Nguồn thu chưa vững chắc, chi còn tùy tiện

Chiều 22-5, Quốc hội đã nghe tờ trình đề nghị phê chuẩn, báo cáo kiểm toán và thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: quochoi.vn
Nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 911.100 tỷ đồng; chi 1.177.100 tỷ đồng; bội chi 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP. Kết thúc năm tài chính 2015, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua quyết toán thu là: 1.291.342 tỷ đồng, chi 1.502.189 tỷ đồng, bội chi 6,28% GDP thực tế.
Dù đồng tình với các con số quyết toán mà Chính phủ nêu nhưng báo cáo kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cũng chỉ ra không ít hạn chế, bất cập trong công tác thu - chi. Ví dụ như trong thu, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.
Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 11.364,8 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 2.054 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV 1.755 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV 1.264 tỷ đồng...
Nguồn thu chưa vững chắc, chi còn tùy tiện ảnh 1 Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là một trong số các số  các đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn 
Đặc biệt qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp qua đối chiếu thuế phải nộp NSNN tăng thêm 882 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định, hầu hết các khoản thu NSNN năm 2015 đều đạt và vượt dự toán, một số khoản thu thuế, phí vượt cao so với dự toán đầu năm; chỉ có 2 khoản thu không đạt dự toán là thu từ dầu thô (đạt 72,6% dự toán), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 99% dự toán), song đây là 2 khoản thu có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015. Trong cơ cấu thu NSNN, thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 66% thu cân đối NSNN, đây là tỷ trọng khá cao so với các năm trước. Thu từ doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến tích cực, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực và vai trò trong nền kinh tế. Số vượt thu trong năm 2015 chủ yếu là do tăng thu từ tiền sử dụng đất.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, năm 2015, công tác chống thất thu, thu nợ đọng thuế đã được tổ chức triển khai quyết liệt, tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm có nơi còn chưa đúng quy định, tính răn đe chưa đủ mạnh, tình trạng khai man, trốn thuế ở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý vẫn còn lớn. 
Hầu hết chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức
Đối với chi, dự toán 777.000 tỷ đồng, quyết toán 788.500 tỷ đồng (chiếm 62,3% tổng chi NSNN), tăng 1,5% (11.500 tỷ đồng) dự toán. Trong đó, quyết toán chi ngân sách trung ương vượt 2,5% (8.821 tỷ đồng), ngân sách địa phương vượt 0,6% (2.679 tỷ đồng) dự toán. Một số địa phương hụt thu chưa rà soát, cắt giảm hoặc thực hiện cắt giảm chưa triệt để nhiệm vụ chi tương ứng theo quy định (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Cà Mau); 33/46 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.382 tỷ đồng (như: Trà Vinh 231 tỷ đồng; Hà Tĩnh 191 tỷ đồng; Bắc Ninh 167 tỷ đồng; Bình Phước 130 tỷ đồng; Thanh Hóa 128 tỷ đồng, Khánh Hòa 57 tỷ đồng, Quảng Ninh 49 tỷ đồng, Hà Nội 45 tỷ đồng…), trong đó bổ sung chi thường xuyên sai quy định 265 tỷ đồng; chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi. 
Trong báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhận xét, mặc dù tình trạng chi vượt chế độ, tiêu chuẩn, định mức đã dần được khắc phục, nhưng hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kiểm toán vẫn còn một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Trong khi đó, một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả sử dụng NSNN, như: chi giáo dục đào tạo và dạy nghề, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ, chi lương hưu và bảo đảm xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2015 là 308.853 tỷ đồng, tăng 37,3% so với dự toán. Trong đó quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương tăng 35,6%, ngân sách địa phương tăng 37,9%. Theo cơ quan thẩm tra nhận xét, tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục hữu hiệu, sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Tin cùng chuyên mục