Nhà đất ngân hàng thanh lý: Thật giả lẫn lộn

Thời gian gần đây, tại TPHCM xuất hiện nhiều thông báo trên trang tin điện tử, mạng xã hội và treo dọc theo các tuyến đường rao bán nhà đất ngân hàng thanh lý để thu hồi vốn cho vay. Nhà đất ngân hàng thanh lý rao bán giá hấp dẫn, người mua được nhiều ưu đãi, nhưng cũng có không ít trường hợp cò đất cố ý nhập nhằng, mạo danh. 
Bảng quảng cáo ngân hàng thanh lý nền đất giá rẻ treo dày trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TPHCM)
Bảng quảng cáo ngân hàng thanh lý nền đất giá rẻ treo dày trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TPHCM)

Nhà/đất thanh lý bung ra thị trường

Lượng nhà đất do ngân hàng thanh lý đang làm nóng thị trường bất động sản thời gian gần đây. Trong khi các chủ đầu tư dự án nhà đất ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An ở xa TPHCM phải tiếp thị bằng cách mời chào, tổ chức xe đưa đón khách hàng đi tham quan dự án, ăn uống miễn phí, thì các ngân hàng tiếp thị để bán nhà đất thanh lý bằng những điều kiện khuyến mãi hấp dẫn.

Khách hàng mua đất nền thanh lý sau khi ký hợp đồng nhận lợi nhuận 10%, sau 2 năm sẽ lãi không dưới 20%, hay mua đất có cơ hội trúng vàng. Điều khác biệt, cuốn hút người mua nhà đất ngân hàng thanh lý là có ngân hàng bảo lãnh, nên người có ít tiền cũng có thể nhảy vào đầu tư nhà đất, nuôi hy vọng kiếm lời.  

Trên trang tin điện tử Sacombank đang cùng lúc rao bán thanh lý hàng chục sản phẩm đất nền, nhà và dự án ở nhiều quận - huyện (TPHCM) và một số địa phương khác. Trong số đó, 4 sản phẩm thanh lý “khủng” là dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh) có diện tích 134ha; dự án khu nhà ở cao tầng, thể dục thể thao (quận Bình Tân) có diện tích 530.000m2; dự án khu nhà ở Long Bình (quận 9) có diện  tích trên 164.000m2; dự án khu dân cư Bình Thủy (TP Cần Thơ) có diện tích 600.000m2. Giá khởi điểm mỗi dự án từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đồng.  

Trên mạng xã hội và trên các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh)…, cũng nhan nhản các quảng cáo của cò nhà đất về việc bán nhà/đất ngân hàng thanh lý: “BIVD thanh lý 100 nền đất giá rẻ, mặt tiền đường Phạm Hùng (TPHCM), khuyến mãi khủng, với giá khởi điểm chỉ 650 triệu đồng. Người mua được nhận sổ hồng riêng từng nền. Ngân hàng cam kết mang lại lợi nhuận cho khách hàng từ 18% đến 30%”; “Vietcombank thanh lý 33 nền đất thổ cư, diện tích 60m2 - 80m2/nền, với giá chỉ từ 850 triệu đến 980 triệu đồng”; “BIDV thanh lý đất nền cuối năm, có nhiều diện tích lớn nhỏ, trong khu dân cư sầm uất, mặt tiền đường rộng 30m, đối diện chợ, khu công nghiệp. Giá chỉ 330 triệu đồng mỗi nền, được trả chậm, lãi suất 0%”...    

Rủi ro khi mua qua cò 

Nhà đất ngân hàng thanh lý, bán đủ các chủng loại từ đất nền dự án phân lô, nhà ở riêng lẻ, căn hộ đến những dự án nhà ở. Có một điểm chung là nhà, đất thanh lý có giá bán khá hẫp dẫn đối với khách hàng mua lẻ cũng như các nhà đầu tư. Thế nhưng không phải khách hàng nào cũng gặp may, kiếm được nhiều tiền khi mua nhà đất được rao là “nhà đất ngân hàng thanh lý”, có không ít người phải nhận quả đắng.  

Theo luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM), hợp đồng mua bán nhà đất thường có giá trị cao, thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng. Vì thế, để tránh rủi ro người dân, khi mua nhà đất trên thị trường tự do hay nhà đất ngân hàng thanh lý, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, pháp lý trước khi ký hợp đồng, xuống tiền. Có một thực tế, rất nhiều người dân mua nhà đất theo cảm tính, chạy theo đám đông. Lợi dụng điểm này, không ít đầu nậu, người môi giới đã rao là nhà đất do ngân hàng thanh lý để dụ khách hàng. Những rủi ro, thua thiệt thường đổ về phía người mua.

Rủi ro mà khách hàng thường gặp phải là mua nhà đất qua cò, đầu nậu kinh doanh tự do. Đầu nậu lấy thông tin từ ngân hàng rồi lên mạng, căng bảng thông báo rao bán rộng rãi. Cũng không ít đầu nậu, người môi giới lợi dụng uy tín của ngân hàng để nhập nhằng biến nhà đất bình thường thành nhà đất ngân hàng thanh lý. Nhiều khách hàng đã nhầm tưởng cò đất là người đại diện cho ngân hàng. Theo phản ánh từ bạn đọc, phóng viên đã liên hệ đến số điện thoại 09063… để hỏi mua nền đất.

Người môi giới bán nền đất lúc đầu giới thiệu đất nền do BIVD thanh lý; nhưng một lúc sau, khi thấy đã kéo được khách hàng, lại cho biết đất thanh lý nhưng không ký hợp đồng trực tiếp với ngân hàng mà ký với đơn vị môi giới. Kết thúc buổi đàm phán, nhân viên môi giới lộ rõ thực chất chỉ là ngân hàng sẽ cho khách hàng vay tiền mua nền đất, thế chấp bằng chính nền đất này.

Người mua nhà đất, dự án do ngân hàng thanh lý cũng có thể gặp rủi ro nếu không tìm hiểu rõ. Hầu hết nhà đất ngân hàng thanh lý, bán phát mãi  có nguồn gốc của người vay tiền thế chấp nên phức tạp về pháp lý. Khi Sacombank rao bán dự án Khu công nghiệp Phong Phú, dự án khu nhà ở cao tầng thể dục thể thao, đã gặp sự phản ứng của một số người dân khu quy hoạch dự án vì đất chưa đền bù xong. Chính quyền địa phương đã can thiệp kịp thời bằng cách yêu cầu tạm dừng bán thanh lý để bảo đảm quyền lợi người mua cũng như người đang sử dụng đất.

Tin cùng chuyên mục