Người trẻ nỗ lực tôn vinh nghệ thuật cải lương

Sau một thời gian tập luyện, dàn dựng hoàn chỉnh, chương trình nghệ thuật Cải lương - Trăm năm nguồn cội (tác giả kịch bản, đạo diễn Quang Thảo), sẽ công diễn vào tối 7-7 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TPHCM với sự tham gia của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Việt Anh, Vũ Linh, Thanh Kim Huệ, Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Điền Trung…  
NSƯT Tú Sương và NSƯT Quế Trân trong lớp diễn "Xử án Thượng Dương", trích đoạn vở "Câu thơ yên ngựa"
NSƯT Tú Sương và NSƯT Quế Trân trong lớp diễn "Xử án Thượng Dương", trích đoạn vở "Câu thơ yên ngựa"
 Làm mới cải lương

Điểm nhấn tạo nên ấn tượng đẹp cho chương trình chính là lần đầu tiên khán giả yêu thích bản Dạ cổ hoài lang được nghe bản chuẩn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua giọng ca ngọt ngào của nghệ sĩ Ngọc Đợi. Đây là bản chuẩn nhất được chọn thu âm, được lưu giữ tại Bảo tàng Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu).

Sau bài Dạ cổ hoài lang, NSƯT Vũ Linh và NSƯT Thanh Kim Huệ tiếp nối chương trình bằng bài vọng cổ và tân cổ giao duyên, đưa khán giả đi qua những giai đoạn tiêu biểu của quá trình cải lương hình thành và phát triển, từng bước thay đổi, phát triển những bài bản ca. 

Chương trình sẽ diễn phục vụ 10 suất, từ tháng 7 đến tháng 9 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TPHCM. Giá vé dành cho sinh viên, học sinh là 150.000 đồng.

Khán giả cũng sẽ được thưởng thức trích đoạn 2 vở cải lương kinh điển: Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) và Câu thơ yên ngựa với lớp diễn Xử án Thượng Dương (tác giả NSND Thanh Tòng). Đây là 2 trích đoạn rất quen thuộc với khán giả mê cải lương, lần này được dàn dựng từ tư duy của những người làm nghệ thuật trẻ tuổi. Đó là làm cải lương cho khán giả trẻ nhưng vẫn được khán giả lớn tuổi ủng hộ, làm mới cách thức tổ chức dàn dựng nhưng vẫn giữ được sự nguyên bản. Nhân vật trên sân khấu không đơn thuần được xây dựng là nhân vật chính diện hay phản diện, mà tâm lý đi vào chiều sâu, phản ảnh những góc khuất của con người. 

Trong những sự khác lạ của chương trình, có sự xuất hiện NSƯT Việt Anh trong vai Hội đồng Thăng và nghệ sĩ Quang Thảo trong vai Minh Luân (con trai cô Lựu). Lớp diễn giữa Hội đồng Thăng và cô Lựu chứa đựng đầy sự cam chịu và đau khổ, vì yêu mà không được yêu, sống bên nhau mà không hề có cảm xúc…, tạo nên ấn tượng đặc biệt cho người xem. 

Với lớp diễn Xử án Thượng Dương, khán giả thấy được sự kết hợp hấp dẫn từ thế hệ thứ năm của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ, gồm: NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Điền Trung (cháu rể).

Với màn diễn này, tác giả Quang Thảo đã xin phép gia đình cố NSND Thanh Tòng, viết thêm một lớp diễn, đó là màn độc diễn đặc sắc của NSƯT Quế Trân trong vai Thượng Dương hoàng hậu, bày tỏ nỗi lòng của một phụ nữ với nỗi đớn đau của phận chồng chung, với cuộc chiến quyền lợi, danh vọng chốn hậu cung.   

Quảng bá văn hóa Nam bộ

Chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội do Công ty Green Horizon đảm nhận vai trò nhà sản xuất, đã chọn tác giả, đạo diễn Quang Thảo, một tác giả sân khấu trẻ, có năng lực để hợp tác thực hiện.

Bà Đan Vi, đại diện Green Horizon, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là góp sức bảo toàn và quảng bá văn hóa Nam bộ, tìm lại giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, đi liền với sự sáng tạo. Sân khấu hôm nay đang cố gắng tìm lại khán giả. Các sân khấu xã hội hóa vẫn đang nỗ lực làm nghề. Để góp chút sức, chúng tôi thực hiện chương trình mang tính tổng hợp, mong muốn giới thiệu và quảng bá nhiều hơn những giá trị tinh hoa của cải lương đến với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Tôi trông chờ khán giả ủng hộ để có thể tiếp tục làm dài hơi những chương trình nghệ thuật ý nghĩa như vậy”. 

Đạo diễn Quang Thảo, người có nhiều năm kinh nghiệm ở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, IDECAF, đã rất cẩn trọng trước khi nhận lời mời cùng hợp tác thực hiện chương trình này.

Anh chia sẻ: “Tôi mê cải lương từ nhỏ, cũng từng mơ mộng làm kép hát nên rất thích đọc những sách có liên quan đến nghề hát. Nhưng duyên nghề cho tôi gắn bó với kịch nói. Nhận lời mời làm tổng đạo diễn chương trình lần này, tôi tự tin về khả năng viết kịch bản, cách xâu chuỗi sự kiện của mình, nhưng thực sự cũng có áp lực riêng. Chúng tôi xem đây là nỗ lực của người trẻ cùng góp thêm chút sức tôn vinh chặng đường 100 năm nghệ thuật cải lương. Cải lương mai sau phải đi tiếp và đi như thế nào chính là trách nhiệm của người trẻ hôm nay”.

Tin cùng chuyên mục