bạch với tôi mới đây. Có thể có những ý kiến đánh giá rất khác nhau về cách sống của Trần Hoàng, nhưng tôi nghĩ, đó là một người lính dám dấn thân, vượt lên chính mình, luôn thử sức mình! Nửa đêm 23-10-2018, từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), Trần Hưng - em trai Trần Hoàng, báo tin buồn cho tôi: Trần Hoàng đã trút hơi thở cuối cùng. Đại úy - cựu chiến binh - nhà báo Trần Hoàng ra đi giữa tuổi lục tuần, để lại sau lưng công việc dở dang và cả những khát vọng - không có gì là không thể!

Tin cùng chuyên mục