Người tiêu dùng cần nhà sản xuất trung thực

99,9% người tiêu dùng không có kiến thức về các thành phần mà nhà sản xuất ghi trên nhãn hàng hóa thực phẩm. Vậy nên, người tiêu dùng đang đặt tất cả niềm tin vào `sự tuân thủ, lương tâm và đạo đức của nhà sản xuất, cũng như hoạt động giám sát, quản lý, trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Khách hàng xem thông tin trên nhãn sản phẩm
Khách hàng xem thông tin trên nhãn sản phẩm

Sau khi thông tin hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan vừa bị chính quyền thành phố Osaka (Nhật) yêu cầu nhà nhập khẩu thu hồi với lý do phát hiện sản phẩm có chất phụ gia Nhật cấm sử dụng trong tương ớt - axit benzoic, người tiêu dùng bắt đầu hoang mang lo lắng. Đặc biệt, sau khi phía Masan phản hồi rằng, đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam thì người tiêu dùng lại càng hoảng hốt. 

Trên báo SGGP ngày 8-4 có bài “Axit benzoic trong tương ớt nguy hại thế nào cho sức khỏe?” đã đăng tải các thông tin về hàm lượng axit benzoic được phép dùng trong chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn TP Codex quốc tế. Tiêu chuẩn của Codex được coi như định chế tham khảo chung để các bên buôn bán trên quốc tế. Hiện có 186 quốc gia áp dụng tiêu chuẩn này, nhưng có những thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ không chấp nhận đưa axit benzoic vào thực phẩm. Hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi được cơ quan quản lý thực phẩm của Việt Nam xác nhận vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. 

Dù được phép sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng vừa phải nhưng cũng có nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới chỉ ra rằng, nếu con người dung nạp một lượng lớn axit benzoic vào cơ thể sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tệ nhất đây là một trong những nguyên căn dẫn đến ung thư. Axit benzoic được các nhà sản xuất thực phẩm dùng vào việc bảo quản bởi loại axit này có công năng chống nấm mốc. 

Trước những thông tin nhiều chiều như vậy, chị Nguyễn Thu Ngọc, ngụ tại quận Thủ Đức cho biết, người tiêu dùng làm thế nào bảo vệ được mình khi nhà sản xuất phớt lờ mức độ nguy hiểm của các loại hóa chất họ dùng trong sản xuất?

Người tiêu dùng vốn sử dụng sản phẩm theo thói quen, với sản phẩm mới bắt đầu là dùng thử và phù hợp về khẩu vị thì sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm đó. Còn sản xuất sản phẩm đó như thế nào là câu chuyện người tiêu dùng không có khả năng kiểm soát, vì vậy nên rất cần các doanh nghiệp sản xuất có đạo đức. 

Còn theo bà Trần Yến Nhi (ngụ tại quận Bình Thạnh): “Dù khi đi mua sắm, chúng tôi vẫn xem thông tin trên nhãn dán ở sản phẩm. Tuy nhiên, sự quan tâm chủ yếu là thông tin về thời gian sử dụng, còn lại các thành phần khác để cấu thành nên sản phẩm nói thực là không hiểu gì. Các thông tin đều ghi ký hiệu kỹ thuật, chỉ những người trong nghề mới hiểu, còn người tiêu dùng làm sao có kiến thức để phân biệt!”. 

Khảo sát của chúng tôi đối với nhiều sản phẩm thực phẩm khác, thì ngoài chất chính đặc trưng của sản phẩm, còn có những chất được mã hóa thành những thông số như chất điều vị 612, 627, 631, 639, 640, 950; chất điều chỉnh độ axit 330; chất làm dày 466; phẩm màu 150a, 124 và hương tổng hợp. Đơn vị cũng công bố làm theo tiêu chuẩn của EU Code NM 469, ISO 9001, HACCP, HALAL…

Ngay như trên nhãn chai tương ớt Chin-su, nhà sản xuất ghi thành phần gồm nước, đường, ớt 110g/kg, tinh bột biến tính (1422), tỏi, cà chua cô đặc, dextroza, maltodextrin, chất điều vị (621, 620, 635), chất điều chỉnh độ axit (260, 330), chất ổn định (415), chất bảo quản (211, 202), gia vị hỗn hợp, chất tạo ngọt tổng hợp (950, 951), hương tổng hợp, màu thực phẩm (110,124), chất chống ôxy hóa (223, 221, 300) bột wasabi. 

Với hàng loạt các thông tin thành phần như vậy, liệu mấy ai trong người tiêu dùng sẽ hiểu sản phẩm mình dùng gồm có những thứ gì, và ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Để đến nay, khi thông tin các chai tương ớt Chin-su bị Nhật phát hiện có chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng thì người tiêu dùng mới giật mình và tự hỏi, thế mình ăn sản phẩm ấy lâu nay có bị sao không?

Đối với các sản phẩm chế biến, vì cần đảm bảo cho sản phẩm giữ được lâu nên nhà sản xuất luôn thêm các phụ gia vào trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, mức độ thêm ít hay nhiều, chỉ người sản xuất mới biết chính xác. Trong tình hình các cơ quan quản lý còn thiếu sự minh bạch, thậm chí còn có khả năng có sự thỏa hiệp với doanh nghiệp thì niềm tin của người tiêu dùng không có điểm tựa để bấu víu. 

Nay, qua vụ tương ớt Chin-su, người tiêu dùng Việt mới vỡ lẽ, tại sao Nhật không sử dụng axit benzoic vào chế biến thực phẩm mà Việt Nam lại cho phép. Như vậy, cũng có nghĩa không có axit benzoic thì vẫn có thể sản xuất được các sản phẩm thực phẩm chế biến như bình thường.

Và mọi người lại đặt ra câu hỏi, tại sao doanh nghiệp lại có thể sản xuất được sản phẩm với các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn cung ứng cho các thị trường xuất khẩu mà lại không áp dụng cho sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước? Phải chăng, người tiêu dùng Việt quá dễ và không biết gì nên doanh nghiệp không cần đầu tư tối đa cho tính an toàn của sản phẩm.

Có lẽ, người tiêu dùng phải tự cứu lấy mình, nói không với những sản phẩm của những doanh nghiệp mập mờ về thông tin, sản xuất thiếu trách nhiệm. Tự chế biến các món ăn từ nguyên liệu tươi, không phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn.

Tin cùng chuyên mục