Nguyên nhân khiến hơn 8.000ha cam Hà Giang rụng lăn lóc

Ngày 14-2, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã có báo cáo về nguyên nhân khiến hơn 8.000ha cam sành thi nhau rụng như bi sau một trận mưa ở các vựa cam Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình…
Chưa bao giờ cam ở Hà Giang lại lâm vào cảnh tượng thế này. Ảnh: CTV
Chưa bao giờ cam ở Hà Giang lại lâm vào cảnh tượng thế này. Ảnh: CTV

Sau khi xảy ra tình trạng cam rụng như bi kín mặt đường, nát bầm khắp các vườn trại ở các “vựa” cam sành đặc sản là Bắc Quang và Quang Bình; UBND tỉnh Hà Giang vừa có công văn yêu cầu các sở công thương, nông nghiệp và tài chính của tỉnh này tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ cam, xử lý hiện tượng cam bị rụng.

Công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến ký, yêu cầu trực tiếp Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình chịu trách nhiệm chủ động tìm kiếm thị trường và tìm giải pháp tiêu thụ cam cho người dân; trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương tỉnh Hà Giang để tháo gỡ vướng mắc. Riêng Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang được giao trách nhiệm làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cam vào hệ thống Vinmart.

Nông dân Hà Giang xót xa nhìn cả núi cam rụng nát

Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang chỉ đạo thu dọn, xử lý số cam bị rụng từ ngày 14-2; phân tích chính xác nguyên nhân cam bị rụng, hoàn thành trước ngày 28-2. Sở Công thương làm việc với các đầu mối để đẩy mạnh tiêu thụ cam cho các hộ có nhu cầu. Sở Tài chính thẩm định mức độ thiệt hại, đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định.

Ngày 14-2, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã có báo cáo chi tiết thiệt hại về cam rụng. Cụ thể, tại huyện Bắc Quang, ước thiệt hại 7.000 tấn; tại huyện Quang Bình ước thiệt hại 1.200 -1.300 tấn.

Gặp mưa cam rụng, hiện trên cây còn nhiều nhưng lại không bán được

“Trên cơ sở đi kiểm tra thực tế tại 4 vùng trồng cam tại huyện Bắc Quang cho thấy tỷ lệ cam sành bị rụng, tính đến thời điểm ngày 12-2, ước khoảng: 33,7% so với số lượng cam còn trên cây”- theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang.

Tại vùng trồng cam sành của HTX Anh Tài cho thấy tỷ lệ rụng bình quân ước khoảng 41%, có vườn rụng đến 70%. Dự báo tỷ lệ cam rụng vẫn sẽ tiếp diễn, ngay cả khi trời không mưa.

Hiện nay, cam vẫn đang tiếp tục rụng. Ảnh: CTV

Về nguyên nhân, Sở NN-PTNT Hà Giang xác định, do thời tiết mưa kéo dài từ ngày 28-1 đến ngày 11-2, kèm theo có sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước, qua kiểm tra cho thấy một số quả trên cây bị dạn vỏ gây nấm mốc làm cho quả cam bị thối và rụng.

Có nơi do thời tiết bắt đầu ấm lên, chu kỳ xuân hóa của cây bắt đầu, vì vậy việc tự điều chỉnh sinh lý của cây để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới nên dẫn tới rụng quả.

Ngoài ra, còn do sức mua giảm (do tạm đóng cửa biên giới - xe vận chuyển hàng hóa 2 chiều không có) nên người dân để nhiều quả trên cây. Và cũng một phần do một số vườn tự để quả bán muộn với mục đích được giá cao nên để toàn bộ quả trên cây.

Theo báo cáo năm 2019, Hà Giang có 7.067,42ha cam sành, sản lượng ước đạt trên 60.759 tấn. Bắc Quang là huyện có diện tích trồng cam lớn nhất, tại 22/23 xã, thị trấn đều trồng cam với 4.589,6ha.

Tin cùng chuyên mục