Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Làm mới tác phẩm cũ

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa tái dựng vở cải lương Tìm lại cuộc đời (tác giả Hoàng Khâm - Điêu Huyền, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Vở cải lương cũ được khoác phong cách tươi mới, mở màn cho các hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật của nhà hát dịp cuối năm 2018 và năm mới 2019. 
Cảnh trong vở cải lương Tìm lại cuộc đời
Cảnh trong vở cải lương Tìm lại cuộc đời

Tái dựng các vở cải lương hay

Vở cải lương Tìm lại cuộc đời là một tác phẩm sân khấu kinh điển về đề tài chiến tranh cách mạng, một trong số kịch bản sân khấu được khán giả mộ điệu yêu thích và thuộc nằm lòng. Sự nổi tiếng của Tìm lại cuộc đời (từng được dàn dựng trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 những năm đầu sau giải phóng) đã góp phần làm nên tên tuổi các nghệ sĩ tài danh sân khấu cải lương một thời như NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu, Ngọc Bích, Hà Mỹ Xuân…

Nội dung vở diễn xoáy vào những xung đột đầy kịch tính giữa những con người có cùng quê hương, nhưng ở hai chiến tuyến khác nhau, đối chọi nhau từ quan điểm sống đến suy nghĩ về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Vở cải lương với lời ca, câu thoại có ý nghĩa sâu sắc, như là lời tố cáo đanh thép, vạch trần những tội ác và âm mưu đen tối của thế lực ngoại xâm cùng tay sai…  

Trong lần tái dựng này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã mạnh dạn giao vở cho tập thể nghệ sĩ trẻ Đoàn 1 tập luyện, lên sàn. Dù thời gian tập luyện không nhiều nhưng các diễn viên trẻ của Đoàn 1 đã nỗ lực hoàn thành tốt vở diễn. Trong đó, tạo nét chấm phá cho vở là tài năng diễn xuất của diễn viên trẻ Lê Thanh Thảo vai Jackly Hương - người phụ nữ Việt bị số phận đẩy đưa, sống với trong bao nỗi đau khổ, uất hận.

Diễn viên Võ Thành Phê ghi điểm bằng giọng ca cuốn hút, thể hiện đặc sắc vai Trần Hùng - chàng trai trẻ hiền lành bị bắt lính, bị thương và bị bỏ rơi giữa trận chiến đầy những tàn binh. Bên cạnh hai vai chính, còn có sự phối hợp ăn ý trong diễn xuất của diễn viên Tô Tấn Loan (vai đại úy Huy Bình), Mỹ Linh (Lan), Diễm Kiều (Oanh), Hoàng Minh Vương (cố vấn Mỹ), Thanh Đông (Giảo)… 

Ngoài vở Tìm lại cuộc đời, nhà hát đang gấp rút hoàn thành vở mới Giấc mộng đêm xuân (tác giả Nhị Kiều - Phi Hùng, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) để công diễn xuất đầu tiên vào ngày 20-12 tại Nhà hát Thành phố. Sau đó, vở sẽ diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào ngày 5-1-2019. Vở cải lương được tái dựng với sắc màu hiện đại hơn, khắc họa được sự tinh túy, đời thường, gần gũi của sân khấu cải lương.

Nỗ lực sáng đèn định kỳ

Từ nay đến cuối tháng 12-2018, hoạt động của nhà hát sẽ diễn ra liên tục với các chương trình biểu diễn: vở cải lương Hồn của đá, Tô Ánh Nguyệt, kịch độc thoại, chương trình nghệ thuật tổng hợp, ca nhạc hài kịch… Các chương trình, vở diễn có sự hợp tác tổ chức với một số đơn vị xã hội hóa, trường học. Đặc biệt, trong một số chương trình, bên cạnh nguồn diễn viên nòng cốt, nhà hát sẽ mời thêm một số nghệ sĩ bên ngoài cùng tham gia để thêm  phần hấp dẫn. 

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương với nhiều hoạt động: trưng bày nghệ thuật sắp đặt; triển lãm nhân tượng, phục trang, đạo cụ; biểu diễn hóa trang sân khấu, đờn ca tài tử, ca ra bộ; dựng lại không khí sàn diễn cải lương xưa với các trích đoạn hay… Các hoạt động sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày 17, 18 và 19-12, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Nghệ sĩ - đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Phó Giám đốc nhà hát cho biết: “Trong kế hoạch sáng đèn, nhà hát gấp rút khôi phục một số vở cũ và lên kế hoạch tập luyện một số vở mới để đảm bảo kịch mục biểu diễn định kỳ hàng tháng. Sắp tới đây sẽ tiếp tục triển khai các vở phục vụ tết. Trước mắt, nhà hát sẽ diễn thường xuyên 3 suất/tháng. Tuy nhiên, với mong muốn sáng đèn thường xuyên hơn, nhà hát sẽ từng bước thực hiện việc chọn vở, đầu tư dàn dựng, dự trù kế hoạch biểu diễn về lâu dài, nhằm dàn dựng các tác phẩm phong phú về nội dung, nhiều phong cách khác nhau, đáp ứng nhu cầu khán giả hôm nay. Mặt khác, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh công tác quảng bá để khán giả cải lương, cả khán giả cũ và khán giả mới, biết được chương trình biểu diễn định kỳ để đến với nhà hát”.

Hiện nay, trong tình hình khó khăn chung, nhà hát vẫn phải duy trì việc phân phối vé đến tay khán giả yêu cải lương thông qua các nghệ sĩ, nghĩa là, nghệ sĩ nhà hát nhận vé và chuyển đến khán giả hâm mộ.

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt chia sẻ thêm: “Nhà hát luôn trăn trở về vấn đề này. Đó là lý do trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh công tác quảng bá và tìm kiếm những giải pháp phân phối vé, đưa vé đến tận tay khán giả thật hiệu quả. Việc anh em nghệ sĩ nhiệt tình giúp nhà hát chuyển vé đến tay khán giả yêu sàn diễn cải lương như hiện nay cũng chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần có một giải pháp khác, hữu hiệu hơn”.  

Hy vọng sự sáng đèn thường xuyên, định kỳ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động tổ chức và biểu diễn cải lương tại TPHCM - nơi từng là cái nôi của sân khấu cải lương miền Nam.

Tin cùng chuyên mục