Người lính ru con nơi ngọn sóng

Ra đảo nhận nhiệm vụ khi tuổi đời còn phơi phới xuân xanh, họ không chỉ làm tròn nhiệm vụ của những anh Bộ đội Cụ Hồ mà còn vượt lên mọi khó khăn, gian khổ xây cơ lập nghiệp giữa chốn trùng khơi. Những mái ấm quân nhân trên các hòn đảo vùng biển Tây Nam đã trở thành hậu phương vững chắc giúp các cán bộ an cư lạc nghiệp, yên tâm gắn bó với biển, đảo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…
Người lính ru con nơi ngọn sóng

Ra đảo nhận nhiệm vụ khi tuổi đời còn phơi phới xuân xanh, họ không chỉ làm tròn nhiệm vụ của những anh Bộ đội Cụ Hồ mà còn vượt lên mọi khó khăn, gian khổ xây cơ lập nghiệp giữa chốn trùng khơi. Những mái ấm quân nhân trên các hòn đảo vùng biển Tây Nam đã trở thành hậu phương vững chắc giúp các cán bộ an cư lạc nghiệp, yên tâm gắn bó với biển, đảo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…

“Ngàn lời cảm ơn em”!

Câu nói “nịnh” vợ cực khéo như thế của chàng sĩ quan trẻ ở đảo Nam Du (Kiên Giang) có cái tên như con gái: Hoài, khiến tôi bất ngờ, vui và cảm thấy ghen tị. Mang danh nhà báo nhưng mấy khi tôi “nịnh đầm” vợ được một câu “tình” đến thế. Nói vậy nhưng khi tường tận cuộc sống của những gia đình quân nhân trên đảo mới thấy, đó không hề là sự chiều lòng lẫn nhau, mà là thứ tình cảm rất chân thật. Điều kiện cuộc sống càng khó khăn, tình cảm con người càng sâu đậm. Đảo Nam Du có độ cao 309m so với mặt nước biển. Để tới được nơi phân đội S đóng quân chúng tôi phải mất một ngày một đêm lênh đênh trên biển và sau đó là phải mất non buổi sáng đi bộ từ mé biển dọc theo con đường độc đạo ngoằn ngoèo, hiểm trở hơn 3km, có nhiều đoạn dốc cao gần như dựng đứng mới lên được nơi cần đến.

Người lính ru con nơi ngọn sóng ảnh 1

Một ngôi nhà của lính biên phòng bên ghềnh Hòn Chuối. Ảnh: P.T.S

Cuộc sống của những người lính đảo Nam Du vốn chỉ quen với nắng gió, mây mù, sóng biển… bỗng xôn xao, rạo rực hẳn lên khi có một mầm sống chào đời. Tiếng khóc chào đời của con đầu lòng khiến vợ chồng trung úy Nguyễn Văn Hoài cảm thấy buổi bình minh hôm ấy đẹp như một dòng suối ngọt trong vắt chảy giữa vùng đất mặn. Trung úy Hoài quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, gắn bó với đảo từ năm 1995 đến nay. Mối tình của anh nảy nở trong lần đi giúp dân trên đảo trong một cơn bão lớn xảy ra 7 năm trước. Tinh thần tận tụy, không quản hiểm nguy, xả thân cứu dân của Hoài đã khiến cô con gái của một lão ngư dân trên biển phải lòng. Và, họ trở thành vợ chồng.

Được sự giúp đỡ của đồng đội, đôi vợ chồng trẻ dựng một căn nhà nhỏ ở khu Bãi Trệt sát mé biển và trở thành mái ấm quân nhân đầu tiên trên đảo Nam Du. Hoài kể: “Ngày ấy khi quyết định xây dựng hạnh phúc ở đảo, tôi phải chịu nhiều thử thách, áp lực. Gia đình muốn tôi hoàn thành nghĩa vụ ở đảo rồi về quê lấy vợ. Sống ở nơi hun hút trùng khơi thế này, tương lai con cái rồi sẽ ra sao”. Nhưng Hoài đã vượt qua tất cả. Bây giờ thì con gái của đôi vợ chồng trẻ này đã đi học và đánh vần rất sõi. Đồng đội ở đảo, từ những chàng độc thân cho đến người xa gia đình đều tíu tít bên mái ấm của Hoài, cứ nựng cháu bé rồi bố bố, con con ngọt xớt. Mái ấm của Hoài đã giúp những người lính xa nhà cảm thấy ấm áp hơn mỗi khi trở trời giông gió.

Chuyện xây dựng hạnh phúc của trung úy Tôn Văn Tuấn lại lãng mạn theo kiểu khác. Tuấn lấy vợ ở quê Nghệ An. Lương Thị Hạnh, vợ Tuấn, là một cô giáo trường làng. Chẳng hiểu Tuấn thuyết phục thế nào mà vợ anh đồng ý rời quê nhà ra xây dựng mái ấm giữa chốn trùng khơi này. Tuấn mời tôi về nhà riêng. Một căn nhà nhỏ, khá sơ sài nằm chênh vênh bên con đường đá sỏi dẫn xuống mé biển. Vợ Tuấn là một phụ nữ xinh xắn và ăn nói có duyên. Chỉ mỗi việc sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn để theo chồng ra đảo lập nghiệp cũng đủ để tôi nói lời kính trọng và khâm phục đối với cô giáo trẻ này. Tâm sự với tôi, Tuấn cười tươi: “Tình cảm gia đình ấm cúng nơi hòn đảo này đã giúp chúng tôi có được một quê hương thứ hai để an tâm thực hiện nhiệm vụ. Thú thực, bây giờ nếu được chọn sẽ sống ở đâu, tôi vẫn sẵn sàng tình nguyện ở lại đảo”.

Ngoài hai ngôi nhà ấm áp của Tuấn và Hoài, đảo Nam Du đang mọc lên  thêm những “mái ấm quân nhân” khác. Những ông chủ của mái ấm quân nhân đều ở tuổi 30. Trong tương lai, nơi đây sẽ có một “làng gia đình quân nhân”. Đêm trên đảo giữa lồng lộng gió và sóng biển, tiếng trẻ con ê a đánh vần vang lên thật đáng yêu đến nao lòng. Sáng tinh mơ, tôi cứ ngỡ như đang nghỉ ở một làng quê thanh bình khi bị đánh thức bởi tiếng gà gọi bình minh và tiếng chó sủa. Ông Nguyễn Hiền Nhân, Bí thư Đảng ủy xã đảo Nam Du, khẳng định: “Những năm qua, gia đình các quân nhân ở đây đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết, chỗ dựa vững chắc của ngư dân đảo. Họ sống chan hòa, gần gũi với ngư dân và giúp con em ngư dân học hành, giúp thanh niên trẻ trên đảo định hướng tương lai bằng kinh nghiệm sống của chính mình.

Những cô dâu biên phòng

Cách Nam Du non một ngày đi biển là đảo Hòn Chuối thuộc tỉnh Cà Mau. Chót vót giữa đỉnh đảo là nơi đóng quân của phân đội S.15 Vùng E Hải quân và đồn Biên phòng B.04. Nếu như ở đảo Nam Du còn có đường lên đỉnh núi (dù rất khó khăn và hiểm trở) thì ở Hòn Chuối, giao thông gần như là con số không. Để lên tới được đồn biên phòng trên đỉnh đảo, tôi phải nhờ tới sự hướng dẫn của trung tá Đào Nguyên Hữu, cán bộ Vùng 5 Hải quân. Anh Hữu từng công tác tại đảo này 10 năm.

Người lính ru con nơi ngọn sóng ảnh 2

Chiến sĩ biên phòng dạy chữ cho trẻ em trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: TR.NG.

Nay, dù đã được chuyển về Phú Quốc nhưng nỗi nhớ Hòn Chuối vẫn không lúc nào nguôi ngoai. Anh thuộc từng gốc cây, hốc đá trên đảo như lòng bàn tay. Bám vào những tảng đá dựng đứng, nhẵn bóng và đầy rêu, anh Hữu đưa tôi cắt rừng đi tắt lên núi. Ở những đoạn thuận lợi, anh em cán bộ chiến sĩ đã ghép những hòn đá để tạo thành bậc thang lên xuống. Còn lại hầu hết đều phải níu cây rừng, vạch lá mà leo. So với đồng đội ở các đảo khác trên vùng biển Tây Nam, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ ở Hòn Chuối gian nan gấp bội, mặc dù nếu tính theo đường chim bay, Hòn Chuối gần đất liền hơn các đảo khác. Khuất phía sau những ghềnh đá cheo leo, hiểm trở nhưng cũng rất kỳ vĩ nên thơ nơi mé biển là tổ ấm của các gia đình quân nhân. Dù điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song những hộ gia đình quân nhân ở đảo Hòn Chuối này đã trở thành hậu phương vững chắc, niềm động viên an ủi lớn lao đối với cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Tôi ghé vào một căn nhà nhỏ lợp mái tôn, nền lót bằng những tấm ván mỏng giữa các trụ đá. Đó là căn nhà của vợ chồng Nhạc - Châu. Khi tôi ngỏ ý khâm phục và mừng cho đồng đội đã có người vợ chấp nhận gian khổ cùng chồng ra đảo lập nghiệp, chị Lâm Thị Châu (quê Cà Mau) cười và chỉ tay về căn nhà bên cạnh, nói: “Đâu chỉ có mình em, chị Gấm cũng làm dâu biên phòng ở đảo này đấy”.

Hóa ra chị Lâm Thị Hồng Gấm là chị ruột của Châu. Chị Gấm là vợ của cán bộ quân y Đồn biên phòng B.04 Bùi Văn Chương. Hai chị em yêu hai người lính biên phòng rồi cùng chồng chọn đảo Hòn Chuối hoang sơ này làm quê hương thứ hai. Châu tâm sự giọng quả quyết: “Tụi em là dân lao động mà, khổ thế này thì ăn nhằm gì. Hàng ngày có ghe tàu của ngư dân đánh cá vào neo đậu, họ mang theo lương thực, hàng hóa buôn bán nên điều kiện sống của những người dân trên đảo không phải lo. Là những người con dâu của đơn vị nên mọi việc chúng em đều được đồn hết sức quan tâm, từ vật liệu làm nhà cho đến thuốc men chữa bệnh. Các bác sống ở thành phố quen rồi, giờ ra đây tưởng thế này là ghê gớm nhưng chúng em thì thấy thế này là hạnh phúc lắm rồi. Ở đảo không khí trong lành, tụi em chả ai bệnh tật gì cả…”.

Tiếng ru bên triền sóng

Tôi ra đứng trên mỏm đá trước nhà Châu nhìn ra biển. Thiên nhiên thật công bằng. Bên cạnh cái khó khăn, heo hút của đảo là những ghềnh đá tựa như một kiệt tác do thiên nhiên tạo ra ở xung quanh. Giá như ở một nơi nào đó gần đất liền, vẻ đẹp huyền bí của những khu ghềnh đá trên đảo này sẽ là chất liệu quá tuyệt để hình thành nên một khu du lịch. Hy vọng đến một ngày không xa, nơi Châu, Gấm và những nàng dâu biên phòng xây dựng mái ấm sẽ là một điểm đến du lịch. Anh Hữu nói: “Tôi linh cảm những đứa bé chào đời và lớn lên ở hòn đảo này rồi sẽ thành những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ… Người ta bảo tức cảnh sinh tình. Vẻ đẹp biển đảo thế này mà không làm thơ mới là lạ. Cứ suy từ lính hải quân và biên phòng ở đây thì biết. Trong sổ tay của lính đầy ắp, rặt thơ là thơ…”.

Chúng tôi rời Hòn Chuối vào một sáng đẹp trời. Bên ghềnh đá, những gian bếp đã nổi lửa. Mùi cá rán, cơm gạo đồng chiêm dậy lên ngan ngát. Trong tiếng rì rào của sóng biển, tôi vẫn nghe rất rõ tiếng người lính đưa nôi hát ru con: “Ầu ơ… Ví dầu đảo vắng không xa/ Cầu tre anh bắc qua nhà em chơi/ Hai ta chung một biển trời/ Tiếng con bập bẹ là lời tình yêu… Ầu ơ…”. Vần thơ hát ru ấy là do Nhạc, chồng Châu, viết nhân ngày cháu bé chào đời mà tôi đã được đọc hôm qua.

Hòn Chuối và Nam Du, hai hòn đảo được ngư dân ví như hai đầu nỗi nhớ của một vùng biển cả. Trên đó, mỗi hòn đảo đều có những tổ ấm quân nhân. Một thế hệ tương lai của người lính đã và đang hiện hữu trong ánh mắt, nụ cười, trong tiếng trẻ bi bô và tiếng hát ru trong trẻo hồn nhiên như màu nước biển khơi của những người lính. Và dường như khái niệm hạnh phúc giữa đại dương mênh mông này cũng bắt đầu và ngày ngày được vun đắp từ những mầm non của cuộc sống ngập tràn niềm tin và sự yêu thương ấy.

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN

Tin cùng chuyên mục