Nguyên liệu làm phân bón thành... thức ăn gia súc

Hàng năm, có trên 500.000 tấn bột thịt xương nhập khẩu vào nước ta, trị giá khoảng trên 200 triệu USD. Thế nhưng, thực tế có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu bột thịt xương làm giả các chứng từ để nhập khẩu loại bột thịt xương chỉ dùng làm phân bón, rồi bán lại cho các nhà máy trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hàng năm, có trên 500.000 tấn bột thịt xương nhập khẩu vào nước ta, trị giá khoảng trên 200 triệu USD. Thế nhưng, thực tế có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu bột thịt xương làm giả các chứng từ để nhập khẩu loại bột thịt xương chỉ dùng làm phân bón, rồi bán lại cho các nhà máy trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chặt chẽ ở thủ tục nhập khẩu

Trong thời điểm hiện tại, thị trường các nước xuất khẩu chính của bột thịt xương vào Việt Nam là từ Ý, Ukraine, Brazil, Mỹ, Úc... Bột thịt xương được sản xuất từ đạm tái chế của động vật, sử dụng các phụ phẩm bao gồm thịt dư, các bộ phận không ăn được và xác chết động vật như bò, heo, gà… để nấu chín. Sau đó, qua quá trình phân loại, lông, tóc, móng, máu, dạ dày được loại bỏ, chỉ để lại thịt và xương, rồi sẽ được xay mịn và sấy khô đến độ ẩm dưới 10% để bảo quản. Tùy thuộc vào chất lượng, bột thịt xương được sử dụng cho 3 mục đích chính: dùng làm phân bón; dùng làm nguyên liệu bổ sung thức ăn chăn nuôi; dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho chó. Khi nhập khẩu vào Việt Nam, bột thịt xương phải được lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu bắt buộc theo quy định như sau: không có ADN của bò và cừu (trường hợp sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Âu); không có mầm bệnh lở mồm long móng (FMD); không có mầm bệnh bò điên (BSE); không có vi khuẩn Salmonella; không có vi khuẩn E.coli; hàm lượng Nitơ Amoniac dưới 250mg/kg...

Sản phẩm bột thịt xương được xếp vào nhóm hàng bổ sung thức ăn chăn nuôi, nên được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu. Căn cứ Quyết định 45/2005 ngày 25-7-2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng bột thịt xương nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm dịch. Do đó, khi nhập khẩu mặt hàng này, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, doanh nghiệp còn phải nộp 1 bản sao và xuất trình bản chính giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan kiểm dịch cấp cho chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan. Theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 156/2011 ngày 14-11-2011 của Bộ Tài chính, bột thịt xương có thể áp mã hàng trong các nhóm hàng: thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ; sản phẩm gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở các nơi khác; phế liệu và phế thải từ ngành công nghiệp thực phẩm; thức ăn gia súc đã chế biến. Nhà nhập khẩu căn cứ thực tế tính chất, thành phần cấu tạo thực tế hàng hóa nhập khẩu và áp dụng 6 quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 156/2011 để xác định mã hồ sơ chi tiết phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.

Lập lờ đánh lận

Theo khảo sát, giá chào bán bột thịt xương dùng cho thức ăn chăn nuôi (Feed Grade) giao tại cảng Việt Nam của thị trường thế giới trong thời điểm hiện tại thấp nhất là từ châu Âu - khoảng 10.060 đồng/kg và cao nhất là từ Úc - khoảng 12.300 đồng/kg. Tuy nhiên, các công ty nhập khẩu của Việt Nam đang chào bán bột thịt xương cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá giao tại nhà máy là 11.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, nếu nhập khẩu một cách bình thường từ thị trường có giá bán thấp nhất, cộng thêm các chi phí nhập khẩu, thủ tục hải quan, phí lưu kho, vận chuyển, đóng gói, phí quản lý và lãi suất ngân hàng… thì các công ty nhập khẩu hầu như không có lợi nhuận.

Một mẫu bột thịt xương

Từ đó dẫn đến nghi vấn: Thực chất bột thịt xương nhập khẩu có đúng là loại nguyên liệu dùng cho thức ăn chăn nuôi? Các cơ quan chức năng có quan tâm đến việc sản phẩm bột thịt xương nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng có đúng mục đích hay không, cụ thể: sản phẩm được nhập khẩu là loại dùng làm thức ăn chăn nuôi hay dùng làm phân bón? Sản phẩm bột thịt xương nguồn gốc từ châu Âu có lẫn ADN bò và cừu bị cấm nhập khẩu. Trong trường hợp này, các cơ quan kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải có đủ nghiệp vụ để kiểm tra một giấy chứng nhận xuất xứ.

Trong thời gian gần đây, cơ quan công an đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bột thịt xương làm giả các chứng từ để nhập khẩu những loại bột thịt xương mà các nước khác chỉ dùng làm phân bón, rồi từ những loại nguyên liệu đó, họ đã bán lại cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Do vậy, để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại gây ảnh hưởng chất lượng thức ăn gia súc cung ứng thị trường trong nước, các cơ quan chức năng cần kiểm soát kỹ việc đóng bao tại kho của các doanh nghiệp nhập khẩu, trên nguyên tắc sản phẩm được đóng gói lại sẽ là một sản phẩm khác và bắt buộc phải đăng ký. Cũng cần chú ý kiểm soát để ngăn chặn hành vi gian lận trộn thêm bột lông vũ, melamin, acid cyanuric… để làm tăng hàm lượng đạm.

Trong trách nhiệm của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và của Cơ quan Thú y Vùng VI cần phải có giải pháp phù hợp. Những hành vi gian lận gây ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải được ngăn chặn để không còn được tiếp diễn.

MINH THANH

Tin cùng chuyên mục