Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp

Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại. Có người cho rằng nếu xếp những tác phẩm ông đã sáng tác chồng lên nhau thì chắc chắn số sách đó sẽ cao hơn nhiều so với chính ông.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
 Còn nếu tính cả số sách tái bản thì con số này là những kỷ lục trong xuất bản và thực tế là nhà văn đã nhận đến hai kỷ lục về xuất bản như vậy. 
Không chỉ có lượng sách xuất bản kỷ lục, Nguyễn Nhật Ánh còn ghi dấu là một trong những tác giả được nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam biết đến nhất. Ngay tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, nơi nhà văn công tác lâu nhất cũng là nơi ghi lại một kỷ niệm độc đáo. Vào giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, những đồng nghiệp cùng làm việc với nhà văn đã phải “cay đắng” khi nghe con mình bảo: “Con không tin. Ba mà quen được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh!”. Đến mức như nhà báo Võ Như Lanh, cố Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nguyên Phó Tổng biên tập Báo SGGP, kể lại sau này rằng có lúc phải thốt lên: “Tức cái bọn trẻ con thiệt! Nguyễt Nhật Ánh là lính của mình chứ đâu!”. Rồi khi những đứa con lớn lên, một số đi theo con đường báo chí, trở thành đồng nghiệp với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và lịch sử lặp lại khi những đứa con của họ lại tiếp tục ngạc nhiên: “Bố/mẹ được làm việc chung với bác Nguyễn Nhật Ánh thật à!”. 
Câu chuyện trên được chính những người bạn đồng nghiệp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể lại trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp do NXB Trẻ xuất bản đầu tháng 5-2017. Là một hiện tượng của văn học thiếu nhi Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, đã có rất nhiều tác phẩm, tác giả viết về nhà văn nhưng Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp lại là một tác phẩm khác biệt. Đây được xem là một món quà của bạn bè, đồng nghiệp gửi đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa nhân sinh nhật lần thứ 62 của anh (7-5) vừa như một dấu ấn kỷ niệm 30 năm sáng tác của nhà văn.
Với 74 bài viết, xa nhất vào đầu năm 1990 và gần đây nhất là vào tháng 3-2017, tập sách đã gửi đến bạn đọc một hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua nhận xét của bạn bè, bạn đọc, đồng nghiệp… tạo nên hình ảnh đa chiều về nhà văn đặc biệt này. Đó có thể là sự khâm phục của người bạn văn Trần Đăng Khoa khi thấy bộ sách Kính vạn hoa tác giả muốn dừng nhưng bị bạn đọc ép phải viết tiếp. Là sự cảm ơn của cô Lê Giang, một bậc tiền bối đi trước trong nghề khi được đọc một tác phẩm đầy xúc động như Tôi là Bêtô. Là những kỷ niệm đẹp mà nhà văn đem lại của bạn đọc Phương Huyền… còn rất nhiều, rất nhiều những kỷ niệm, những hoài niệm như vậy được nhắc đến trong cuốn sách.
Trong một lần phỏng vấn không lâu trước đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nói, là con người ai cũng có những vấn đề trong cuộc sống, những dồn nén, bức xúc, những khó chịu, tức giận… thế nhưng khi đặt bút viết cho thiếu nhi nhà văn phải viết bằng cái tâm trong sáng nhất, không để những mặt tiêu cực trong cuộc sống của cá nhân ảnh hưởng đến tác phẩm từ đó ảnh hưởng đến bạn đọc nhỏ tuổi của mình. Có lẽ với cái tâm trong sáng đầy trách nhiệm với bạn đọc đó, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã có chỗ đứng riêng vững chãi và được bạn đọc yêu mến từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tin cùng chuyên mục