Nguy cơ mất an toàn kinh doanh trên bè nổi

Bè nổi, nhà hàng nổi… là khái niệm dành cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên biển, đặc biệt là ở các điểm “nóng” về du lịch.
Hệ thống nhà hàng nổi ở Khánh Hòa vẫn tồn tại dù đã bị cấm
Hệ thống nhà hàng nổi ở Khánh Hòa vẫn tồn tại dù đã bị cấm
 Mặc dù một số địa phương đã nghiêm cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này vì nguy cơ mất an toàn cao, tuy nhiên, nhiều chủ bè nổi vẫn bất chấp hoạt động trong sự hưởng ứng của du khách.

Bè nổi vẫn hoạt động công khai

Nói đến du lịch biển đảo phải nói đến Khánh Hòa. Địa phương không chỉ có biển đẹp, mà nơi đây còn có nhiều loại hình dịch vụ khá độc đáo, trong đó phải kể đến nhà hàng nổi trên các vùng biển khá kín gió. Vậy nên, chỉ trong vòng 5 năm qua, hệ thống nhà hàng nổi tại Khánh Hòa đã mọc lên với tốc độ khá chóng mặt. Từ chỗ người dân bản địa tận dụng các bè nuôi tôm cá để bán thêm các loại hải sản cho khách thích du lịch kiểu khám phá, thì nay cạnh các bè nổi còn có các nhà hàng nổi quy mô hàng ngàn mét vuông. 

Trong 2 ngày qua, chúng tôi có mặt tại đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh. Không khí du lịch mấy ngày lễ diễn ra rầm rộ khi khách kéo về đây đông gấp 3-4 lần ngày thường. Tất nhiên, các nhà hàng nổi trên đảo Bình Ba cũng tranh thủ để hoạt động đón khách dưới nhiều hình thức. Qua quan sát, việc đón khách không công khai, rầm rộ như trước, nhưng lượng khách trên các bè nổi vẫn đông bởi nhu cầu khách quá lớn. Anh Nguyễn Văn Tú, du khách đến từ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho biết dịp lễ này anh cùng nhóm bạn khoảng 10 người đến Bình Ba. Khi được hỏi về độ an toàn khi ngồi trên các bè nổi, anh Tú thản nhiên: “Cũng nghe cảnh báo sau vụ chìm bè ở Ninh Thuận, nhưng đến Bình Ba, không dùng hải sản trên nhà hàng nổi, bè nổi thì không biết dùng ở đâu giữa cái nắng chang chang buổi trưa này”.

Phải thừa nhận, loại hình kinh doanh nhà hàng nổi trên biển là một sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn cho các điểm du lịch. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng ở xã Cam Bình hiện có khoảng 28 bè du lịch đang hoạt động, trong đó khu vực đảo Bình Ba có 20 bè, số còn lại ở đảo Bình Hưng. Sau vụ chìm bè du lịch ở Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận), chính quyền địa phương cấm đưa khách xuống bè nên hoạt động của các bè du lịch gián đoạn một thời gian, nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, các bè lại đón khách bình thường. Theo ông Trần Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Cam Bình, địa phương đã cho người dân ký cam kết không đưa khách xuống bè ăn uống, nhưng người dân vẫn lén lút hoạt động. Nếu xã phát hiện được sẽ xử phạt vi phạm hành chính, ở mức 2 triệu đồng/trường hợp. Hiện nay, xã chưa thực hiện được việc cưỡng chế, bởi muốn làm vậy phải trình UBND TP Cam Ranh để có phương án giúp xã. Từ tháng 11-2016 đến nay, chính quyền xã đã xử phạt 2 trường hợp ở đảo Bình Hưng và 3 trường hợp ở đảo Bình Ba, với các mức phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt này chẳng thấm gì so với lợi nhuận thu được nên nhiều chủ bè vẫn cố tình hoạt động, dù đã cam kết.

Cần quyết liệt hơn

Không chỉ có Bình Ba, hoạt động bè nổi trên vịnh Nha Trang mấy ngày nay khá thoải mái. Mặc dù đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm hoạt động các bè nổi, nhưng nhiều nhà bè vẫn hoạt động lén lút. 

Ở nhiều bè, ca nô, tàu du lịch chở khách vẫn cập vào để du khách lên ăn uống. Tại khu vực đảo Hòn Một (vịnh Nha Trang), trong mấy ngày này, các bè vẫn có khách lên ăn uống bình thường. Do gần đây lực lượng chức năng đến kiểm tra, nghiêm cấm việc hoạt động bè nổi nên các bè này không để bảng tên để che mắt. Tuy nhiên, vị trí từng bè thì đã được các chủ tàu, đơn vị kinh doanh du lịch thuộc như lòng bàn tay. Một số nhân viên trên một số bè ở vịnh Nha Trang cho biết, cơ quan chức năng có một vài lần đến nhắc nhở không được đón khách xuống bè ăn uống, tuy nhiên các bè vẫn đón khách và “ngụy trang” là phục vụ người nhà, người quen. 

Theo báo cáo của Sở GT-VT tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh hiện có 48 bè du lịch, tập trung chủ yếu ở khu vực phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang), đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng. Đa số các bè du lịch trên đều được hoán cải từ bè nuôi trồng thủy sản, có diện tích từ 150 - 800m². Tất cả các bè đều không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không đủ điều kiện pháp lý, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để hoạt động. Thế nhưng, cứ mỗi lần có đoàn kiểm tra đến, chủ các bè nổi thường biện minh bằng nhiều cách. Các chủ bè nổi ở Bình Ba cho rằng, bè của họ được kéo vào gần bờ, nơi có mực nước từ 2 - 4m, được nối với bờ bằng cầu gỗ nên nếu lỡ có chuyện gì xảy ra thì khách hàng vẫn kịp lên bờ. Ngoài ra, họ còn bố trí người nhà, người giỏi bơi túc trực thường xuyên để phòng ngừa sự cố. Còn các chủ bè ở vịnh Nha Trang lý giải, bè của họ được làm từ vật liệu tốt hơn rất nhiều so với bè nuôi thủy sản, nên khả năng bị chìm gãy là rất thấp. 

Thế nhưng, theo ông Võ Duy Quý, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, người dân không thể suy nghĩ chủ quan, bởi các bè nổi du lịch thực sự có nguy cơ rất cao về mất an toàn. Vị trí bè nổi dù ở xa hay gần bờ, nếu lỡ xảy ra sự cố đáng tiếc, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn, mà sự cố bè nổi ở Vĩnh Hy là minh chứng. Tuy nhiên, đến nay, việc xử phạt cũng như kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng với các bè nổi hầu như bị bỏ ngỏ hoặc không đủ sức răn đe.

Tin cùng chuyên mục