Người Trung Quốc đổ 24 tỷ USD mua “visa vàng”

Hơn 100.000 người Trung Quốc đã chi 24 tỷ USD trong thập niên qua vào các chương trình “visa vàng” khắp thế giới, đổi đầu tư lấy quyền cư trú. 
Mỹ là nơi thu hút nhất, đã nhận 7,7 tỷ USD đầu tư để cấp hơn 40.000 visa cho các nhà đầu tư Trung Quốc và gia đình họ.
Sức hút của “visa vàng”
Hầu hết các chương trình di dân đầu tư lớn trên thế giới đều có người Trung Quốc là trung tâm, vì vậy, nhiều nước đang thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Quảng cáo các chương trình đầu tư xuất hiện đầy trên điện thoại di động và các trang web Trung Quốc. Tại những hội thảo trong các khách sạn sang trọng ở Trung Quốc, các quan chức nước ngoài thuyết trình cùng một thông điệp: “Bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước có nền giáo dục tốt hơn, môi trường trong lành và tương lai ổn định”.
Kết quả điều tra của AP công bố giữa tháng 5 cho thấy, số người Trung Quốc sử dụng các chương trình di dân đầu tư khắp thế giới đã tăng gấp 3 từ năm 2010 đến 2015. Trong thập niên qua, người Trung Quốc đã lấy 75% visa đầu tư của Mỹ, 70% visa đầu tư của Bồ Đào Nha và 85% visa đầu tư của Australia. Người Trung Quốc đứng đầu visa đầu tư tại Canada, Anh, New Zealand, Tây Ban Nha, Hungary và Malta.
Người Trung Quốc đổ 24 tỷ USD mua “visa vàng” ảnh 1 Hội thảo Invest in America về chương trình di dân đầu tư Mỹ EB-5 thu hút đông người Trung Quốc tham dự ở Bắc Kinh ngày 7-5-2017. Ảnh: AP
AP thu thập dữ liệu từ các quan chức ở 13 nước về số người Trung Quốc đã sử dụng chương trình đầu tư của nước họ từ năm 2007. Số tiền đầu tư đã chi được ước tính bằng cách nhân số lượng nhà đầu tư Trung Quốc ở mỗi nước với mức yêu cầu đầu tư tối thiểu, nên kết quả còn thấp hơn thực tế. Đứng đầu thị trường là Mỹ với chương trình EB-5, cho phép bất cứ ai đầu tư 500.000 USD vào một doanh nghiệp tạo ra hoặc duy trì ít nhất 10 việc làm.
Một số nước khác cung cấp những lựa chọn thay thế ít tiền hơn hoặc nhanh hơn, như Bồ Đào Nha đã thu được ít nhất 1,7 tỷ USD trong 4 năm từ các nhà đầu tư Trung Quốc mua bất động sản hỗ trợ thị trường bất động sản bất ổn của họ; Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng có các chương trình tương tự và người Trung Quốc đã mua nhiều visa ở cả 3 nước này. 5 nước vùng Caribbean đã cấp hộ chiếu cho nhà đầu tư ít nhất 100.000 USD.
Trung Quốc là những người mua visa hàng đầu ở Antigua và Barbuda. Australia đòi hỏi đầu tư đến 5 triệu AUD (gần 3,7 triệu USD), gần gấp 8 lần chương trình EB-5, nhưng ước tính đã thu hút hơn 6 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc chỉ trong 4 năm.
Làn sóng các nhà đầu tư “visa vàng” phản ánh sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, cũng cho thấy họ ngày càng muốn ra nước ngoài cư trú bằng cách đầu tư. Những di dân này không phải do đói nghèo, khủng bố hay chiến tranh, mà là những người đã có công ăn việc làm ổn định và những người muốn tìm cuộc sống mới tốt hơn.
Bùng nổ kinh tế Trung Quốc kéo dài 4 thập niên từ những năm 1970 đã làm 500 triệu người thoát nghèo và đưa đông đảo nông dân vào làm những lĩnh vực sản xuất hoặc dịch vụ thu nhập cao. Hơn 3 triệu hộ gia đình Trung Quốc hiện có thu nhập trên 34.000 USD/năm, theo Hãng tư vấn McKinsey & Company.
Yếu tố chính của sức mua là sự bùng nổ bất động sản ở Trung Quốc. Giá bất động sản tại các TP lớn đã tăng gấp 3 trong thập niên qua, giá trung bình ở Bắc Kinh tăng 25%/năm trong suốt thời gian đó. Chỉ từ cuối năm 2015, giá nhà ở Bắc Kinh đã tăng 63%, đẩy giá căn hộ 120m2 lên hơn 1 triệu USD.
Một gia đình có quyền sở hữu căn hộ chung cư hơn một thập niên trước, nay có thể bán lại với giá của một “visa vàng” và nhiều gia đình đang chọn cách đó. Hai năm trước, Jenny Liu, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở TP Nam Kinh, bán căn hộ 500.000 USD lấy tiền đầu tư vào một dự án khách sạn ở Mỹ theo chương trình visa EB-5, nhắm tạo đủ việc làm trong vòng 2 năm để cô nhận được thẻ xanh và cho con trai 9 tuổi đi học ở Mỹ.
Như Liu, nhiều nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư tiềm năng được AP phỏng vấn cho biết, họ muốn con cái được hưởng hệ thống giáo dục tốt. Cherry Deng, bà mẹ của con trai 10 tuổi ở Tứ Xuyên, đã dùng tiền từ kinh doanh đại lý xe hơi để đầu tư một dự án xây dựng cảng ở bang North Carolina thông qua chương trình EB-5. Joey, không muốn nêu tên thật, 30 tuổi, cư dân Bắc Kinh làm việc cho một tập đoàn nhà nước lớn cho biết, anh và hôn thê đã có một căn hộ 2 phòng ngủ, sắp kết hôn và có kế hoạch sinh con ở Trung Quốc nhưng muốn con lớn lên ở nơi khác, bạn bè và người thân đã giúp anh chuyển đủ tiền ra nước ngoài đầu tư theo chương trình EB-5 của Mỹ.
Nguồn lợi của nhiều nước
Stephen Yale-Loehr, chuyên gia về chương trình di dân đầu tư, giáo sư Trường Luật Cornell, cho biết: “Đó là một ngành công nghiệp ngày càng phát triển và chúng ta cần giám sát hơn nữa. Khi được thực hiện đúng, EB-5 có thể đem lợi cho nền kinh tế”.
Các nhà bảo vệ EB-5 nói chương trình tạo công ăn việc làm và cung cấp nguồn vốn quan trọng cho các dự án khắp Mỹ, từ New York tới vùng Trung Tây và Bờ Tây. “Đó là chương trình thường xuyên hoạt động tốt”, theo Matthew Galati, luật sư ở Philadelphia giúp các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư ở Mỹ.
Tuy nhiên, các cơ quan giám sát của chính phủ và các nhà làm luật của cả 2 đảng ở Quốc hội Mỹ chỉ trích nặng nề chương trình EB-5. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân chủ bang California, người đã đề xuất luật kết thúc chương trình, gọi EB-5 là “âm mưu Ponzi”.
Thượng nghị sĩ Charles Grassley của đảng Cộng hòa bang Iowa, cho biết EB-5 “đặt ra những rủi ro an ninh quốc gia đáng kể” và có thể “tạo điều kiện cho khủng bố đi lại, gián điệp kinh tế, rửa tiền và gian lận đầu tư”. Các nhà điều tra liên bang cho biết, vào tháng 4 đã phát hiện ít nhất 3 nhà đầu tư Trung Quốc đã nhận thẻ xanh qua EB-5 là những người bị Bắc Kinh truy nã. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã khởi kiện hơn một chục trường hợp từ năm 2013 về gian lận trong các dự án liên quan khoảng 2.000 nhà đầu tư và hơn 1 tỷ USD vốn.
Chương trình di dân đầu tư của Canada ước tính người Trung Quốc đã đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD trong thập niên qua, nhưng chính phủ đã kết thúc chương trình vào năm 2014, với lý do nó đã “định giá thấp” người Canada và tạo ít lợi ích kinh tế. Chỉ tỉnh Quebec giữ lại chương trình riêng, đã thu hút ít nhất 1,9 tỷ USD đầu tư của người Trung Quốc.
Một cựu Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha và các quan chức cấp cao chính phủ đã bị xét xử vào tháng 2 vì tham nhũng, lợi dụng chức quyền và lừa đảo trong việc xử lý các đơn xin visa đầu tư liên quan 3 doanh nhân Trung Quốc. Hungary đã ngừng chương trình bán visa lấy trái phiếu chính phủ vào đầu năm nay sau khi các đảng đối lập và cơ quan giám sát cáo buộc chương trình tham nhũng.
Trớ trêu là các đề xuất kết thúc chương trình di dân đầu tư lại thường trở thành công cụ tiếp thị ở Trung Quốc. Một nhân viên đã lưu ý các đề xuất thay đổi EB-5 mới đây bằng cách nói: “Đừng do dự nữa, hành động nhanh lên”.
Tham dự một hội thảo tại Bắc Kinh do một nhóm đầu tư giới thiệu các khu trượt tuyết và các dự án khác ở Mỹ, Du Juan biết tiềm năng rủi ro đầu tư thông qua chương trình của Mỹ, nhưng sẵn sàng chấp nhận để có thể cho con gái 10 tuổi sớm đi học ở Mỹ. “Tôi không lo về 500.000 USD, mà lo về việc mất thời gian. Tôi sợ chúng tôi sẽ không kịp có visa khi cần”, Du nói.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang cố gắng làm chậm quá trình di dân. Các bài báo chỉ trích các chương trình di dân đầu tư xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thường nêu bật những vụ gian lận hoặc những câu chuyện gặp rắc rối khi ra nước ngoài. Trung Quốc cũng thắt chặt kiểm soát số tiền cá nhân và công ty có thể chuyển ra nước ngoài. Mức giới hạn một cá nhân được phép chuyển ra nước ngoài hàng năm 50.000 USD sẽ được siết chặt và bất kỳ chuyển khoản trên 10.000 USD sẽ phải báo cáo. Tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn thường lách các kiểm soát như vậy bằng cách chuyển nhiều đợt hoặc nhờ bạn bè và người thân giúp.

Tin cùng chuyên mục