Nguy cơ vỡ thêm đập bùn thải tại Brazil

Giới chức Brazil đã cảnh báo nguy cơ một con đập khác cũng tại Brumadinho, thành phố tự trị bang Minas Gerais, có thể bị vỡ sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải cách đây 2 ngày, tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao thuộc sở hữu của Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 34 người, trong khi vẫn còn hàng trăm người mất tích.
Hình ảnh trước và sau vụ vỡ đập tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao. Ảnh: Twiter
Báo động được đưa ra chiều 27-1 (giờ Việt Nam) cho biết mực nước của con đập này hiện đang ở mức cao.

Đáng chú ý, con đập này cũng là một phần của tổ hợp Corrego do Feijao và nằm gần vị trí con đập đã vỡ 2 ngày trước đó. Công tác sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm đang được triển khai nhanh chóng. 

Nguy cơ vỡ thêm đập bùn thải tại Brazil ảnh 2 Dòng bùn đỏ từ vụ vỡ đập tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao. Ảnh: Xinhua
Ngày 25-1, đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao thuộc sở hữu của Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale, nhà sản xuất và khai thác sắt lớn nhất thế giới, bị vỡ đã làm tràn hàng nghìn mét khối bùn và nước xuống khu vực dân cư xung quanh.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, hồ chứa có khoảng 1 triệu m³ chất thải khoáng sản.
Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư ở thị trấn Vila Ferteco.
Cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil đã phạt Tập đoàn Vale 66 triệu USD sau thảm họa trên.
Nguy cơ vỡ thêm đập bùn thải tại Brazil ảnh 3 Dòng chất thải từ vụ vỡ đập tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao làm dấy lên lo ngại về  tình trạng ô nhiễm lan rộng. Ảnh: AP
Cách đây 4 năm, cũng tại bang Minas Gerais đã xảy ra một vụ vỡ đập thuộc sở hữu của Vale và Tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton của Australia khiến 19 người thiệt mạng và hàng trăm người phải đi sơ tán.

Đây được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người và môi trường sống của các loài thủy sinh. Ước tính 60 triệu m³ chất thải đã đổ ra các con sông và cuối cùng là Đại Tây Dương.

Tin cùng chuyên mục