Người phán xử - Hướng đi mới của phim truyền hình Việt

Sau hơn một năm ròng rã thực hiện, bộ phim truyền hình Người phán xử do Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất đã hoàn tất và chuẩn bị lên sóng màn ảnh nhỏ. 46 tập phim thuộc thể loại tâm lý điều tra, được VFC mua kịch bản chuyển thể từ đơn vị Armoza - Israel. Đây cũng là nỗ lực nhằm làm mới và nâng cao chất lượng của dòng phim cảnh sát hình sự, đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của khán giả truyền hình. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, đã chia sẻ với báo giới về Người phán xử, bộ phim được xác định là đạt chuẩn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật, có thể mở ra hướng xuất khẩu phim Việt sang các nước trong khu vực.

Một cảnh trong phim Người phán xử

* PHÓNG VIÊN: Việt hóa kịch bản phim không phải là hiện tượng mới lạ đối với tác phẩm điện ảnh cũng như phim truyền hình, song với Israel, một đất nước có nhiều khác biệt  về địa lý cũng như văn hóa, có khiến việc chuyển thể gặp nhiều khó khăn?

- Đạo diễn ĐỖ THANH HẢI: Trước khi bắt tay vào việc Việt hóa kịch bản, chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ, cân nhắc khả năng thực hiện được hay không. Văn hóa của Israel đúng là có nhiều khác biệt, họ quan niệm rất thoáng về sex vì thế cảnh sex xuất hiện trong kịch bản gốc khá dày đặc. Tuy nhiên, khi chuyển thể sang kịch bản Việt, yếu tố này đã được gia giảm và lược bỏ gần như toàn bộ để phù hợp với văn hóa Việt hơn. Thêm nữa, nhiều đoạn kịch bản, nhân vật được viết lại toàn bộ, nhằm phù hợp với tính cách và hành động của người Việt. Trong suốt quá trình triển khai bộ phim, hình ảnh, tính cách của nhân vật tiếp tục được bồi đắp, bổ sung. Khác với những bộ phim cảnh sát hình sự trước đây lấy nhân vật cảnh sát là trung tâm, ở phim này, nhân vật, bối cảnh chính là là ông trùm xã hội đen và các mối quan hệ xoay quanh nhân vật này. 

* Người phán xử thuộc dòng phim cảnh sát hình sự mà bối cảnh chính lại là thế giới tội phạm, là cuộc chiến tranh giành quyền lực trong giới giang hồ. Vậy những cảnh đánh đấm, sử dụng dao, súng… có khiến khán giả truyền hình phải lo ngại?

- Ở phim này, khán giả sẽ không thấy những cảnh hành động hoành tráng mà tính hấp dẫn chính được khai thác là sự phát triển tâm lý tội phạm. Yếu tố hình sự và hành động đan xen nhau, sẽ có những cảnh mấu chốt gây cảm giác mạnh. Xuyên suốt 46 tập phim, khán giả sẽ thấy những triết lý sâu sắc về tình cảm gia đình, tình cha con, nghĩa vợ chồng. Phim đã khéo léo tái hiện thế giới xã hội đen đầy phức tạp thông qua câu chuyện về gia đình với những diễn biến bất ngờ, gài cắm những chi tiết rất đắt để hé lộ trong tập cuối cùng, khi chuyên án điều tra của cảnh sát hình sự khép lại. Bên cạnh những uẩn khúc trong các mối quan hệ được dẫn dắt khéo léo, các bí mật bị che giấu dần hé lộ, câu chuyện phim cũng đan xen các vụ án, hành vi tội phạm liều lĩnh, tạo nên kịch tính và sự lôi cuốn trong bộ phim hình sự đặc biệt này.

Người phán xử chứa đựng nhiều tính giải trí hấp dẫn chứ không có nhiều yếu tố bạo lực giật gân, không nhấn mạnh vào các pha đánh đấm bạo lực, mà đi sâu vào sự giằng xé trong đời sống nội tâm nhân vật và phân tích tâm lý tội phạm. Cũng bởi thế nên phim được chọn nối sóng khung giờ phim Việt trên VTV3 ngay sau khi bộ phim Tuổi thanh xuân khép lại. 

* Phim 46 tập nhưng có tới 3 đạo diễn cùng tham dự, điều này có làm ảnh hưởng tới tính liền mạch của bộ phim?

- 3 người cùng tham gia một phim, đây là số lượng đạo diễn “khủng” nhất đối với một bộ phim truyền hình. Nguyễn Danh Dũng, một đạo diễn có kinh nghiệm trong dòng phim hình sự điều tra; Nguyễn Khải Anh, một đạo diễn trẻ ghi dấu ấn với cách kể chuyện hiện đại, luôn biết cách tạo ra điểm nhấn đặc biệt và NSƯT Mai Hiền, một đạo diễn có ưu thế lớn về mặt tạo ra những hình ảnh ấn tượng, những dàn cảnh sử dụng ánh sáng cực kỳ điêu luyện. Sự kết hợp này tạo nên sự đa dạng trong cách thể hiện cho bộ phim, tương hỗ và biến hóa sinh động qua mạch truyện có nhiều vụ án khác biệt xảy ra. Đó cũng là cách để VFC tiết kiệm sức lực cho các đạo diễn, tận dụng thế mạnh của mỗi người để đem lại sản phẩm tốt nhất.

* Điều gì khiến ông tự tin khi cho rằng Người phán xử có thể mở ra hướng xuất khẩu phim truyền hình Việt?

- Người phán xử được VFC tự tin là quy tụ được dàn diễn viên hùng hậu, trong đó đáng chú ý là việc mời được các nhân vật ít ai nghĩ sẽ đóng vai phản diện như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh... Đặc biệt, NSND Hoàng Dũng đảm nhận vai “đinh” khi hóa thân thành một “ông trùm” nổi tiếng trong vỏ bọc một doanh nhân nhưng cũng ghi danh trong giới giang hồ với cái tên Người phán xử - nhân vật chuyên đứng ra xét xử, dàn xếp các mâu thuẫn tranh chấp không thể đưa ra pháp luật của thế giới “ngầm”. Người phán xử là dự án phim có tiêu chuẩn âm thanh, hình ảnh ngang ngửa với các bộ phim VFC đã hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian qua, hướng tới tiêu chuẩn có thể xuất khẩu ra thị trường châu Á. Phim thu tiếng đồng bộ, một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu, nhưng với phim truyền hình Việt thì lâu lâu mới có. Để làm được điều này, ngoài việc lựa chọn diễn viên rất khắt khe còn có sự tham gia của 3 đạo diễn, kịch bản tốt…

MAI AN thực hiện

Tin cùng chuyên mục