“Nhà của thời thơ ấu”, nơi tìm về những ký ức tuổi thơ

Nằm ngay giữa lòng thành phố, nhưng không quá ồn ào, náo nhiệt, "Nhà của thời thơ ấu" như một ngôi trường làng nhỏ bé giữa nhịp sống hiện đại, được nhiều em nhỏ lẫn người lớn yêu thích, thường xuyên tìm đến.

"Nhà của thời thơ ấu" nói không với công nghệ

Ngôi nhà không có công nghệ, chỉ có những món đồ mộc mạc, những khoảnh khắc ngồi chiếu uống trà và nghe hát, để không chỉ các em nhỏ mà ngay cả người lớn cũng được sống lại với những ký ức tuổi thơ đẹp nhất.

Đôi lần, đứng giữa sự hiện đại, xô bồ của thành phố, chúng ta cảm thấy ngột ngạt đến không ngờ. Khi ấy, ta chỉ muốn được thảnh thơi ngồi cùng bạn bè trong căn nhà chòi nhỏ, chơi trò bán hàng rong hay trò cô dâu - chú rể, được bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Tuổi thơ đẹp nhất, mộng mơ nhất đơn giản chỉ có thế!
Được ví như một ngôi trường làng giữa lòng thành phố suốt 3 năm qua, nằm trong một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, TPHCM, "Nhà của thời thơ ấu" mộc mạc, dân dã. Địa điểm này thuộc học viện Alu Academy (học viện nghệ thuật) dành cho các bé.
Nhà không có sự xuất hiện của công nghệ, tất cả mọi thứ được làm từ những vật liệu vô cùng quen thuộc với tuổi thơ của chúng ta. "Nhà của thời thơ ấu" được dựng lên bằng tất cả tình thương của những người thầy, người cô và các phụ huynh nơi đây, mong muốn có một sân chơi mang đến một tuổi thơ trọn vẹn cho các bé.
Chị Quỳnh Hương, người sáng lập "Nhà của thời thơ ấu" chia sẻ: "Mình là một người rất may mắn khi có được một tuổi thơ vô cùng đẹp. Khi lớn lên, mình mong muốn đem tuổi thơ của mình đến với các con, xây dựng nhà với mong muốn là thông qua nghệ thuật sẽ giúp cho các con tự tin hơn, nghệ thuật sẽ nuôi dưỡng tâm hồn cho các con, giúp cho các con bay bổng và sáng tạo".
“Nhà của thời thơ ấu”, nơi tìm về những ký ức tuổi thơ ảnh 3
Không máy tính, không ipad, không có sự hiện đại, tất cả mọi vật dụng trong nhà đều rất mộc mạc, chân quê. Các em nhỏ thích thú với những giờ dạy là buổi họp chợ với các món hàng quê dân dã, kẹo me, bánh bò, đậu phộng luộc, khoai lang nướng... Những buổi dạy cho các em nhỏ học hát, học diễn kịch tại sân khấu nhỏ được dựng trong nhà, những buổi ngồi chiếu đệm mà nghe các cô kể chuyện cũng thú vị không kém.
Ngôi nhà chứa đựng nhiều kỷ vật mà phụ huynh đem đến như những bộ truyện tranh, chiếc máy ảnh du lịch, heo đất... Đằng sau những món đồ đó đều là những kỷ niệm, những ký ức một thời của ba mẹ dành cho các con của mình.
Góp nhặt tuổi thơ
"Nhà của thời thơ ấu" được biết đến là "bạn thân" của "Nhà của thời thanh xuân" (Đà Lạt), nằm trong dự án hướng về cộng đồng của các bạn trẻ. Câu chuyện xây dựng về "Nhà của thời thơ ấu" của chị Đồng Lê Quỳnh Hương và người bạn đồng hành của mình anh là Nguyễn Anh Luân, bắt nguồn từ cảm hứng muốn mang đến một lớp học nghệ thuật dành cho thiếu nhi, điều đầu tiên là có thể thỏa ước muốn sáng tạo và giúp các bé có một tuổi thơ hạnh phúc trọn vẹn.
“Nhà của thời thơ ấu”, nơi tìm về những ký ức tuổi thơ ảnh 5
"Nhà của thời thơ ấu" đã và đang nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của nhiều phụ huynh, người thân và những bạn trẻ.
Chị Quỳnh Hương chia sẻ: "Mỗi bạn nhỏ khi đến đây là một câu chuyện khác nhau, mỗi bé là một màu sắc. Những người dạy các bé sẽ khơi gợi để các bé có thể tự kể về màu sắc của mình thông qua ngôn ngữ và nghệ thuật, giúp cho các bé thoát khỏi sự lệ thuộc của công nghệ. Quan trọng hơn, thầy cô sẽ dạy cho các bé kỹ năng mềm, bởi mình nghĩ tuổi thơ các bé không chỉ là điện thoại, ipad".
Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất khi xây "Nhà của thời thơ ấu" chắc có lẽ là việc phải tìm kiếm những vật dụng của thế kỷ trước. Những viên gạch bông, tủ gỗ, ghế mây, chiếc xửng tre, heo đất... đều được chị Hương "săn tìm" khắp nơi.
Hiện tại, tại "Nhà của thời thơ ấu" còn có "Nhà của sách", "Nhà sỏi", "Nhà chòi", "Đài phát thanh tuổi thơ"... Đây là những góc được xây dựng cho các bé được vui chơi thỏa sức. Ngoài ra, nhà cũng có cà phê siêu, phiên chợ quê và nhiều hoạt động ý nghĩa khác cho các bé.
Chị Hương tâm sự: "Mình mong muốn rằng dù chúng ta phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập nhưng trong sự hội nhập đó vẫn giữ được nét truyền thống, bởi mình là người Việt Nam, là con cháu của Lạc Hồng. Mình vẫn biết về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Tại đây, các em nhỏ sẽ được thoải mái phản biện và phát biểu ý kiến của mình, đó là điều mà nhà đang hướng tới".
Mong muốn sắp tới của "Nhà của thời thơ ấu" là có thể hướng đến các bạn trẻ, luôn mở cửa để chào đón các bạn trở về với miền ký ức, với những buổi họp chợ quê, ăn khoai nướng, uống tách trà và kể nhau nghe những câu chuyện trong cuộc sống... "Nhà của thời thơ ấu" sẽ là nơi góp phần nhỏ để lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt.

Tin cùng chuyên mục